09/06/2009 08:58 GMT+7

Sân khấu TP.HCM: Chọn khán giả để bán vé

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Khi Đoàn kịch TNT (Anh) sang VN lưu diễn có bán vé, nhiều người ái ngại bảo: “Lỗ là cái chắc!”. Vậy nhưng cuối đợt diễn, tổng doanh thu tính ra vẫn có lời dù không nhiều. Người khởi xướng chuyến lưu diễn chỉ giải thích ngắn gọn: “Chúng tôi đã chọn đúng đối tượng khán giả để bán vé!”.

DVO2YdAJ.jpgPhóng to

Kịch IDECAF dành cho khán giả trẻ, người hâm mộ Thành Lộc. Trong ảnh: vở Những con ma nhà hát - Ảnh: Gia Tiến

Nghe đọc nội dung toàn bài:

“Đối tượng đúng” mà đạo diễn Lê Quý Dương nhắm tới trong mô hình hợp tác đưa kịch nước ngoài vào lưu diễn tại VN chính là học sinh các trường quốc tế. Đây là nhóm khán giả mới, trẻ tuổi, cá tính, có ngoại ngữ và... có tiền - rất phù hợp để giới thiệu một vở kịch kinh điển như Romeo và Juliet vốn đã được đưa vào chương trình học, được diễn bằng tiếng Anh với giá vé tương đối cao.

Trước khi chuyến lưu diễn bắt đầu, phía công ty Lê Quý Dương và nhà sản xuất của đoàn TNT đã làm cuộc khảo sát với đối tượng khán giả này và tiến hành tiếp thị sản phẩm của mình đến các trường học như một hoạt động ngoại khóa bổ ích. Kết quả, số lượng vé tập thể được bán cho các trường quốc tế rất khả quan, đủ để trang trải cho chuyến lưu diễn “mạo hiểm”.

“Phân khúc thị trường”

Thật ra cách đi tìm khán giả của đạo diễn Lê Quý Dương không lạ đối với sân khấu TP.HCM, nó chỉ được “hiện đại hóa” cho phù hợp với tình hình và thời điểm mới. Mười năm qua kể từ khi cụm từ xã hội hóa xuất hiện, sân khấu TP.HCM đã thật sự trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt và bước vào một cuộc mua bán hẳn hoi.

Bầu Hồng Vân... ngồi đếm người, xe

Nổi lên là một bầu sô sân khấu lắm “chiêu” nhiều “trò” nhất hiện nay có lẽ là bà bầu Hồng Vân. Năm 2001, từ một nghệ sĩ thuần nhất chỉ chuyên diễn xuất, NSƯT Hồng Vân đã đứng ra gầy dựng sân khấu Phú Nhuận và bắt đầu công việc “cộng, trừ, nhân, chia” của người làm quản lý.

Những ngày đầu, chị đã ngồi hàng giờ trước Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận để... đếm lượng người, xe qua lại trung tâm nhằm đo mật độ được chú ý nếu nơi đây xuất hiện một sân khấu kịch. Khu vực này khá độc lập với các quận 1, 3 vốn là địa bàn hoạt động của các sân khấu đàn anh khác như Idecaf, Kịch Sài Gòn, có dân số đông, người nhập cư nhiều và có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên các quận Gò Vấp, Tân Bình...

Xác định được vị trí địa lý và đối tượng khán giả, bà bầu Hồng Vân quyết định làm kịch mang phong vị Bắc để khán giả Sài Gòn được đổi gu, còn khán giả nhập cư thì thấy gần gũi.

Không dừng lại ở đó, bà bầu Hồng Vân còn có nhiều chiến lược khác để mở rộng thị phần khán giả: diễn viên kịch hát cải lương, kịch diễn trong trường học, kịch tiếng Anh, kịch dành cho tuổi mới lớn, đem kịch ma đi lưu diễn tỉnh, mở thêm điểm diễn mới ở rạp Kim Châu để chinh phục khán giả Sài Gòn chính gốc...

Ở đó, khái niệm thị trường vốn lạ lẫm với nghệ thuật đã được chấp nhận một cách hiển nhiên. Để tồn tại trong thời buổi cạnh tranh, các sân khấu buộc phải tự mình đi tìm đối tượng khán giả - “khách hàng” riêng của mình. Và thị trường sân khấu, vì thế, cũng được phân khúc rạch ròi.

Nếu ví lượng khán giả của sân khấu TP.HCM như một chiếc bánh tròn thì mỗi sân khấu đang sở hữu một phần bánh riêng của mình trong một tổng thể chung. Sân khấu nào thì khán giả đó. Chẳng hạn kịch Idecaf dành cho khán giả trẻ cá tính, dân làm văn phòng, các em thiếu nhi và một lượng lớn fan của NSƯT Thành Lộc.

Sân khấu Phú Nhuận làm kịch mang phong vị Bắc nhắm vào đối tượng khán giả ở quận Phú Nhuận, Gò Vấp với khá nhiều người gốc Bắc. Nhà hát sân khấu nhỏ 5B thì phù hợp với khán giả trí thức, lớn tuổi, đằm tính. Kịch Sài Gòn của ông bầu Phước Sang quanh năm dựng kịch hài nhẹ nhàng, kịch sinh hoạt để diễn cho đối tượng khán giả riêng là giới bình dân, tiểu thương, bà con gốc Hoa sống ở khu vực nội thành Sài Gòn xưa.

Sân khấu Nụ Cười Mới lại chủ yếu khai thác tối đa “yếu tố hải ngoại” với lượng khán giả hâm mộ danh hài Hoài Linh, Chí Tài bằng các vở kịch dài, kịch ngắn, live show. Nhà hát kịch TP.HCM thì có nhiệm vụ đi diễn phục vụ khán giả ngoại thành, vùng sâu vùng xa, đơn vị bộ đội, các trường cai nghiện...

Mỗi sân khấu mang một sắc thái riêng và hơn nữa là một lớp khán giả riêng. Khán giả ấy ưa tìm đến sân khấu ấy để đồng cảm, chia sẻ, giải trí...

Nhiều chiến lược mở rộng thị phần

Đối với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thì chặng đường hơn mười năm xây dựng sân khấu Idecaf đã ngốn biết bao tâm huyết của anh. Với “ưu thế Thành Lộc”, Huỳnh Anh Tuấn đã tạo cho Idecaf một “thương hiệu quyến rũ” trong cuộc cạnh tranh lành mạnh nhưng không kém phần quyết liệt để giành thị phần khán giả.

Lượng khán giả của Idecaf rất ổn định, hầu hết các suất diễn đều được bán hết vé trước cả tuần. Thừa thắng, bầu Tuấn đầu tư kinh phí lớn để làm kịch thiếu nhi với loạt chương trình “Ngày xửa ngày xưa” nhắm vào đối tượng khán giả nhí rất đông nhưng đang thiếu sân chơi.

Chiến lược này thành công ngoài mong đợi, tạo nên những cơn sốt vé vào mỗi dịp hè, trung thu hay Giáng sinh và mang lại doanh thu lớn cho Idecaf từ tiền bán vé, phát hành DVD...

Bầu Tuấn tự tin tiếp nhận sân khấu Tao Đàn vốn được xem là “tọa độ chết” của giới sân khấu TP.HCM với khá nhiều... bài học phá sản trước đó. Anh không làm kịch mà quyết định làm rối nước. Sân khấu rối nước Rồng Vàng ra đời ở đây với đối tượng khán giả là khách du lịch ở những khu phố Tây balô gần đó. Đến nay, sân khấu Rồng Vàng đã hoạt động ổn định với 2-3 suất diễn/ngày và được đưa vào những tour du lịch dành cho khách nước ngoài khi đến TP.HCM.

Bên cạnh cách làm hiệu quả của Idecaf và Phú Nhuận, sân khấu Sài Gòn còn ghi nhận sự cố gắng mở rộng đối tượng khán giả của các đơn vị khác. Nhà hát kịch TP.HCM thường xuyên tổ chức chương trình “xem kịch trúng thưởng”, khai thác nguồn khán giả đông đảo ở các quận Tân Bình, Tân Phú, khán giả ngoại thành các tỉnh lân cận - vốn rất nhiệt tình, ít có sự chọn lựa, so sánh.

Sân khấu nhỏ 5B hiện nay được ví như một “khu chung cư” với các “căn hộ” là những vở diễn do các nghệ sĩ bỏ tiền đầu tư dàn dựng để thu hút khán giả. Hay như sân khấu Lê Quý Dương xác định sẽ tiếp tục đưa các đoàn kịch nước ngoài vào VN lưu diễn để hướng tới khán giả trẻ giỏi ngoại ngữ, đồng thời dựng kịch thể nghiệm để đem đi giao lưu tại các liên hoan sân khấu quốc tế.

Tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái từng cho rằng “khán giả Sài Gòn dễ thương nhất nước”, nhưng không vì thế mà các sân khấu có thể ngồi yên bởi khán giả ngày nay đang bị hút hồn bởi các chương trình truyền hình phong phú và hấp dẫn, các tiện ích trên Internet nên thói quen đến rạp hát càng lúc càng là điều xa vời, xa xỉ. Chọn khán giả để bán vé bởi vậy vẫn là một giải pháp hiệu quả để sân khấu thành phố được sáng đèn mỗi đêm.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp