Phóng to |
NSƯT Thu Hà (trái) và NSƯT Hoàng Dũng trong vở Tháp đoạn hồn - Ảnh: Nguyễn Á |
Nhìn lại những năm qua, sân khấu phía Bắc dù chưa thể thành lập những đoàn kịch tư nhân hay những “café kịch” như sân khấu phía Nam, song đã từng bước “cựa mình” để cởi dần tấm áo “công chức” mặc quá lâu và quá cũ.
Giữa thời khốn khó, rạp vắng khách, nghệ sĩ sân khấu phải bươn chải mưu sinh. Diễn viên sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương thì đi hát nhạc mới, biểu diễn nơi lễ hội. Diễn viên sân khấu kịch đi đóng phim truyện, phim truyền hình, phim hài... Đã có lúc cứ tưởng sân khấu phía Bắc sẽ bị bỏ mặc - đủng đỉnh theo kiểu “sân khấu công chức”, trôi thế nào thì trôi. Nhưng mấy năm trở lại đây, dường như cái sự “đủng đỉnh” ấy không còn nữa...
Sự “cựa mình” được bắt đầu từ khát vọng sáng đèn nên mỗi nhà hát có cách tìm kiếm khán giả cho riêng mình. Ban đầu các nhà hát như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ đều làm sân khấu nhỏ để hướng đến khách du lịch. Sau, mỗi nhà hát dựa vào thế mạnh riêng của mình để khai thác.
1. Rạp Chuông Vàng - Nhà hát Cải lương Hà Nội hai năm nay thường xuyên sáng đèn vào những ngày cuối tuần. Hình thức diễn rất phong phú: vở mới, chương trình tổng hợp và có cả những đêm đờn ca tài tử của đất Hà thành sinh hoạt. Những nghệ sĩ nổi tiếng xưa kia khán giả chỉ được chiêm ngưỡng trên sân khấu nay trực tiếp đứng diễn cùng khán giả, đóng cặp với những khán giả là tiểu thương mê cải lương một trích đoạn như Lan và Điệp, Trần Thủ Độ...
2. Nhà hát Chèo Hà Nội thì bắt đầu mở ra “chiến dịch” tiếp cận với khán giả nhí bằng cách khai thác kho truyện cổ tích, dân gian đặc sắc như Ăn khế trả vàng, Quả táo thần, Khắc nhập, khắc xuất và mới nhất là Thạch Sanh. Đặc biệt ngày tết thiếu nhi, ngày lễ, Nhà hát Chèo Hà Nội còn làm hẳn một chương trình tổng hợp gồm những trích đoạn, tiết mục dân ca, thậm chí mời thêm cả những nghệ sĩ hài nổi tiếng như Minh Vượng cộng tác. Thật ra, nếu diễn cả vở chèo dài hai giờ không em thiếu nhi nào đủ kiên nhẫn xem. Song, chương trình này dành cả thời gian cho các em tập hát chèo, tập đánh trống và diễn cùng Minh Vượng nên em nào cũng mê tít.
3. Năm 2009 khi NSƯT Chí Trung - trưởng đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ - đảm nhận việc tổ chức một địa điểm diễn kịch mới tại Nhà văn hóa Thanh niên Hà Nội đã khiến nhiều người “nghi ngờ” không biết diễn được mấy tháng? Vậy nhưng bốn năm qua, nơi đây luôn sáng đèn vào các tối thứ sáu, bảy và chủ nhật. Ban đầu diễn Đời cười, bây giờ thì diễn cả chính kịch. Khán giả đến xem chưa đông nhưng đã có những khán giả “cháy hết mình”. Những ngày đầu năm giá rét 2013, Chí Trung lại “hâm nóng” khán giả của mình bằng việc tập hợp mọi người lại trong câu lạc bộ Khán giả yêu sân khấu. 200 khán giả, phần đông là bạn trên Facebook của Chí Trung, đã đến rạp Tuổi Trẻ để bước vào “cuộc chơi mới” với sân khấu kịch khi vừa được làm khán giả “ruột” cùng nhiều ưu đãi, vừa là “giám khảo” được nói lời khen, chê trước mỗi vở diễn của nhà hát.
4. Giữ lửa và tiếp lửa, NSND Lê Khanh vừa cho “ra lò” một khóa với 20 diễn viên, tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ “ra sân” với tâm niệm “tạo dựng và vun đắp tình yêu cho diễn viên ngay từ thuở chân ướt chân ráo”. Cũng như NSND Lê Khanh, NSƯT Hà Quốc Minh - giám đốc Nhà hát Chèo VN - đã dành hơn tháng để mời các nghệ sĩ đã làm nên những vai mẫu trong các vở chèo cổ như NSƯT Diễm Lộc, NSND Chu Văn Thức, NSƯT Mạnh Phóng, NSƯT Thanh Ngoan... truyền dạy cho lớp đào, kép trẻ mà nhà hát đã về tận các vùng quê tuyển chọn...
Phía sau màn nhung, những nghệ sĩ tâm huyết với nghề - trong đó có nghệ sĩ đã nổi danh qua từng vai diễn ở thời hoàng kim của sân khấu nhưng họ không sống trong ảo ảnh - đã bền bỉ tiếp lửa và nỗ lực tìm cho sân khấu phía Bắc những bước đi mới như thế.
Đã yêu thì không thể chối bỏ NSƯT Thu Hà (Nhà hát Kịch Hà Nội) những năm 1990 được biết đến là một “ngôi sao điện ảnh” nhiều hơn là diễn viên kịch nói. Vậy nhưng, sau 20 năm rong ruổi trên phim trường, Thu Hà đã trở về kịch với vai Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng, Mến trong Thầy khóa làng tôi, Tân trong Đường đời, Ái Trinh trong Cát bụi, Thêm trong Những mặt người thấp thoáng... “Vốn là người của kịch nhưng lúc mới vào nghề, cơ hội được thể hiện gần như không có đối với tôi. Tôi đã bị “điện ảnh” cuốn đi. Nhưng trong “cơn lốc” ấy, tôi vẫn nhận ra sân khấu kịch mới là niềm đam mê để đến năm 1995 tôi trở về với Nhà hát Kịch Hà Nội. Đây là sự trở về với gia đình mình sau những ồn ã, xô bồ của cuộc đời. Bởi vậy, đối với tôi, sân khấu là một thánh đường. Dù những người làm sân khấu có gì đấy hơi lặng lẽ, nhưng ai đã mê sân khấu và trót mang nặng tình yêu với nó thì không thể chối bỏ” - Thu Hà chia sẻ. “Chỉ cần 5 tấm vé, chúng em sẽ diễn” Gặp chúng tôi khi đang nhẩn nha tẩy trang tại rạp Hồng Hà trong một buổi diễn không có khách (theo thường kỳ vào tối thứ năm, thứ sáu), không một chút lo âu, buồn nản, nghệ sĩ tài năng trẻ Hiền Trang (Nhà hát Tuồng VN) nói: “Hôm nay vắng nhưng ngày mai sẽ có khách. Chỉ cần năm tấm vé được bán ra là chúng em sẽ diễn. Với mỗi người, không phải ai cũng được “trao nghiệp” diễn. Bởi thế nếu nản, nếu so đo với nghề khác thì chẳng ai còn ở lại với sân khấu nữa, đặc biệt là sân khấu tuồng. Tất nhiên vẫn phải mưu sinh. Chèo, cải lương có thể đi hát dân ca nhạc mới, còn tuồng thì đi hát văn, hát đám cưới, múa trống trong các dịp lễ hội. Em cũng mở một quán cà phê nhỏ. Vẫn phải tiếp tục sống để tiếp tục giữ nghề”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận