Tuy nhiên, đi xem kịch Tết vẫn là một đặc trưng không thể thiếu của người Sài Gòn mỗi dịp đầu năm. Áo Trắng giới thiệu đến bạn đọc vài vở diễn đặc sắc của năm nay.
Phóng to |
Vở kịch Cô gái ăn cắp |
Tía ơi... má dzìa(Sân khấu Idecaf)
Sân khấu được bày ra với cây cầu khỉ, ụ đất, lu nước, giường tre, cây đờn kìm... đưa người xem trở về một cù lao ở vùng sông nước miền Tây, nơi có ông Tư đờn kìm (NSƯT Thành Lộc) suốt 10 năm trời thương nhớ người vợ đột ngột mất tích sau một chuyến phà. Cuộc sống buồn tẻ cứ ngày ngày trôi qua, dài như một câu hò buồn mà ông Tư vẫn thường ôm đàn ngồi ca, cho đến một ngày ông chợt giật mình nhận ra mình phải đi tìm vợ thay vì cứ ngồi đây thương nhớ... NSƯT Thành Lộc vào vai ông Tư - người đàn ông miền Tây gia trưởng nhưng coi trọng tình cảm, hay thả lòng qua những câu hò điệu lý. Các nghệ sĩ Phi Phụng, Ðại Nghĩa, Phương Dung lại làm "náo loạn" sân khấu với những màn tung hứng hài hước. Diễn tại Nhà hát Bến Thành từ mồng 1 Tết.
Cô gái ăn cắp(Sân khấu Phú Nhuận)
Ðây là một vở cũ làm lại của sân khấu kich Hồng Vân từ nhiều năm trước. Phiên bản mới dành cho mùa kịch Tết năm nay vẫn tập trung vào khai thác số phận của hai nhân vật chính Tám Bính - Năm Sài Gòn, nhưng câu chuyện đã ít nhiều có sự tiết chế gọn gàng hơn so với bản dựng cũ.
Lần này, cô gái ăn cắp Tám Bính được thể hiện qua diễn xuất của diễn viên trẻ Lan Phương, thay cho Cát Phượng của bản dựng đầu tiên. Trong khi đó, Năm Sài Gòn cực ngầu của Thái Hòa khi xưa giờ được thay bằng Ðức Thịnh, với dáng vẻ có phần "bệ vệ" và đôi khi lóng ngóng nhưng vẫn giữ được "khí chất" của một tay đàn anh uy quyền, khẳng khái. Bản dựng mới vẫn do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Sự trở lại này của ông và Cô gái ăn cắp ở sân khấu Phú Nhuận cho thấy sức sống của một vở kịch mang phong vị Bắc trên sân khấu miền Nam.
Tốt xấu giả thật(Sân khấu 5B)
Tốt xấu giả thật là vở diễn mới nhất của tác giả Nguyễn Thu Phương, được đạo diễn Trần Minh Ngọc dàn dựng với đầy ắp những tiếng cười nhưng ẩn sau sự hài hước, dí dỏm đó là những thông điệp khiến mọi người phải trăn trở.
Mọi chuyện bắt đầu khi giáo sư Ðại Khùng (Thanh Hoàng) nghiên cứu sáng chế ra những viên thuốc người tốt và tiến hành thử nghiệm trên người. Ông Tư Liều (NSƯT Việt Anh), người đàn ông cùng khổ với người vợ bệnh tật và năm đứa con nheo nhóc, sẵn sàng làm chuột bạch để thí nghiệm loại thuốc mới đó. Cuộc phiêu lưu thử làm người tốt của Tư Liều cũng lắm phen cười ra nước mắt khi ông gặp đám trẻ bụi đời, một cô nàng cần tiền, một bà cụ mù lòa. Nhưng thứ lòng tốt giả tạo có được nhờ sự tác động của những viên thuốc rõ ràng không mang lại điều gì bền vững. Chỉ khi tất cả đã trở về đúng bản chất thật của mình, lòng tốt bất ngờ hiện hữu với sự thúc đẩy của những người tốt và môi trường cho cái tốt phát triển. Diễn xuất của những diễn viên gạo cội như NSƯT Việt Anh, Thanh Hoàng, Mỹ Uyên đem lại những biến chuyển cảm xúc đầy đặn cho người xem.
Tình yêu nổi loạn(Nhà hát Thế Giới Trẻ)
Nguyên văn tên của vở kịch này là Tình yêu nổi loạn hay câu chuyện chàng Gió, nàng Mây và cây Bất Lương - một cái tên dài không kém bộ phim Hot boy nổi loạn... của đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng. Và cũng đúng với cái tên "nổi loạn" đó, câu chuyện kịch kể về anh chàng Phong bị phụ tình nên đã hận phụ nữ một cách cực đoan, không rung động với bất cứ ai. Thậm chí khách sạn nơi anh quản lý cũng chỉ được đón khách nam giới. Cho đến một ngày, Phong tình cờ bắt gặp một cô gái có ý định tự tử ở ngọn đồi sau nhà. Mọi chuyện bắt đầu trở nên phức tạp và kỳ lạ với những biểu hiện của cô gái, của ông khách Việt kiều David Trần, của ông Lương bà Duyên... Vở do hai tác giả Hồng Phúc - Thiên Ân chấp bút, đạo diễn Cao Tuấn dàn dựng, với sự tham gia của các diễn viên: Ngọc Trinh, Khương Ngọc, Tiểu Bảo Quốc, Quang Tuấn, Thu Trang, Hoàng Phi...
Phóng to |
Vở kịch Tình yêu nổi loạn |
Màu của tình yêu(Sân khấu Hoàng Thái Thanh)
Màu của tình yêu là phần hai của loạt kịch Thử yêu lần nữa của đạo diễn Ái Như. Sau giai đoạn tìm nhau, nhận ra nhau trong Thử yêu lần nữa, chuyện tình của ông Thôi Ứng và bà Nhớ, của giám đốc Hồng Phấn và cô giáo Bích Hồng tiếp tục trải qua giai đoạn của những cung bậc cảm xúc lẫn lộn lúc chuẩn bị làm đám cưới. Nhất là khi người vợ trước của Hồng Phấn đột ngột trở về và mang trong mình căn bệnh nan y.
"Tình yêu có màu gì?" - đó là câu hỏi của Hồng Phấn với cả hai người vợ cũ và vợ mới. Trong khi cô vợ cũ Việt kiều thẳng thắn trả lời: "Màu đỏ, vì đó là màu của chiến thắng" thì cô giáo Bích Hồng lại nhẹ nhàng cho rằng "Tình yêu có màu hồng phấn", vì đó là tên của hai người ghép lại. Có lẽ màu của tình yêu cũng chỉ đơn giản là vậy, chân thành và tha thiết.
Diễn xuất dày dạn kinh nghiệm của NSƯT Thành Hội và Kim Xuân đã tạo nên những tung hứng và mảng miếng rất "ăn" khán giả, tạo nên một câu chuyện tình già vừa khắc khoải vừa đáng yêu, là điểm nhấn đáng chú ý nhất của vở kịch này.
o0o
Ngoài các vở trên, mùa kịch Tết năm nay còn ghi nhận sự xuất hiện của các vở khác: Lẩu trăn, Một ngày làm vua, Tôi là ai? (Sân khấu Idecaf), Con nhà nghèo, Chuyện của sao (Sân khấu Phú Nhuận), Người sói (Sân khấu Super Bowl), Mua chồng, Hai chàng bảo mẫu (Nhà hát Thế Giới Trẻ), 29 anh về (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), Ðảo thiên đường (Sân khấu 5B)...
Áo Trắng Xuân Nhâm Thìn 2012 ra ngày 26/12/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận