20/06/2015 13:10 GMT+7

Sân khấu kịch nói: Gánh nặng chuyển giao thế hệ

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Từ ngày 21-6 đến 6-7, Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 sẽ diễn ra tại nhà hát Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

Vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo của Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 - Ảnh: Đức Triết
Vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo của Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 - Ảnh: Đức Triết

Vượt qua “kỷ lục” về số vở diễn mới được lập ở Cuộc thi sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2012 (với 26 vở diễn và 20 đơn vị), cuộc thi năm nay tiếp tục lập “kỷ lục” mới với 29 vở nhưng số đơn vị tham gia giảm một - 19 đơn vị.

Trong đó sân khấu phía Bắc có 11 đơn vị (10 đơn vị công lập và 1 đơn vị xã hội hóa), sân khấu phía Nam có 8 đơn vị tham gia (7 đơn vị xã hội hóa và 1 đơn vị công lập).

Sức sáng tạo của con người là vô biên, không kể tuổi tác. Nhưng để sự vận động, phát triển của sân khấu được bền vững, không bị đứt quãng thì cũng cần tạo điều kiện để những gương mặt đạo diễn mới được rèn giũa và thể hiện khả năng sáng tạo ở nhiều sân chơi chuyên nghiệp - điển hình là sân chơi dành riêng cho kịch nói được tổ chức ba năm một lần này
Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành

Nhiều đề tài đương đại

Tại cuộc thi năm nay, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Kịch Hà Nội đều tham gia ba vở diễn. Kịch bản “lớn tuổi” nhất là Bệnh sĩ của tác giả Lưu Quang Vũ đã hơn 30 tuổi vẫn được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.

Sau đó là kịch bản Nắng quái chiều hôm cũng quá 10 năm tuổi. Đây là kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương - người có đến bốn kịch bản được dàn dựng và tham gia cuộc thi. Ngoài ra là những tác giả quen thuộc như Nguyễn Quang Vinh, Xuân Đức, Chu Thơm, Lê Chí Trung, Chu Lai, Vương Huyền Cơ...

Dù không bị giới hạn về đề tài nhưng cuộc thi năm nay chỉ có hai vở về đề tài lịch sử là Công lý không gục ngã Khát vọng của những linh hồn. 27 vở diễn còn lại đều là những tấm gương phản chiếu đa chiều về cuộc sống hiện đại, đậm nét nhất là những câu chuyện khá bạo liệt về sự chuyển động của xã hội và gia đình cũng như sự tha hóa biến chất của con người từ thành thị đến nông thôn trong thời kinh tế thị trường...

Và đây cũng là bữa tiệc nghệ thuật khá đa dạng khi không chỉ gồm chính kịch, hài kịch, kịch kinh dị mà còn có cả những vở nhạc kịch (Vũ nữ), kịch sắp đặt (Cát trắng như gạo) đầy mới mẻ của sân khấu phía Nam.

Vẫn là những cây đa cây đề

Tại Cuộc thi sân khấu kịch nói chuyên nghiệp năm 2012, một thế hệ đạo diễn mới được cho là bắt đầu được những cây đa cây đề “nhường sân”, khi đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang và NSND Xuân Huyền năm ấy chỉ góp một vở, còn NSND Lê Hùng không xuất hiện.

Thế nhưng đến cuộc thi năm nay, những dự đoán về một thời kỳ chuyển giao cần thiết đã không hẳn đúng, ít ra là với sân khấu phía Bắc.

Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang vẫn đứng tên ba vở: Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Bỉ vỏ, Công lý không gục ngã và đạo diễn NSND Lê Hùng đứng tên đến... bốn vở: Thời gian không im lặng, Người sông Mã và hai bản dựng cho vở Đường đua trong bóng tối.

Tất nhiên, giữa sự góp mặt của các đạo diễn lão làng ấy thì cuộc thi năm nay vẫn có những gương mặt mới như Xuân Bắc, Như Lai, NSƯT Công Bảy, NSƯT Tuấn Hải.

Nhất là đạo diễn NSƯT Anh Tú - một gương mặt mới đầy triển vọng ở cuộc thi trước - năm nay “nở rộ” với... năm vở gồm Tai biến, Lâu đài cát (Nhà hát Kịch Việt Nam), Biến dạng (Nhà hát Tuổi Trẻ), Lính trận (Đoàn kịch Quảng Ninh) và Gió từ những cánh đồng (Trung tâm Nghệ thuật và tổ chức biểu diễn Hải Dương)...

Có người sẽ cho rằng sự xuất hiện trở lại của các đạo diễn lão làngcũng là vì các nhà hát xưa nay luôn chọn độ an toàn cao khi thi thố. Nhưng thực tế chuyển động của đời sống sân khấu cho thấy không hẳn như thế.

Mà có thể đây là một sức nặng của sự chuyển giao thế hệ khi đạo diễn trẻ thật sự tài năng, tâm huyết với nghề còn ít ỏi, chưa đủ sức trụ độc lập ở một sân chơi nghệ thuật đầy “đa đoan” như sân khấu.

Vậy nên, sân khấu vẫn cần sự “ngự trị” của một thế hệ đạo diễn tài năng như NSND Doãn Hoàng Giang hay NSND Lê Hùng. Và với sức lao động tràn trề - dù nhiều khi bị đi vào khuôn mẫu, những đạo diễn đã ở độ tuổi xấp xỉ 70, 80 ấy vẫn không thể vắng mặt trong đời sống sân khấu hôm nay.

Kịch Sài Gòn: sân khấu trẻ hào hứng

Mùa liên hoan năm nay, khá nhiều sân khấu tên tuổi, được xem là bộ mặt của sân khấu kịch TP.HCM như sân khấu Idecaf, kịch Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, nhà hát kịch 5B rút lui, không tham gia. Idecaf từ lâu đã không thiết tha với hội diễn, kịch Hồng Vân có tham gia hội diễn lần trước ở Huế nhưng lần này có vẻ thờ ơ.

Bà bầu Hồng Vân chia sẻ: “Tụi tôi là sân khấu xã hội hóa, còn phải lo diễn kiếm tiền cho anh em, kinh phí đâu mà đi. Lần trước ráng đi Huế một phần cũng muốn tìm hiểu, thăm dò thị hiếu khán giả miền Trung để có những kế hoạch lưu diễn cho tương lai!”.

Nghệ sĩ Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng lắc đầu nhẹ: “Chúng tôi không có tiền đi!”. Trước khi 5B tạm ngưng hoạt động, bà bầu Mỹ Uyên từng tâm sự: “Chúng tôi cũng rất muốn tham gia hội diễn nhưng có ai cho tiền đâu mà đi, kêu gọi tài trợ thì khó lắm...”.

Như vậy, ngoài một số sân khấu tương đối đã tạo được chỗ đứng như Nụ cười mới, kịch Sài Gòn, Sài Gòn Phẳng; trong đợt liên hoan này nhiều sân khấu trẻ và các nhóm kịch xã hội hóa cũng hào hứng tham gia như nhóm kịch của đạo diễn trẻ vừa đoạt giải Cù nèo vàng năm ngoái Nguyễn Khắc Duy (Công ty Khánh Vương), sân khấu Sao Minh Béo, nhóm kịch xã hội hóa của diễn viên Ngọc Trinh (Công ty Ước mơ xanh, dù đã tạm ngưng hoạt động khoảng tám tháng nay nhưng cũng dự thi với vở 49 ngày yêu), Nhà hát kịch TP.HCM với vở Vòng xoáy nghiệt ngã; nhà hát Thế giới trẻ (thuộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) hoạt động chập chờn, nhưng đến hẹn lại lên cũng có hai vở dự thi là Cát trắng như gạoBông hồng vàng.

Nghệ sĩ Minh Béo cho biết: “Dù biết đi có thể rất tốn kém với kinh phí lên tới vài trăm triệu đồng nhưng chúng tôi cũng ráng cố gắng. Lâu lâu mới có một ngày hội nghề nghiệp thì anh em cũng muốn đến để giao lưu, học hỏi.

Vả lại mình là sân khấu còn non trẻ nên cũng rất muốn giới thiệu và có tiếng nói gây sự chú ý với người trong giới!”. Muốn giới thiệu sân khấu với người làm nghề cũng là tâm lý chung của các sân khấu trẻ khi quyết định đến với hội diễn.

LINH ĐOAN

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp