Năm nào các nhà hát cũng công diễn vở mới song phần lớn là khán giả đến xem vì có vé mời. Trong ảnh: Một cảnh trong vở chèo Cánh chim trắng trong đêm của Nhà hát Chèo Hà Nội - Ảnh: Đức Triết |
Các chương trình nghệ thuật, các vở diễn không được khán giả nhiệt tình đón nhận cho dù đó là thể loại nào đi chăng nữa, dù các đơn vị nghệ thuật đã liên tục tìm kiếm kịch bản mới, mời đạo diễn giỏi, có tên tuổi để dàn dựng với giá vé tương đối thấp. Việc chấp nhận vắng bóng người xem đang là một thực tế không thể né tránh. |
Nỗi buồn sân khấu vắng khán giả kéo dài mấy thập kỷ qua gần như bao trùm toàn không gian hội thảo khi không tham luận nào của các tác giả, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình và kể cả các nhà quản lý là không nhắc đến thực tế này trong bao nỗi xót xa.
Vắng vẫn hoàn vắng
Trừ Nhà hát múa rối Thăng Long, năm nào các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội như Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát cải lương Hà Nội, Nhà hát xiếc và tạp kỹ Hà Nội cũng công diễn vở mới, chương trình mới. Dù thế khán giả đến rạp phần lớn là khán giả nhận vé mời, việc tổ chức biểu diễn thường xuyên tại rạp rất khó khăn vì khán giả không mặn mà.
Cũng có một số nhà hát tổ chức được chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch hay ký được vài chục suất biểu diễn hợp đồng theo mùa vụ (nhân các ngày lễ, tết) nhưng mới chỉ đủ lấy thu bù chi.
Ngay như với Nhà hát Múa rối Thăng Long - một đơn vị được sách Guiness châu Á ghi danh là nhà hát biểu diễn sáng đèn suốt 365 ngày trong năm nhưng theo NSƯT Đăng Tiến, nhà hát cũng mang mối lo “thua trên sân nhà” khi khán giả Tây chiếm đến 95% mỗi suất diễn.
Trong khi đó, những trò rối nước cổ truyền đã được biểu diễn suốt hơn 30 năm qua rồi dần dần sẽ không khỏi nhàm chán…
“Nội dung các vở kịch né tránh đề tài được khán giả quan tâm là nguyên nhân lớn khiến người xem quay lưng với sân khấu" |
Sao khán giả thờ ơ?
Nếu như các nhà quản lý vẫn loanh quanh và luôn luôn viện ra nguyên cớ chính dẫn đến thực tế này vẫn là vì sân khấu không cạnh tranh được với các loại hình giải trí khác thì các tác giả, nhà nghiên cứu lại khá thẳng thắn vạch rõ những cái yếu, cái thiếu của sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung hiện nay.
Chẳng hạn, tác giả Nguyễn Hiếu đã gọi thực tế này là một bi kịch của sân khấu và đặt hàng loạt câu hỏi:
- Vì sao khán giả hiện nay lại không quan tâm đến kịch, không chịu bỏ tiền, bỏ thời gian đến với sân khấu?
- Sự chán kịch của dân ta bắt đầu từ đâu?
Để rồi ông lý giải: “Nội dung các vở kịch né tránh đề tài được khán giả quan tâm là nguyên nhân lớn khiến người xem quay lưng với sân khấu. Với những kịch bản nhàn nhạt phản ánh những vấn đề bên lề trung tâm, vòng xoáy của cuộc sống thì làm sao đủ sức bắt người xem bỏ tiền ra mua vé vào rạp đêm đêm…”.
Tác giả Nguyễn Hiếu cũng cho rằng trong khi trình độ khoa học kỹ thuật của nhân loại đã tiến quá xa, các nhà viết kịch thế giới đi tìm nhiều phương pháp biểu hiện mới. Trong khi đó không ít các nhà hát, các đoàn kịch của ta giờ đây vẫn chọn kịch bản cổ lỗ, đề tài hiền lành lại trì trệ về nghệ thuật biểu hiện, trách chi người xem - nhất là người trẻ từ chối sân khấu.
Còn nhà nghiên cứu Đặng Hiển thì băn khoăn hỏi vì sao sân khấu không diễn những kịch bản lớn của đời? Vì theo ông, sân khấu hiện nay thường nói những điều đã nói rồi, biết rồi với kịch bản “nông choèn như vũng nước” trong khi trình độ khán giả đã khác xưa.
Theo ông, cái mà sân khấu cần là phải có cái nhìn mới, cách giải quyết vấn đề mới, chiều sâu mới của tư tưởng, cảm xúc, tạo nên những liên tưởng mới và có cái nhìn trước thời đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận