Ông Nguyễn Đăng Chương - chủ tịch hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - trong báo cáo tổng kết tình hình sân khấu năm 2023 tại lễ trao giải thưởng đã vẽ bức tranh khá u ám của sân khấu năm 2023.
Ông minh chứng bằng kết quả giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2023 không có giải A cho cả vở diễn và kịch bản văn học, "hội đồng nghệ thuật phải gạn đục khơi trong lựa chọn ra một số giải B".
Ảm đạm vì sáp nhập, khủng hoảng đội ngũ sáng tạo?
Phó chủ tịch hội cũng lý giải lý do sân khấu khủng hoảng, là những lý do đã được nhắc đến nhiều năm nay.
Đó là việc thực hiện tinh giản biên chế, các đoàn nghệ thuật địa phương phải sáp nhập các đơn vị nghệ thuật sân khấu vào Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh, làm xáo trộn bộ máy và giảm nguồn lực cho sân khấu.
Thêm một bất cập khác trong quản lý là tại các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập hiện nay có khoảng 30-50% diễn viên không còn khả năng làm nghề, nhưng vẫn nằm trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trong khi nghệ sĩ trẻ đang sung sức trong lao động sáng tạo nghệ thuật thì nằm ngoài biên chế và hưởng lương hợp đồng từ nguồn thu của đơn vị, khiến các nhà hát khó giữ chân được tài năng trẻ.
Nhưng điểm nghẽn lớn nhất, cũng là điều khó khăn nhất của đời sống sân khấu hiện nay, theo ông Chương, là sân khấu đang bị khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo.
Lực lượng biên kịch thì thiếu vắng tài năng, không có kịch bản về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt.
Lực lượng phê bình thì chỉ còn vài cây viết già, không có thế hệ kế cận.
Những điều ông Chương chỉ ra đúng là những gì đang tồn tại của sân khấu, nhưng nhiều người sẽ đồng ý rằng đó không phải là tất cả của đời sống sân khấu hiện nay, và chưa hẳn đã là nguyên nhân cốt yếu khiến sân khấu ảm đạm, bế tắc.
Sân khấu có buồn, nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn miệt mài tạo ra sự thay đổi
Nếu bi quan thì có thể nói như ông Chương: sân khấu đang ảm đạm, bế tắc. Nhưng người lạc quan hơn thì sẽ nhìn thấy những điều khác.
Đầu tiên giải thưởng năm 2023 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không tìm được vở diễn hay để trao giải A, nhưng không có nghĩa năm qua sân khấu cả nước không có vở diễn hay.
Trong hệ thống sân khấu công lập, Nhà hát Kịch Việt Nam có vở Quan thanh tra, Bóng rối nhận nhiều khen ngợi từ giới phê bình lẫn khán giả vì sự chỉn chu (Quan thanh tra) và rất sáng tạo (Bóng rối).
Nhưng đáng tiếc, Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết vì một lý do nào đó nhà hát không nhận được công văn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam để gửi dự xét giải.
Chưa kể những nhà hát có truyền thống khác, như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam… không phải là không có vở diễn tốt năm qua.
Khối sân khấu tư nhân, phía Bắc có vở Búp bê của Luc Team, Trần Lực dựng theo ngôn ngữ kịch biểu hiện, với nhiều sáng tạo mới lạ từ kịch bản cũ của Lê Hoàng.
Lần đầu tiên kịch phía Bắc dựng kịch bản này của Lê Hoàng, khán giả lẫn giới phê bình cũng dành nhiều ngợi khen cho vở kịch.
Hay những vở diễn rất mới lạ của đạo diễn trẻ tự do Hà Nguyên Long dần thu hút được một lượng khán giả trẻ có gu, thích tìm đến những sáng tạo mới mẻ.
Phía Nam, sân khấu chứng kiến hoạt động khá sôi động, thậm chí khởi sắc.
Nhiều sân khấu mới được mở ra, nhiều vở diễn cho khán giả lựa chọn và khán giả vẫn khá trung thành với sân khấu.
Nhưng như thường lệ, các vở diễn của sân khấu xã hội hóa phía Nam thường nằm ngoài hệ thống giải thưởng hằng năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Trong khi đó sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc ở Hà Nội lại giành nhiều giải thưởng của hội năm nay (giải B cho vở diễn Lôi vũ và giải Họa sĩ xuất sắc cũng ở vở diễn này).
Dù sân khấu chẳng còn không khí sôi động của thời hoàng kim, nhưng sân khấu năm qua không quá ảm đạm như tổng kết của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ít nhất là không ảm đạm hơn các năm qua.
Ngược lại, vài năm trở lại đây khối sân khấu tư nhân cả Nam và Bắc vẫn tiếp tục kiên trì với đam mê sân khấu của mình để tiếp tục làm việc và tìm khán giả.
Nhiều nghệ sĩ vẫn ngày đêm tìm cách vượt qua khó khăn không tránh được của cơ chế cần đổi thay (như tinh giản biên chế) và năng động tìm kiếm nhưng nguồn lực ngoài xã hội để nuôi sống sân khấu.
Họ xứng đáng được ghi nhận và động viên, được đánh giá đúng.
NSND Trịnh Thúy Mùi - chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - xác nhận tình trạng ảm đạm, khó khăn, bế tắc của sân khấu chủ yếu là ở các địa phương, nơi đang rất khó khăn vì sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, tinh giản biên chế.
Còn các nhà hát trung ương, sân khấu cả Nhà nước và tư nhân ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM thì “vẫn ổn”, không ảm đạm, bế tắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận