18/04/2014 09:38 GMT+7

Sân khấu của những người thợ Huế

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Đêm lễ hội áo dài cuối cùng của Festival Huế (đêm 17-4) kết thúc khá lâu nhưng rất đông khán giả vẫn nán lại để chụp cho bằng được một tấm ảnh cổng kinh thành lộng lẫy ánh sáng.

KMkwgo1m.jpgPhóng to
Toàn cảnh sân khấu mô phỏng cổng vào Cung Trường Sanh - một cung điện trong Hoàng cung Huế - Ảnh: Ngọc Dương

Ngay cả những đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn trong đêm khai mạc festival cũng dành không ít lời khen cho sân khấu độc đáo này. Bà Han Myung Ok, giám đốc nghệ thuật của Viện âm nhạc quốc gia Hàn Quốc cho hay đoàn của bà đã lưu diễn qua nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết sân khấu được dàn dựng với một mặt phẳng mà thôi.

Khi đến Huế, cả đoàn thực sự ngỡ ngàng trước một tòa lâu đài với hàng chục bậc cấp dẫn vào những cánh cổng cổ kính. Dù phải sắp xếp lại đội hình múa cho phù hợp nhưng cả các diễn viên múa ai cũng thích thú và cảm thấy sân khấu đầy chất cổ điển này phù hợp với các điệu múa truyền thống của mình hơn.

Nhiều du khách và ngay cả người Huế vẫn tưởng rằng sân khấu đó được làm bởi những công ty chuyên nghiệp từ TP.HCM như mọi kỳ Festival Huế trước đây. Thật bất ngờ, tòa sân khấu ấy được làm bởi một nhóm thợ Huế!

Ông Phan Văn Thắng (người Huế thường gọi là “Thắng nhà rường”) cho biết khi nhận thi công sân khấu này, cả đội thợ cảm nhận như đang thực hiện một công trình lớn và rất quan trọng bởi hình ảnh này sẽ truyền đi khắp thế giới, nên ai cũng dốc hết tâm huyết cho công việc.

Gần 80 thợ gồm thợ chạm lộng, thợ mộc, thợ sắt… được chọn lựa ở Huế để thi công. Ban đầu, họ phải hàn một khung sắt với khả năng chịu lực cao. Bao bọc quanh khung sắt ấy là 500 tấm ván ép dán giấy đề can.

7zfb7tSR.jpg
Ánh sáng liên tục thay đổi tạo nên những sắc màu khác nhau cho sân khấu - Ảnh: Ngọc Dương

Toàn bộ những hoa văn trang trí trên các tấm ván mô phòng từ các kiến trúc cung đình Huế, được nhóm thợ chạm chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ông Thắng cho hay phải mất 15 ngày với 9 lần thay đi đổi lại, mới đạt được yêu cầu về mỹ thuật.

Giai đoạn khó nhất là việc lắp ráp các tấm ván vào khung sắt với độ cao sân khấu tới 21m (dài 40m và rộng 26m) giữa quảng trường gió lồng lộng. Sau 27 ngày đêm miệt mài thi công, sân khấu đã hoàn tất ngay trước ngày khai mạc. Giữa quảng trường Ngọ Môn, mọc lên một cổng thành với bảy cánh cổng dẫn vào kinh thành nguy nga tráng lệ.

dfy6s3TS.jpg
Các chi tiết hoa văn được chạm trổ công phu, giống như việc chạm trổ trên các kiến trúc cung đình Huế - Ảnh: Ngọc Dương

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh chính là tác giả thiết kế nên sân khấu này, lấy ý tưởng từ chiếc cổng của cung Trường Sanh trong hoàng thành Huế. Bà Hạnh cho hay ý đồ cho chạm trổ nhiều hoa văn là để khi quầng sáng từ bên trong chiếu ra, cả sân khấu sẽ trở thành một chiếc đèn lồng lộng lẫy.

Khi quyết định chọn ý tưởng này để thiết kế sân khấu chính cho Festival Huế, bà Hạnh đã nghĩ ngay đến những người thợ thủ công, đặc biệt là thợ chạm lộng vốn nổi tiếng tinh xảo, điệu nghệ của Huế. Họ là những người sống cả đời với các hoa văn, say mê với công việc chạm trổ. Và họ đã làm cho tác giả bản vẽ chiếc sân khấu đầy chi tiết công phu này hết sức hài lòng.

“Chỉ có những người thợ Huế mới làm nên sân khấu chạm trổ tinh xảo như vậy”, nhà thiết kế Minh Hạnh nói.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp