Phóng to |
Tương tự như liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc hồi tháng 7 tại Huế, liên hoan sân khấu cải lương năm nay có một tiêu chí khiến không ít đoàn cải lương phải đau đầu, đó là “tác phẩm tham dự liên hoan là những tác phẩm về đề tài hiện đại” mà như NSƯT Đỗ Kỷ - phó trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) - nhấn mạnh là từ năm 1930 đến nay.
Vốn có thế mạnh với những vở lịch sử, truyền thống, đạo diễn Nguyên Đạt - trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh TP.HCM - băn khoăn: “Gốc của cải lương là những tuồng tích màu sắc, mang không khí xưa, tuồng lịch sử với trang phục lấp lánh hấp dẫn. Mảng sân khấu đương đại cũng rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta vẫn giữ hai mảng song song trong hội diễn có lẽ sẽ phong phú hơn. Làm vở truyền thống mà theo phong cách hiện đại vẫn có thể hấp dẫn. Vả lại, khán giả còn có tâm lý nếu xem đề tài xã hội thì xem kịch có vẻ thích hơn vì cải lương có tiết tấu hơi chậm. Đề tài xã hội ở lĩnh vực cải lương cũng ít kịch bản hay, vì thế đã có tình trạng các đoàn giẫm chân lên nhau, một kịch bản đến hai đoàn cùng dựng. Đến với hội diễn lần này, tôi đem vở Cơn hồng thủy (tác giả: nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc, chuyển thể cải lương: Võ Tử Uyên) và xem đó như là một thử thách với nhiều thử nghiệm, từ cảnh trí, kịch bản đến diễn viên (chỉ có ba diễn viên) với mong muốn ở đề tài nào dù truyền thống hay hiện đại, cải lương cũng sẽ thu hút được người xem”.
27 vở diễn từ Bắc chí Nam tham dự liên hoan NSƯT Đỗ Kỷ cho biết: “Liên hoan năm nay có 22 đoàn tham gia với 27 vở diễn, kéo dài từ ngày 20-10 đến 3-11. Mỗi ngày các đoàn sẽ luân phiên thi diễn hai suất 9g và 19g30”. Như vậy là so với hội diễn năm 2009, liên hoan năm nay số lượng đoàn và vở diễn ít hơn (năm 2009 có 24 đoàn tham gia với 28 vở). Nếu như sân khấu kịch phần lớn tập trung ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội thì cải lương rải khá đều ở các tỉnh từ Bắc chí Nam. Rất nhiều tỉnh có đoàn cải lương riêng, vì vậy có thể nói không khí hội diễn có mặt gần như khắp đất nước”. |
Nữ đạo diễn Quỳnh Mai cũng bày tỏ với một chút lo lắng: “Tôi đã cố gắng rất nhiều để không bị hụt hẫng khi bước sang một đề tài mới. Tôi cho rằng dựng vở cải lương đề tài xã hội, hiện đại hay là rất khó.
Với vở lịch sử, trên cơ sở câu chuyện ta có thể tưởng tượng, bay bổng thêm; còn vở hiện đại thì tiết tấu, cách xử lý phải gần gũi, mang hơi thở đời sống đương đại. Đó có thể nói là thách thức với người làm cải lương.
Bản thân tôi khi thực hiện xong vẫn còn băn khoăn không biết mình đã đi đúng hướng hay chưa. Dù vậy, có thử thách mới thấy ở đề tài mới cũng có lắm điều thú vị, thú vị không thua gì đề tài lịch sử đâu, càng làm càng khám phá nhiều điều hay!”.
Liệu có sức sống?
Dù các đạo diễn ít nhiều băn khoăn, NSƯT Đỗ Kỷ tỏ vẻ lạc quan: “Tiêu chí này giúp cải lương đi sâu vào đời sống, khán giả ngày nay khi xem sẽ cảm nhận được nhiều hơn. Ở những liên hoan lần trước, người ta hay lo ngại các vở dự thi thường để “cúng cụ”, làm xong đắp chiếu, nhưng trong đợt khảo sát trước hội diễn, tôi nhận thấy có khá nhiều vở diễn tốt, đi vào những góc khuất cuộc sống gia đình, cập nhật đời sống đương đại, nên tôi tin hội diễn lần này sẽ có những điều hay và có sức sống”.
Mỗi kỳ hội diễn, thường các đoàn được đầu tư từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng để dàn dựng vở, nhưng để các vở diễn được khán giả đón nhận và có sức sống bền lâu, không lãng phí sức người sức của... vẫn còn là một câu chuyện dài của hậu liên hoan.
Cũng hi vọng trong thời buổi cải lương gặp nhiều khó khăn, liên hoan sẽ tạo được không gian để người làm nghề gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hướng ra cho sân khấu cải lương, chứ không phải là ngày hội để các đoàn phô trương thanh thế. Bởi trên thực tế, để chuẩn bị cho liên hoan, không ít đoàn mời các tác giả, đạo diễn tên tuổi, các ngôi sao cải lương để “lóe sáng” trong khoảnh khắc, rồi đâu lại vào đấy.
Không thấy thực lực, không có thực lực nên nhiều khi những gì được phô diễn ở liên hoan cũng chỉ là giá trị ảo!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận