Chính quyền San Francisco, Mỹ đang đứng trước câu hỏi "đa dạng hay là chết?" trước tình trạng các cao ốc văn phòng cho thuê ở khu vực trung tâm thành phố trống rỗng và tệ nạn lại đang gia tăng.
Trung tâm trống vắng
Jack Mogannam, quản lý Sam's Cable Car Lounge ở trung tâm thành phố San Francisco, từng tận hưởng những ngày bar của anh chào đón những đám đông chen lấn trên đường phố, lướt qua cửa sổ rồi sà vào quán.
Giờ thì Mogannam đã phải cắt giảm đáng kể hoạt động vì lượng người qua lại giảm dần và công việc kinh doanh giảm 30%. Bên ngoài cửa tiệm treo một tấm biển "cầu cứu": “Chúng tôi cần sự hỗ trợ của bạn!”.
Xung quanh, các mặt tiền cửa hàng trống rải rác trên đường phố. Những tấm biển lớn “tạm ngừng kinh doanh” treo khắp các cửa sổ. Những thương hiệu Uniqlo, Nordstrom Rack và Anthropologie đã biến mất...
"Nó là một thành phố ma”, Mogannam than thở.
Tháng trước, chủ sở hữu của Trung tâm Westfield San Francisco cho biết họ sẽ giao lại trung tâm thương mại này cho ngân hàng với lý do doanh số bán hàng giảm sút.
Chủ sở hữu hai khách sạn cao chót vót, một trong đó là khách sạn Hilton, cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Đến tủ đựng dầu gội đầu, kem đánh răng và các đồ vệ sinh cá nhân khác cũng bị khóa tại các hiệu thuốc ở trung tâm thành phố. Gần đây, những tên cướp có vũ trang còn tấn công một cửa hàng Gucci giữa ban ngày.
Đa dạng để khỏi chết!
Ông Richard Florida, chuyên gia về quy hoạch thành phố tại Đại học Toronto (Canada), cho biết khi không còn là điểm đến của nhân viên văn phòng, các trung tâm thành phố phải trở thành nơi tụ tập suốt ngày đêm.
“Khi trung tâm không còn là khu thương mại, văn phòng thì phải đổi mới, phải biến chúng thành những trung tâm giải trí, tiêu khiển. Những nơi nhận ra điều đó càng nhanh sẽ càng tránh được thảm cảnh hoang vắng”.
Theo một báo cáo kinh tế gần đây của thành phố, doanh thu của khách sạn vẫn kẹt ở mức 73% so với mức trước đại dịch, lượng người đến văn phòng hằng tuần vẫn ở mức dưới 50% và lượng khách đi lại bằng đường sắt đến trung tâm thành phố là 33%.
Tỉ lệ văn phòng trống ở San Francisco ở mức 24,8% trong quý đầu tiên, cao hơn gấp 5 lần so với mức trước đại dịch và hơn nhiều nữa so với tỉ lệ trung bình 18,5% của 10 thành phố hàng đầu nước Mỹ, theo Công ty dịch vụ bất động sản thương mại CBRE.
Tại sao? San Francisco phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch quốc tế và lực lượng lao động công nghệ, và cả hai "nguồn cung" này đều biến mất trong đại dịch.
Các nhà lãnh đạo San Francisco đang xem xét sự sụp đổ của trung tâm thành phố một cách nghiêm túc. Gần đây, các giám sát viên đã nới lỏng quy tắc phân vùng trung tâm, cho phép các không gian sử dụng hỗn hợp: văn phòng và dịch vụ ở các tầng trên, cửa hàng giải trí và cửa hàng tạm thời ở tầng trệt...
Chính sách quản lý cũng giảm bớt tình trạng quan liêu để tạo điều kiện chuyển đổi không gian văn phòng hiện tại thành nhà ở.
Chuyển đổi văn phòng sang nhà ở là cứu cánh?
Mới đây, thị trưởng London Breed đã công bố chi 6 triệu USD để nâng cấp đoạn đường dài ba dãy nhà để cải thiện khả năng đi bộ và thu hút các doanh nghiệp quay trở lại.
Nhưng Marc Benioff, giám đốc điều hành của Salesforce, nhà tuyển dụng lớn nhất San Francisco và là người thuê trụ sở trong tòa nhà chọc trời cao nhất tại đây, cho biết trung tâm thành phố “không bao giờ quay lại như cũ” khi nói đến việc giảm nhân viên đi lại mỗi ngày.
Ông khuyên thị trưởng Breed chuyển đổi không gian văn phòng thành nhà ở và thuê thêm cảnh sát để mang lại cho du khách cảm giác an toàn.
“Chúng ta cần cân bằng lại trung tâm thành phố", ông Benioff nói.
Các chuyên gia bất động sản cũng chỉ ra việc chuyển đổi từ văn phòng sang nhà ở là một cứu cánh tiềm năng.
Các thành phố như New York và Pittsburgh đang cung cấp những khoản giảm thuế đáng kể cho các nhà phát triển để thúc đẩy chuyển đổi công năng bất động sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận