Học sinh Trường THCS thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) tại khu trải nghiệm sáng tạo của trường - Ảnh: N.KIÊN
Ở đó, học sinh hào hứng, thầy cô phấn khởi vì việc học không còn là những con số, bài giảng gắn liền giáo án mà học sinh được vận dụng bài học trực quan, sinh động, sáng tạo hơn. Nhiều học sinh nói vui "Đi học giờ vui hơn ở nhà".
Học sinh làm kỹ sư nông nghiệp
Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ) đã dành nhiều buổi sinh hoạt cuối tuần để học sinh chọn lựa những giống cây trồng, lên lịch chăm sóc, thu hoạch mà trường đã "phân lô" ngay tại sân sau của trường.
Các lớp được nhà trường trang bị chậu và giống, hệ thống tưới nước, phần đất và phân bón các lớp tự tìm kiếm. Khối lớp 10 trồng 40 chậu, mỗi chậu 4 cây củ cải; khối 11 trồng 40 chậu, mỗi chậu 1 cây bông cải; khối 12 trồng 40 chậu, mỗi chậu 1 cây bắp cải...
Thầy Lê Văn Dũng, hiệu trưởng Trường Trung An, chia sẻ: "Thầy trò và học sinh hồ hởi. Các em cảm thấy mình đang nhận trách nhiệm lớn và phải chu toàn, thầy cô và học sinh cũng gần gũi, thấu hiểu nhau hơn qua hoạt động này".
Theo thầy Dũng, trồng trọt tuyệt đối không được sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học mà phải dùng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Để khích lệ tinh thần các lớp, nhà trường khen thưởng cho các lớp đứng nhất, nhì, ba các khối tính trên tổng số ký thu hoạch của các lớp.
"Hiện tại các sản phẩm trải nghiệm của các em đang phát triển rất tốt. Nhà trường đã giao cho tổ sinh - công nghệ theo dõi và chấm điểm cho từng sản phẩm" - thầy Dũng nói.
Nhiều học sinh khoe ban đầu mang sản phẩm về nhà cha mẹ còn chưa tin các em tự tay trồng được. Đến khi các gốc cây sau nhà hay phía sân trước thềm nhú đọt rau xanh mướt mới tin là thật.
Bạn Trần Ngọc Thiên Châu, học sinh lớp 11A2, nói giờ trồng rau, nuôi cá bạn đã thành thục. "Nhìn dáng cá bơi hay biếng ăn là em biết cá bệnh, hay đâm tỏi lấy nước tưới rau, bón phân chuồng để rau tươi tốt, không sâu bệnh em làm được hết" - Châu nói.
Công viên sáng tạo
Trong khi đó, giờ chơi của Trường THCS thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) luôn nhộn nhịp với nhiều hoạt động: chơi đàn, vẽ tranh, chơi cờ... Đây còn là nơi để trường tổ chức các cuộc thi năng khiếu, câu lạc bộ học thuật, trưng bày sản phẩm khoa học kỹ thuật.
Cô Phạm Kim Ngân, tổng phụ trách Đội của trường, cho biết trường vừa phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, lớp thì làm mô hình vớt rác, lớp thì máy bay trên không, lớp thì robot quét lớp...
"Mặc dù sáng chế của các em chưa đạt mức độ chuẩn xác nhưng các em có niềm đam mê, thích học hỏi, sáng tạo. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu để các em không sa vào tệ nạn" - cô Ngân cho hay.
Cô Ngân nói thêm khi "công viên - trải nghiệm sáng tạo" đi vào hoạt động, giáo viên còn phát hiện những em có năng khiếu về văn nghệ, thể thao... để bồi dưỡng tham gia các phong trào.
Em Nguyễn Minh Hoàng, học sinh lớp 8A2, kể: "Ở nhà em hay phá quạt máy, bàn ủi của cha mẹ, toàn làm hư, bị la hoài, giờ có một khu cho em tự do mày mò như vậy thiệt là thích".
Cô Trần Thị Hằng, phó hiệu trưởng, chia sẻ: "Kiến thức thật sự quan trọng, nhưng để các em ra đời vừa có kiến thức vừa có nhân cách sống, kinh nghiệm sống là điều rất cần. Cho nên nhà trường muốn các em có môi trường tự lập nhưng trong khuôn khổ, rèn luyện, có va chạm nhưng hành xử khôn khéo, tôn trọng nhau".
Tại Trường tiểu học Trường Xuân 1, ban giám hiệu hồ hởi cho hay khu trải nghiệm sáng tạo của trường đang trong giai đoạn hoàn thiện sân bóng đá mini, công viên, vườn rau sạch để dịp hè này học sinh sinh hoạt hè tại trường.
Triển khai ở các trường
Ông Nguyễn Văn Chi, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thới Lai, cho biết các mô hình sân chơi này không làm mất nhiều thời gian của học sinh mà các em sẽ có nhiều điều kiện làm quen và thích nghi với các hoạt động thực tế.
Không chỉ bổ trợ tốt nhất cho việc dạy và học bộ môn sinh học, kỹ thuật nông nghiệp mà còn nâng cao trí tuệ sáng tạo, tính cộng đồng, tương trợ của học sinh.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Cần Thơ, hiện các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ đang đi đầu trong phổ biến mô hình học tập này.
"Năm học tới sẽ có nhiều trường triển khai tiếp vì sức lan tỏa đẹp trong nhà trường. Sở sẽ tùy tình hình thực tế địa phương mà hỗ trợ, ưu tiên để thầy cô, học sinh tiếp cận các mô hình học tập ngoài trải nghiệm sáng tạo" - ông Tăng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận