23/11/2018 12:30 GMT+7

Sân chơi Euréka ươm quả ngọt khoa học trẻ

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Từ sân chơi Euréka, nhiều gương mặt trẻ đã định hình cho mình hướng nghiên cứu và tiếp tục gắn bó với con đường làm khoa học.

Sân chơi Euréka ươm quả ngọt khoa học trẻ - Ảnh 1.

Tô Thị Nhã Trầm tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô - Ảnh: Q.NG.

sẽ luyện được ý chí, nghị lực, hiểu được điều mình làm chứ đừng vội đòi hỏi phải tạo ra sản phẩm có thể ứng dụng ngay

Thạc sĩ TÔ THỊ NHÃ TRẦM

Đoạt giải khi là sinh viên, nhiều "thí sinh " sau này trở thành thành viên trong các hội đồng khoa học, tham gia xét chọn và trao giải cho các đề tài xứng đáng ở 12 lĩnh vực của giải thưởng. Họ còn trực tiếp hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu những đề tài có chất lượng.

Nhận diện đam mê

Thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm, hiện giảng dạy tại ĐH Nông lâm TP.HCM, từng đoạt giải nhất Euréka năm 2007. Vốn sẵn mê nghiên cứu, Trầm đến với Euréka kiểu như "cá gặp nước", cũng vì thầy hướng dẫn "hù": "Kết quả nghiên cứu rất tốt, em mà không viết bài gửi dự thi tui đánh rớt".

Năm đó, Trầm cùng bạn học làm đề tài "Tạo cây tiêu sạch bệnh virút bằng phương pháp nuôi cấy định sinh trưởng in vitro".

Trầm kể chọn cây tiêu vì quê mình và nhiều nơi trồng tiêu kiểu giâm cành, mầm bệnh lây lan mà không ai biết. "Nhiều nhà đầu tư khoản tiền lớn trồng nửa năm xong mất trắng. Mình muốn tạo ra cây giống sạch bệnh cho bà con" - Trầm nhớ lại.

Những ngày tháng rong ruổi qua nhiều vùng trồng tiêu cả nước, gõ cửa một viện nghiên cứu tại Đà Lạt để cậy nhờ họ giúp đã cho Trầm vững tin hơn vào hướng nghiên cứu đã chọn. Cây tiêu trở thành bạn thân thiết của cô gái suốt hành trình bốn năm đại học. Và nuôi cấy mô cũng là con đường cô gái ấy đeo đuổi đến nay.

Cùng đoạt giải nhất năm 2007 ở lĩnh vực hành chính - pháp lý, thạc sĩ Trần Đức Sự cho biết ước mơ làm khoa học bắt đầu từ những ngày sinh hoạt trong câu lạc bộ nghiên cứu khoa học ở trường. Đề tài về tiếp công dân ở phường được anh thực hiện trong hơn một năm, cung cấp tư liệu quý để hoàn thiện quá trình tiếp dân cho hai địa phương anh chọn làm đối tượng nghiên cứu.

Sân chơi Euréka ươm quả ngọt khoa học trẻ - Ảnh 3.

Trần Đức Sự (giữa) vẫn luôn gắn bó với hoạt động tình nguyện, nghiên cứu của sinh viên - Ảnh: Q.NG

Euréka đã cổ vũ sự sáng tạo mà nếu chịu khó quan sát cuộc sống xung quanh, kết hợp kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ tìm ra đề tài, ý tưởng nghiên cứu giá trị

Thạc sĩ TRẦN ĐỨC SỰ

Tiếp sức đàn em

Đúng ra sẽ về quê công tác, song bước rẽ bất ngờ đưa Đức Sự về Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (thuộc Thành đoàn TP.HCM). Khi ấy trung tâm đang cần người chuyên lo mảng nghiên cứu khoa học, Sự thấy phù hợp nên nhận lời. Gần chục năm công tác, từ nhân viên đến nay anh Sự giữ nhiệm vụ phó giám đốc trung tâm.

"Tôi thích được chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên về tư duy sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê, chọn đề tài nghiên cứu. Gặp các bạn giỏi và đam mê, tôi cũng học thêm nhiều ý tưởng mới mẻ từ họ nên làm cả chục năm nhưng chưa thấy chán" - anh Sự chia sẻ.

Dẫu vậy, nghiên cứu vẫn chưa là nhu cầu của số đông sinh viên. Anh vẫn thao thức về sức sống của các câu lạc bộ khoa học, học thuật trong trường cùng sự hỗ trợ của lãnh đạo các trường, đội ngũ giáo viên trẻ, thêm các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hội thảo khoa học... có vậy mới kích thích sự tò mò, mới kéo số học sinh, sinh viên tìm đến nghiên cứu tăng lên.

Trong khi đó, chị Nhã Trầm đã bước thêm bước quan trọng khi thành lập công ty chuyên về sản xuất giống cây trồng sạch, thương mại hóa chính những nghiên cứu của mình, phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân.

"Tôi nghĩ, dù nghiên cứu gì chăng nữa cũng phải gắn với nhu cầu thật sự của cuộc sống. Khi thương mại hóa thành sản phẩm tức là tính ứng dụng của nghiên cứu tốt chứ không phải nghiên cứu để thỏa đam mê rồi cất vào tủ" - chị Trầm bày tỏ.

Hiện chị Nhã Trầm cũng đầu tư phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tại trường, nơi chị làm việc và tạo cơ hội nghiên cứu cho sinh viên. Mỗi năm phòng thí nghiệm này tài trợ học bổng cho cả chục sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc, sử dụng thiết bị, vật dụng để nghiên cứu, làm quen và bắt đầu con đường khoa học của mình.

Cột mốc hành trình 20 năm

* 1990: Ra đời chương trình Euréka tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ.

* 1998: Thành đoàn và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức "Giải thưởng khoa học sinh viên Euréka" và mở cuộc thi lần đầu tiên năm 1999.

* 2008: Đổi tên thành "Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka".

* 2015: Mở rộng giải thưởng cho sinh viên khu vực phía Nam (từ Bình Thuận trở vào).

* 2016: Mở rộng giải thưởng cho sinh viên cả nước tham dự.

165 đề tài vào chung kết Euréka 2018

TTO - Từ 903 đề tài, 165 đề tài xuất sắc đã được chọn vào vòng chung kết Euréka 2018 dự kiến được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngày 23-11.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp