24/08/2008 15:03 GMT+7

Săn cá trên sông Sêrêpốk

Theo NGUYỄN HOÀNG TUẤNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỄN HOÀNG TUẤNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trong các sông Tây Nguyên, Sêrêpốk là dòng sông đặc biệt. Nó không chảy ra biển Đông như bao dòng khác, mà lại chảy ngược về hướng Tây, rồi đổ vào đất Campuchia. Ngoài ra, dòng sông này còn nổi tiếng với nhiều thác ghềnh hùng vĩ làm nơi sinh sống của nhiều loài cá hiếm. Nếu như miền Bắc có Đà Giang, thì Tây Nguyên có Sêrêpốk là nơi hút hồn dân mê săn cá quý…

vJ19op38.jpgPhóng to

Chèo thuyền đi tìm bãi câu

Ngoài cá lăng đuôi đỏ nổi tiếng, dòng sông chảy ngược về phía mặt trời lặn này còn có hai loại cá đặc biệt là cá chình và sọc dưa. Chúng sống trải suốt chiều dài dòng sông từ thượng nguồn Tây Nguyên đến phần hạ lưu trên đất Campuchia.

Đi săn cá hiếm

Mới giữa tuần, Thắng “râu”, một cần thủ ở thành phố Ban Mê Thuột, Đắc Lắc đã í ới bạn bè làm chuyến săn cá hiếm dọc sông Sêrêpốk. Tôi ở TP.HCM nên được tay sát cá đất Tây Nguyên ưu ái: “Ông chỉ cần mang đồ câu theo. Hậu cần để tụi trên này lo”. Tạm gác việc chưa cần, tôi lên xe tối thứ Năm đến rạng sáng thứ Sáu đã đặt chân xứ “Buồn Muôn Thuở”.

Mới 5 giờ sáng, bốn cần thủ đã hăm hở xuất phát trên chiếc Uoát hai cầu đặc chủng với một đống cả câu máy lẫn câu tre tự chế, mồi cho cá, thức ăn cho người và không quên vài chai Nếp Mới để nhâm nhi “chiến lợi phẩm” từ lòng sông. Tây Nguyên thời đại ngàn rậm rịt đã biến mất, thay vào đó là các vườn cà phê, tiêu, điều và cả những trảng đất hoang phế đỏ lòm. Sau cơn mưa đêm, bướm rừng nở bùng khỏi kén, bay rập rờn. Hương hoa cà phê lẫn trong hoa cỏ ngai ngái, dịu ngọt...

5ghfJTi4.jpgPhóng to
Rừng nguyên sinh bị tàn phá cũng là nguyên nhân khiến cá ngày càng vắng bóng

Một lát sau, Thắng “râu” cho xe vòng vào đường đất đỏ, rồi dừng ở đoạn sông có nhiều phiến đá nổi lên mặt nước như đảo ở gần Bản Đôn, huyện Buôn Đôn. Bãi câu bắt đầu từ khúc sông này, nơi Thắng “râu” kể đã từng tóm được nhiều chú cá lăng đuôi đỏ. Tôi chỉ có cần câu máy. Các tay câu địa phương ngoài câu máy, còn thêm mấy cần tre ngắn. Họ mắc mồi, rồi chọn chỗ cắm dọc theo bãi sông như người miền Tây đi cắm câu. “Vũ khí” chính là các cần câu máy được ưu tiên để tìm điểm câu cá lăng, cá chình. Tuy nhiên, từ sáng đến tối, các cần câu chỉ bị kéo giật bởi mấy con cá suối nhỏ.

Đến chập choạng tối, cần câu máy sử dụng mồi ếch của Thắng “râu” tóm được một con cá lóc to bằng bắp chân. Đã có thứ bỏ vào nồi cháo đêm, nhưng hình như mọi người vẫn chưa vui. Hai loài hiếm đang được trông đợi là cá chình và cá lăng vẫn biệt tăm. Thôi, hy vọng ngày mai…

Huyền thoại một dòng sông

J3cBk4Qy.jpgPhóng to
Con cá lóc nặng gần 2kg chỉ làm chuyến đi câu đỡ buồn

Dọc dài theo chuyến săn cá trên dòng Sêrêpốk, tôi đã được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị như huyền thoại về dòng sông này. Già Ka Dách, cụ ông gần 80 tuổi ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, thấy chúng tôi thả câu, cũng ra chơi. Rít hơi thuốc nhả khói lên bầu trời xanh biếc, ông kể mình cũng không nhớ được bao đời tổ tiên đã sinh sống ở đại ngàn này. Ông chỉ nhớ khi mình biết chạy theo đuôi con voi, đã được cha cho theo bắt cá trên sông Sêrêpốk.

Thuở đầu, họ còn dùng lao tre bịt đầu sắt để đâm cá. Hồi ấy, cá nhiều vô kể trên dòng sông chảy ngược nên cách săn bắt cũng rất thú vị. Sau cơn mưa, lũ rừng đổ về. Những người săn cá ở địa phương lên thuyền gỗ đối mặt với hiểm nguy để săn cá. Cá lớn gặp lũ lớn thả sức vẫy vùng, bơi lội trên mặt nước. Nhiều con cá lăng, cá sọc dưa to như cây gỗ trôi sông. Thợ săn cá lặng lẽ mai phục trên thuyền, chờ nó đến gần mình và… phóng lao. Cây lao tre hoặc mây có mũi bịt sắt dài gần hai mét xuyên sâu vào mình cá, nhưng nhiều kình ngư lớn đến mức vẫn đủ sức kéo theo lao biến mất trong lòng sông. Thợ săn phải chèo thuyền tìm, và kiên nhẫn chờ đến khi nó đuối sức do bị thương nổi lên mặt nước mới bắt được.

“Đời tôi đã từng bắt được con sọc dưa to gần bằng con trâu. Đó là chuyến săn nhớ đời trong trận lũ rừng khoảng năm 1965 hay 1967 gì đó. Tôi phóng một lao mây dài hai tầm tay đâm ngập lưng con cá đang như khúc gỗ trôi đùa giỡn với nước lũ cuồn cuộn chảy. Cha tôi phóng theo một lao nữa trúng đuôi cá, nhưng nó vẫn mang theo hai cây lao trên mình bơi trốn. Cha con tôi phải mất gần buổi chiều theo dấu lao mới bắt được con cá khổng lồ này. Không đưa nó lên thuyền được, cha tôi phải cột dây vào lao, rồi nương theo dòng nước chảy kéo nó tấp vào bờ. Hơn ba chục người trong làng tôi được chia thịt nó ăn mà vẫn không hết…”. Già Ka Dách ngồi mơ tưởng lại chuyện xưa.

Ông tâm sự hồi ấy cá lăng và chình đâu hiếm như giờ. Muốn bắt cá chình, ông chỉ mang theo thuốc cá chế từ cây rừng, rồi lặn xuống sông, bỏ vào các hốc đá nghi có cá này ở. Nó ngấm thuốc, lờ đờ trồi ra, để ông vớt lên. Bây giờ, chình sông lớn cỡ cổ tay đã hiếm, nhưng hồi ấy nhiều con to như bắp chân người. Da nó dày đến mức thợ săn phải chẻ nứa rừng, lấy phần vỏ cật cạnh bén mới cắt được. Bản làng hồi ấy đói gạo. Họ bắt được cá to đem về nướng, rồi xé thịt chia nhau ăn thay cơm. Về sau, cá lớn hiếm dần. Thợ săn cá địa phương sử dụng lưới và cần câu nhiều hơn. Tuy nhiên, thời trai tráng của già Ka Dách chưa bao giờ biết bán cá. Họ chỉ ra sông khi có nhu cầu, và được cá lớn lại chia bản làng cùng ăn.

Cũng như hầu hết người dân tộc sống dọc bờ sông Sêrêpốk, già Ka Dách thuộc lòng các đoạn sông có nhiều cá và đặc tính các loại cá ở đây. Theo ông, cá chình chuộng nơi hiểm trở, lòng sông có nhiều hốc đá để ẩn mình. Chình ăn mồi chậm và trầm. Con lớn 5-7kg vẫn chầm chậm nuốt mồi rồi kéo phao chìm xuống làm người không có kinh nghiệm tưởng cá nhỏ. Để kéo được con chình lớn lên khỏi mặt nước rất khó. Nó thường kéo trì lưỡi câu xuống sâu dưới đáy sông như muốn thử sức thợ săn.

Đặc biệt, cá lăng là loài kình ngư còn vùng vẫy khỏe hơn cả chình. Nó chỉ thích bơi lội ở các khúc sông nhiều cuộn sóng. Sóng càng dữ, càng xoáy hiếm thì càng có cá lăng nhiều. Nên thợ săn cá này phải chấp nhận mạo hiểm đi theo các trận lũ rừng, xông pha đến những khúc sông nguy hiểm. Tuy nhiên, săn được loài cá này rất thích. Nó như cuộc đấu trí lẫn đấu vật giữa người và cá. Đa số cá lăng còn sót lại trên sông Sêrêpốk bây giờ chỉ nặng tầm vài kg trở lại. Nhưng thời trai tráng của ông thì cá lớn còn rất nhiều.

Ông Ka Dách đã từng nhiều lần câu được cá lăng trên 10kg, thậm chí có con nặng trên 30kg, ngang ngửa một con nghé. Muốn câu được cá khổng lồ này, ông phải sử dụng bốn sợi dù kết lại thành dây câu to như chiếc đũa. Còn lưỡi câu là loại thép tự chế lớn gấp 7-8 lần lưỡi câu cá lóc lớn. Còn cần câu phải là ngọn tre già hoặc tầm vông chứ không thể là cây trúc mỏng manh. Ông móc ngang lưỡi câu vào bụng ếch sống để dụ nó ăn. Nhiều con cá lăng lớn khỏe đến mức có thể kéo tuột cả cần câu, thậm chí kéo té sấp mặt thợ săn. Vì thế, dây câu cá lăng thường phải dư rất dài mà thả nương theo sức cá cho nó yếu dần, để kéo lên…

Mai này, dòng sông sẽ hết cá

HvefL40H.jpgPhóng to
Đoạn sông Sêrêpốk mà ông Ka Dách đã săn được con cá sọc dưa lớn như con trâu

Thời gian làm trăng lên rồi lặn sau dãy đại ngàn, dòng sông chảy ngược dần vắng bóng cá. Tuy nhiên, mới độ chỉ khoảng năm 1995 trở về trước, Sêrêpốk vẫn còn đủ cá để thợ săn có thể kiếm sống. Ngoài dân tộc địa phương, người di cư từ các nơi khác đến cũng mang theo nhiều ngón nghề bắt cá mang tính tàn sát nhiều hơn. Cần câu và lưới mắc giăng thông thường chỉ được sử dụng để cải thiện bữa ăn gia đình. Dân săn cá sông Sêrêpốk chuyên nghiệp có thêm các loại lưới nhiều lớp có thể vừa bắt cá lớn lẫn cá nhỏ, thậm chí còn sử dụng cả mìn để tận diệt cá nhanh chóng.

Buổi tối, nghỉ chân ở Buôn Đôn, nhóm thợ săn cá vì thú vui chúng tôi đã tình cờ gặp gỡ ông Nguyễn Hoài Em, một nông dân từ Bến Tre di cư lên. Trong nhà ông có gần chục công cụ bắt cá từ câu tay, câu cắm, lưới giăng, lưới chụp, lẫn bình điện tăng áp để giật cá, kể cả một đống lon nước tăng lực “Bò húc” ngổn ngang dưới gầm giường được cho là để nhồi thuốc nổ đánh cá.

Tuy nhiên, người đàn ông gần 60 tuổi có gương mặt khắc khổ vì sóng gió cuộc đời này, vẫn cho rằng mình đánh cá như vậy là còn “lành”. Ông kể có người còn bỏ “thuốc độc” pha chế bằng hóa chất xuống sông để bắt được nhiều cá, nhưng khó bị phát hiện. Nó có tầm sát cá rộng chứ không hẹp và độc tính thấp như loại thuốc cá bằng cây rừng. “Nghe nói người ăn cá trúng thuốc độc hóa chất này không bị gì, nhưng lâu dài thì ai dám nói thế nào?”.

Những ngày đi tìm thú vui dọc dòng sông chảy ngược, chúng tôi còn tiếp tục thấy viễn cảnh các loài cá hiếm sẽ ngày càng ít đi. Bên cạnh việc đánh bắt hủy diệt, các đập thủy điện đang được gấp rút thi công dọc Sêrêpốk sẽ làm môi sinh của cá hẹp lại. Chẳng ai biết khi con người trị thủy theo ý mình, thì con cá có còn tự do vùng vẫy, sinh đẻ theo bản năng của nó?

Chẳng đâu xa, ngay chuyến săn cá tìm thú vui của chúng tôi đã không thể như ý. Dài dọc theo Sêrêpốk từ Buôn Đôn, Đắc Lắc xuống quốc lộ 27 về đến lưu vực Lâm Đồng trong suốt ba ngày, chúng tôi vẫn không thể săn được một con cá lăng hay cá chình lớn. Thắng “râu” thở dài: “Ý trời!”. Nhưng tôi thì thấy đó là ý người…

Đứng trước sông mà lo cho tương lai một dòng sông chảy ngược hùng vĩ!

Theo NGUYỄN HOÀNG TUẤNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp