Cách đây hơn năm tháng, hải quân khu bảo tồn biển Galápagos ở Ecuador (Nam Mỹ) đã bắt giữ một vụ đánh bắt trái phép cá mập lớn nhất từ trước đến nay. Khu bảo tồn biển Galápagos rộng 138.000km2, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1978. Đây là nơi có quần thể cá mập phong phú nhất thế giới.
Cá mập búa cũng đang bị săn bắt trái phép - Ảnh: requin-blanc.fr
Đây là tội ác đối với hệ động vật... Thực sự quá khủng khiếp!
Bộ trưởng Nội vụ Ecuador JOSE SERRANO
Người dân để tang cá mập
6h sáng 13-8-2017, thuyền trưởng tàu tuần tra hải quân Galápagos phát hiện một con tàu lạ trên rađa. Theo quy định, tàu bè đi qua vùng biển này phải xin phép trước. Các hoạt động đánh bắt, thương mại và vận chuyển cá mập đều bị cấm.
Thuyền trưởng liên lạc qua điện đài với tàu lạ nhiều lần nhưng không ai trả lời. Các binh sĩ xuống xuồng hơi rượt theo tàu lạ và nhận ra đó là một tàu cá Trung Quốc. Do xuồng hơi không thể bám đuổi tàu lạ nên tàu tuần tra bỏ cuộc và tổ chức mai phục. Một trực thăng hải quân và một tàu cảnh sát biển được điều động. Cuối cùng họ đã truy bắt được tàu Phúc Viễn Ngư Lãnh 999 chở 20 thuyền viên.
Tàu cá Trung Quốc dài 98m (gần bằng chiều dài sân bóng đá), có sáu khoang chở hàng. Các khoang tàu chứa không dưới 300 tấn cá. Trong số này có 6.623 con cá mập, đặc biệt có các loài cá mập bị đe dọa tuyệt chủng như cá mập búa, cá nhám đuôi dài. Theo kết quả điều tra, tàu này là tàu mẹ, đã tiếp nhận cá mập từ hai tàu Đài Loan vào đầu tháng 8-2017 và chuẩn bị quay về Trung Quốc qua ngả Peru.
Tòa án Ecuador đã kết án thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc 4 năm tù giam, mức án tối đa về tội danh xâm phạm các loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Ba thuyền phó lãnh mỗi người 3 năm tù giam. 16 thuyền viên chịu án mỗi người 1 năm tù. Chủ tàu bị kết án vắng mặt nộp phạt 5,9 triệu USD.
Người dân Galápagos đã tổ chức để tang cá mập ba ngày và xuống đường tuần hành phản đối các đội tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép. Họ mặc đồ đen, cầm theo ảnh cá mập búa và hô vang khẩu hiệu: "Đả đảo đánh bắt cá trái phép!". Hải quân Ecuador ghi nhận trong vùng biển quốc tế đối diện Galápagos luôn có khoảng 300 tàu cá Trung Quốc chờ cơ hội đánh bắt cá mập.
Trước đó tại Ecuador đã xảy ra một vụ thảm sát cá mập được xem là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên. Sau gần hai tháng tiến hành chiến dịch "Cá mập" (Tiburón), cuối tháng 5-2015 cảnh sát đã khám xét các kho hàng ở cảng Manta, sau đó đã tịch thu khoảng 200.000 vi cá mập, bắt giữ bốn công dân Ecuador và một công dân gốc Trung Quốc. Nếu tính số vi cá mập thì ước tính có 40.000 cá mập bị giết. Bộ trưởng Nội vụ Jose Serrano phải thốt lên: "Đây là tội ác đối với hệ động vật... Thực sự quá khủng khiếp!".
Ngày 14-8-2017, người dân khu bảo tồn biển Galápagos phản đối tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá mập trái phép - Ảnh: AFP
Tàu châu Âu cũng săn lùng vi cá mập
Để giám sát tình hình đánh bắt trái phép ở Tây Phi, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã đưa tàu My Esperanza phối hợp mở chiến dịch tại sáu quốc gia gồm Mauritania, Cape Verde, Guinea-Bissau, Guinea, Sierra Leone và Senegal.
Tại Guinea, suốt một tuần vào đầu tháng 4-2017, ba nhân viên Cơ quan quốc gia giám sát đánh cá đi theo tàu My Esperanza đã kiểm tra 12 tàu cá, sau đó bắt giữ ba tàu cá Trung Quốc. Ba tàu vi phạm gồm hai tàu chở vi cá mập, còn tàu thứ ba sử dụng lưới có mắt lưới không đúng quy định và đánh bắt cá không phù hợp giấy phép.
Không chỉ có tàu cá Trung Quốc săn cá mập ở Nam Mỹ hay Tây Phi, các tàu châu Âu cũng bất chấp lệnh cấm. Trong khuôn khổ chiến dịch Albacore do Tổ chức bảo tồn biển Sea Shepherd phối hợp với các nước Tây Phi thực hiện, vào đầu tháng 9-2017 tàu cá Baz của Tây Ban Nha đã bị bắt giữ trong vùng biển đảo quốc São Tomé and Príncipe.
Theo thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và São Tomé & Príncipe, mỗi năm EU chi 710.000 euro cho đảo quốc này, bù lại các tàu châu Âu được phép đánh bắt 7.000 tấn cá ngừ.
Tàu Baz được cấp phép từ ngày 22-5-2017 đến ngày 22-5-2018 để đánh bắt cá ngừ. Song kết quả khám xét tàu cho thấy tàu cá này gần như chỉ đánh bắt cá mập. Trong khoang tàu chứa 69 tấn thịt cá mập và vi cá mập. Đặc biệt trong đó có cá mập xanh là loài được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào loài gần như bị đe dọa và cá mập mako được xếp vào loài dễ bị tổn thương.
Hầu hết vi cá mập đều bị cắt khỏi thân cá, đồng nghĩa với việc tàu Baz đã vi phạm quy định của EU yêu cầu mọi cá mập bị đánh bắt đưa lên bờ đều phải có các vi cá gắn tự nhiên vào thân cá.
Đây là lần thứ hai tàu Baz vi phạm trong vòng một năm. Tàu đã bị phạt 38.000 euro. Một năm trước đó, tàu đánh cá ngừ Alemar Primero của Tây Ban Nha cũng bị bắt giữ với vi phạm tương tự. Trong khoang tàu chứa 87 tấn cá mập và vi cá mập.
Các nước đang phát triển hay các nước phát triển đều có ngư trường đánh bắt cá mập lấy vi cá. Theo số liệu chưa đầy đủ, 20 nước xuất khẩu nhiều nhất chiếm 80% số vi cá mập, trong đó có Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Tây Ban Nha. Hơn 85 quốc gia xuất khẩu vi cá mập phơi khô, hầu hết quá cảnh qua Mỹ để đưa sang thị trường Trung Quốc. Dân Trung Quốc tin rằng vi cá có nhiều đặc tính trị bệnh cho dù chưa có công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào chứng minh điều này.
Ngày 30-11-2017, tàu chiến Nouvelle-Calédonie áp giải tàu cá Việt nam về cảng Nouméa - Ảnh: FANC
Từ tháng 6-2016 đến tháng 12-2017, Nouvelle-Calédonie đã bắt giữ 16 tàu cá Việt Nam (dân Pháp gọi là "tàu màu xanh") đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế. Sáu tàu bị tịch thu. Một số thuyền trưởng bị kết án tù từ 8-12 tháng. Ngày 30-11-2017, sau khi đã hợp tác với Úc theo dõi từ vùng biển Úc, quân đội Nouvelle-Calédonie đã bắt giữ hai tàu cá Việt Nam với 30 ngư dân. Trên tàu có vi cá mập và 31 thùng hải sâm. Đây là lần đầu tiên tàu cá Việt Nam bị bắt với tang vật là vi cá mập.
>> Kỳ tới: Trung tâm mua bán vi cá mập Hong Kong
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận