11/03/2023 08:48 GMT+7

Sân bay Tân Sơn Nhất: Hạ tầng 'ọp ẹp' vì vướng cơ chế

Cần có làn riêng cho khách đoàn, khách thương gia khi chờ đợi xuất nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất để thu hút việc đầu tư, du lịch trong thời gian tới, thậm chí có thể nghiên cứu đến việc thu phí dịch vụ.

Sân bay Tân Sơn Nhất phải cải thiện chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách - Ảnh: Q.ĐỊNH

Sân bay Tân Sơn Nhất phải cải thiện chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đây là đề xuất của Sở Du lịch TP.HCM tại buổi làm việc của UBND TP.HCM và đại diện các cơ quan liên quan với lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết các vướng mắc, tìm cách nâng trải nghiệm du khách, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm hè, đón khách quốc tế.

Tuy nhiên, theo như những gì thông tin từ đơn vị cung cấp dịch vụ tại sân bay, khó lòng cải thiện chất lượng do hạ tầng "ọp ẹp", vướng cơ chế.

Cải thiện chất lượng để hút khách quốc tế

Tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết trong thời gian gần đây tiếp xúc nhà đầu tư nước ngoài, kiều bào phàn nàn khi đến Tân Sơn Nhất chờ đợi quá lâu làm thủ tục nhập cảnh, nhà ga chật chội… khó thu hút được khách du lịch.

"Vì sao khách tới Nội Bài, ngay cả việc đi vệ sinh cũng thông thoáng, thoải mái nhưng ở Tân Sơn Nhất lại chật chội, thậm chí xếp hàng chờ trong những giờ cao điểm. Từ những vấn đề chất lượng dịch vụ như vậy phải làm sao cải thiện, nâng trải nghiệm với hành khách" - ông Cường nói.

Theo ông Cường, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu các đề xuất, thống nhất chủ trương dồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, đón tiếp du khách quốc tế thông qua cải thiện chất lượng dịch vụ ở Tân Sơn Nhất.

Theo đó, phải tập trung giải quyết, cải thiện như hoạt động mặt đất, hạn chế chậm hủy chuyến, đặc biệt sân bay cần bố trí không gian nhiều hơn cho hành khách, luồng di chuyển phù hợp...

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cũng cho biết nhận nhiều phản ánh của nhà đầu tư quốc tế, công ty du lịch về việc gặp khó khăn khi đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt khu vực xuất nhập cảnh.

Do đó, bà Hoa kiến nghị cần có làn riêng cho hành khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm...) và khách thương gia. "Cần có cơ chế thí điểm có làn riêng để tạo sự thuận lợi cho khách đến, từ đó thu hút khách nhiều hơn" - bà Hoa nói.

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cũng cho biết trong thời gian gần đây thành phố nhận được nhiều phản ánh của khách du lịch trong nước và quốc tế như hoạt động của các quầy thủ tục nhập cảnh tại sân bay cần cải thiện để khách du lịch không phải xếp hàng trong nhiều giờ làm thủ tục xuất nhập cảnh, cần có làn thủ tục hạng thương gia và có dịch vụ ưu tiên làm thủ tục để du khách lựa chọn.

Ngoài ra, quy trình thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh chưa được hiện đại hóa, dẫn đến thời gian chờ của du khách lâu; băng chuyền hành lý tại sân bay chưa được điều phối tổ chức hợp lý dẫn đến việc đông đúc tại một số băng chuyền nhưng băng chuyền khác lại không hoạt động...

Sân bay Tân Sơn Nhất luôn quá tải mùa cao điểm - Ảnh: CÔNG TRUNG

Sân bay Tân Sơn Nhất luôn quá tải mùa cao điểm - Ảnh: CÔNG TRUNG

Nhà vệ sinh chỉ đạt 5-6/10 điểm

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nam Tiến - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho rằng trong nhà ga, cơ sở hạ tầng rất khó cải tạo.

Chẳng hạn nhà vệ sinh sân bay đã cố gắng đầu tư gắn quạt, xông hơi, đặt khử mùi... Tuy nhiên, có thời điểm chuyến bay hạ cánh, khách xếp hàng ở nhà vệ sinh không tránh khỏi những phiền toái.

Theo ông Tiến, nếu chấm điểm chất lượng dịch vụ như nhà vệ sinh, Tân Sơn Nhất đạt 5 hoặc 6 điểm trên thang điểm 10.

"Nâng cấp phải có kinh phí đầu tư. Sân bay sẵn sàng đầu tư nâng cấp các trang thiết bị để nâng cao trải nghiệm của hành khách. Đơn cử, chúng tôi đầu tư thay thế các màn hình thông tin chuyến bay lớn hơn để khách nắm bắt thông tin" - ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Quốc Phương, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (đơn vị quản lý khai thác 22 sân bay), cho rằng Tân Sơn Nhất đang quá tải khi khai thác vượt công suất. Nhà ga T1 chắp vá, chưa có điều kiện xây mới toàn diện.

Tân Sơn Nhất có hai nhà ga T1, T2 với công suất thiết kế 28 triệu khách/năm nhưng đã khai thác đến 38 triệu khách/năm, thậm chí có năm lên đến 40 triệu khách. Sắp tới ACV sẽ đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại như cửa boarding gate tự động, khách qua khâu an ninh không cần cởi giày dép, tăng thêm 16 cửa ra máy bay nội địa...

Cũng theo ông Phương, đến nay vẫn chưa thống nhất được cầu vượt từ nhà ga quốc nội sang nhà xe TCP, đơn vị nào chi tiền đầu tư.

"Thật ra kinh phí đầu tư không bao nhiêu nhưng vẫn cần cơ chế rõ ràng. ACV phải báo cáo Cục Hàng không VN có được sửa chữa hay không. Ngay cả làm cầu vượt hay hầm chui nhưng vẫn chưa có hướng dẫn của Cục Hàng không VN.

Ông Đoàn Quốc Bình - phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam - cho biết Cục Hàng không VN đã có văn bản trả lời ACV nhưng công ty chưa có phương án cụ thể. Do đó, ông Bình đề nghị ACV cần làm việc lại với TCP thống nhất các phương án đầu tư, Cục Hàng không VN sẽ có kết luận cuối cùng.

Visa là công cụ cạnh tranh đón khách quốc tế

Tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 10-3, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định visa là một trong những bước cần phải tháo gỡ để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo ông Đức, thời gian miễn thị thực (visa) cho du khách 15 ngày là quá ít, cần được điều chỉnh lên 30 ngày mới đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch từ các thị trường xa.

Ngoài ra, nghiên cứu cấp thị thực cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần thay vì một lần như hiện nay. Ứng dụng công nghệ cũng là vấn đề then chốt, việc tăng cường áp dụng e-visa là điều rất cần làm về mặt kỹ thuật, cần chuẩn y về quy định, thủ tục... nhằm tạo thuận lợi cho du khách khi xin e-visa.

TS Lương Hoài Nam cũng cho rằng nới lỏng chính sách visa là một trong những giải pháp căn cơ mà Chính phủ cần sớm xem xét, làm ngay để thu hút khách, tập trung "giải cứu" du lịch, hàng không.

"Chính phủ nên coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh thu hút du lịch quốc tế. Và khi nới lỏng chính sách visa cũng sẽ dẹp bớt nạn o ép trong dịch vụ làm visa của các doanh nghiệp, gây ra chi phí tốn kém cho du khách", TS Nam đề xuất.

N.BÌNH

Chưa thể có làn ưu tiên cho khách đoàn

Với đề xuất của Sở Du lịch TP.HCM về việc có làn riêng cho khách đoàn và khách thương gia, ông Phạm Quốc Hùng - phó trưởng Công an cửa khẩu TP.HCM - cho biết khó thực hiện, thậm chí nếu có chưa chắc đã làm thủ tục nhanh.

Trong thực tế, khu vực xuất nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất do công an cửa khẩu đảm nhận với quân số 400 chiến sĩ, trực 24/7.

Lượng khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất liên tục tăng, trung bình mỗi tháng khách nhập cảnh tăng 5%, xuất cảnh tăng 16% nên không tránh khỏi việc khách phải xếp hàng chờ đợi. Theo ông Hùng, nguyên nhân cơ sở hạ tầng chật hẹp, hệ thống máy tính cũ kỹ, tốc độ xử lý thông tin còn chậm.

"Hệ thống máy tính từ năm 2015 tới nay chưa thay thế, rất cũ kỹ. Tốc độ còn chậm. Sắp tới sẽ thay thế máy mới, nâng cấp đường truyền, tốc độ xử lý sẽ nhanh hơn" - đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh nói và cho biết không thể làm làn riêng rồi tổ chức thu phí như đề xuất bởi không có chức năng thu phí.

Cơ sở lưu trú Đà Nẵng làm việc với đối tác Trung Quốc

Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, nhiều khách sạn và resort tại Đà Nẵng đang tích cực làm việc với đối tác phía Trung Quốc để chuẩn bị nhận khách, sau thông tin Trung Quốc sẽ mở cửa cho khách đoàn đến Việt Nam từ 15-3.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, tổng giám đốc Furama Resort Danang, cho biết sau khi có thông tin mở cửa du lịch với Việt Nam, đối tác lữ hành của Trung Quốc đã bắt đầu làm việc cùng các cơ sở lưu trú Đà Nẵng trong việc khôi phục hoạt động du lịch.

Các cơ sở lưu trú Đà Nẵng đã sẵn sàng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ khách Trung Quốc - Ảnh: TẤN LỰC

Các cơ sở lưu trú Đà Nẵng đã sẵn sàng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ khách Trung Quốc - Ảnh: TẤN LỰC

Theo ông Quỳnh, trong giai đoạn đầu có thể khách Trung sẽ quay lại trên các chuyến bay thuê chuyến. Sau khi nguồn khách ổn định, các hãng hàng không sẽ nối lại những đường bay thẳng thường lệ giữa Đà Nẵng và các thành phố phía Trung Quốc.

"Cùng với khách Hàn Quốc, khách Trung Quốc quay lại sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển du lịch Đà Nẵng và Hội An bởi đây là thị trường khách truyền thống chiếm thị phần lớn trong cơ cấu nguồn khách quốc tế của hai điểm đến này", ông Quỳnh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Xoang, giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hải Vân Cát - doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường Trung Quốc, cho rằng những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên có thể vào Đà Nẵng vào tháng 4 hoặc tháng 5-2023.

Trong đó, việc khôi phục các đường bay là yếu tố quan trọng nên các doanh nghiệp lữ hành rất chờ đợi tín hiệu mở lại đường bay từ các hãng hàng không hai nước.

Theo các doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc, việc chuẩn bị và đón du khách Trung Quốc quay lại lần này hoàn toàn không có trở ngại nào bởi miền Trung đã có nhiều kinh nghiệm do đây là thị trường truyền thống rất quen thuộc của các tỉnh miền Trung.

TẤN LỰC

Sân bay Tân Sơn Nhất muốn duy trì bãi đệm để ngăn thiếu taxi dịp 30-4Sân bay Tân Sơn Nhất muốn duy trì bãi đệm để ngăn thiếu taxi dịp 30-4

Nhờ bãi đệm taxi trước khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nên việc điều phối được nhịp nhàng, không xảy ra tình trạng thiếu taxi nghiêm trọng trong dịp Tết. Do đó, Tân Sơn Nhất muốn duy trì bãi đệm taxi để sẵn sàng phục vụ cao điểm dịp lễ 30-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp