TTO - Với quy mô tầm cỡ khu vực và cuộc di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng dự án, sân bay quốc tế Long Thành đã trở thành công trình lịch sử, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế cả vùng và đất nước.

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và yêu cầu trong năm 2025 đưa sân bay Long Thành vào khai thác.

Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế của vùng và đất nước.

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 1.
Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 2.

Năm 2015, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành với mục tiêu xây dựng sân bay đạt chuẩn 4F, hướng tới điểm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực với công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự án có tổng diện tích 5.364ha, trong đó phần diện tích làm sân bay 5.000ha và tái định cư trên 364ha.

Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay với tổng mức đầu tư 22.856 tỉ đồng.

Đây là bước ngoặt rất quan trọng để có đất sạch làm sân bay nhưng phải an cư cho người dân, đào tạo nghề... nên để giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ không hề dễ dàng.

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 3.

Được giao thực hiện dự án, cả hệ thống chính trị các cấp tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt khởi động nhiều việc. Trong đó giải thể cả xã Suối Trầu và sáp nhập địa giới hành chính 6 xã trong vùng dự án vào xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Đồng thời kiểm kê, áp giá bồi thường, xét bố trí tái định cư, vừa xây dựng nghĩa trang và thực hiện các dự án ngoài hàng rào sân bay…

"Tỉnh đã tăng cường hơn 100 cán bộ xắn tay cùng huyện Long Thành làm ngày, làm đêm công tác kiểm đếm, đền bù, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch khu vực ưu tiên 1.810ha như chỉ đạo của Thủ tướng. Với nỗ lực trên, Đồng Nai đã bàn giao 2.600ha đất để khởi công giai đoạn 1 dự án.

Với diện tích còn lại, tỉnh đã yêu cầu huyện Long Thành áp giá và cố gắng chi trả đền bù xong cho người dân trong quý 1-2021" - ông Cao Tiến Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Ngoài việc tiếp tục giải quyết bồi thường và bàn giao mặt bằng, tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu ban quản lý dự án tỉnh tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các dự án thành phần, tập trung khu tái định cư đồng bộ cho người dân có đất bị thu hồi và đào tạo nghề cho người dân theo lộ trình...

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 4.
Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 5.

Giờ đây, trên con đường tỉnh 769 ở huyện Long Thành, nhiều khu đất trống bạt ngàn được giải tỏa trắng để phục vụ cho các dự án của sân bay. Ở nơi xã Suối Trầu đã giải tỏa trắng (giờ thuộc xã Bình Sơn) không ít người dân vẫn còn chờ đền bù, bốc thăm tái định cư các đợt tới.

Là một trong số hàng ngàn người phải nhường mảnh đất mình từng gắn bó máu thịt chờ đến nơi ở mới, ông Đinh Xuân Khánh (72 tuổi) tâm sự: "Tôi đến đây khai hoang mưu sinh từ ngày đất nước thống nhất. Mấy đời sống ở đây giờ ra đi ai không buồn, nhưng làm sân bay là chuyện chung của cả nước nên phải chấp hành".

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 6.

Ông Khánh nói đây là cuộc di dời dân lịch sử và mong đa số con em nông dân sẽ có việc làm, ổn định cuộc sống. Hỏi tương lai sẽ làm gì, ông nói: "Nhận tiền đền bù đất tôi chia cho mấy đứa con một ít, còn lại xây nhà và gửi tiết kiệm ngân hàng để hai vợ chồng lấy tiền lời sống. Chứ chừng tuổi này làm được gì nữa".

Vừa nhận đền bù gần 1,2ha với số tiền trên 4,8 tỉ đồng, bà Trương Thị Hồi nói đang nóng lòng, chờ bốc thăm chọn nền nhà như những người khác. "Nghe làm sân bay ai cũng ủng hộ. Tôi chỉ mong làm nhanh và về nơi ở mới để an cư" - bà Hồi cho biết.

Cuộc kiểm đếm, đo đạc đất, di dời dân với trên 5.000ha phục vụ cho dự án sân bay chưa có tiền lệ nên mọi việc không đơn giản. 

Tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành cho hay đến giờ những công việc trên vẫn đang tiếp tục với tinh thần khẩn trương, tránh sai sót, thiệt thòi cho dân. Bởi trong một thời gian dài, việc chỉnh lý, cập nhật bản đồ trong vùng dự án không được thực hiện.

Rồi việc cấp giấy chứng nhập quyền sử dụng đất trước đây không chính xác như tình trạng cha mẹ cho tặng nhưng không lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định. Hay tình trạng hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng đất cho người địa phương khác nhưng không xác định được thửa đất, chủ đất...

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 7.

Công việc đến nay ra sao? Ông Lê Văn Tiếp - phó chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết trong số 5.000ha đất làm dự án sân bay có tổng cộng 2.932ha đất của 5.541 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất phải thu hồi. Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã hoàn thành công tác kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất.

Hiện đã phê duyệt phương án bồi thường và công khai phương án bồi thường cho 2.608 hộ trên diện tích hơn 1.155ha với số tiền 5.620 tỉ đồng nên huyện sẽ tiếp tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ những đợt tiếp theo.

Với việc tái định cư cho dân ở vùng dự án, theo ông Tiếp, có 4.330 hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa trắng và thuộc diện phải bố trí tái định cư vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn. 

Đến nay, hội đồng bồi thường dự án đã xét duyệt xong 1.255 trường hợp, trong đó có 208 hộ đủ điều kiện và đã phê duyệt quyết định cấp đất tái định cư, tổ chức cho người dân bốc thăm.

Cũng theo ông Tiếp, sắp tới hội đồng bồi thường dự án sẽ lần lượt xét duyệt tiếp tái định cư cho 3.942 hộ còn lại.

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 8.

Không chỉ riêng việc đo đạc, kiểm đếm đất, UBND huyện Long Thành cho biết có những việc làm phải song hành, tính toán cùng lúc cho cuộc di dời lịch sử. Đó là việc di dời mộ. Phải làm nghĩa trang rồi thông báo cho 1.190 thân nhân trong vùng dự án để di dời 1.920 ngôi mộ.

Song song đó, các ngành xuống tận địa bàn phát phiếu thăm dò nhu cầu việc làm, tính toán độ tuổi cho các gia đình phải di dời để lo tuyển sinh, đào tạo việc làm trong tương lai.

"Qua khảo sát, Sở Lao động - thương binh và xã hội cho hay chỉ riêng 13.543 nhân khẩu ở vùng dự án sân bay có 9.700 người từ 15 tuổi trở lên. Do đó, sở đang hoàn chỉnh đề án đào tạo nghệ và rà soát, cập nhập nhu cầu lao động để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động" - huyện Long Thành cho biết.

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 9.
Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 10.

Trước sự hi sinh quyền lợi rất lớn của người dân cho dự án, đầu năm 2021, phát lệnh khởi công giai đoạn 1 sân bay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh người dân đã đồng hành vì lợi ích quốc gia, dân tộc nên chính quyền Đồng Nai phải tạo điều kiện cho bà con tái định cư và sinh kế tốt.

Dự án có quy mô rất lớn, có sự đồng thuận của Quốc hội, quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương để hoàn thành các thủ tục đầu tư. Do vậy, việc thi công dự án phải chất lượng, đảm bảo tiến độ, đúng thiết kết được phê duyệt, không vượt tổng mức đầu tư... để đưa sân bay khai thác vào năm 2025 như tiến độ đề ra.

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 11.

Nhìn lại hệ thống cảng hàng không trong nước, Thủ tướng chỉ ra tình trạng quá tải ở các sân bay ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực canh tranh của Việt Nam.

Ông cho rằng nếu khắc được phục tình trạng này, ngành hàng không Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, thu hút du lịch, tạo giá trị gia tăng cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Không chỉ chuyện sân bay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra điểm nghẽn trong kết nối hạ tầng hiện nay. Do vậy Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Tây cùng các bộ ngành sớm có phương án kết nối hạ tầng giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ.

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 12.

Phát triển các khu đô thị, các khu dịch vụ, đặc biệt kết nối sân bay với 3 tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và 2 tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành cùng các tuyến khác.

Theo ông Phúc, khi những tuyến này kết nối, cùng với sân bay Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới, chuyên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh trạnh mới, tạo ra năng lực cho cả vùng Đông Nam bộ và các khu vực khác.

Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 13.
Sân bay quốc tế Long Thành, ngày cất cánh không còn xa - Ảnh 14.

SƠN ĐỊNH
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp