Người biểu tình phong tỏa lối vào cửa khởi hành tại sân bay Hong Kong ngày 13-8 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters cho biết quy trình làm thủ tục bị ngưng từ 16h30 ngày 13-8, ngày đình trệ thứ hai liên tiếp tại một trong những sân bay tấp nập nhất thế giới.
"Hoạt động tại sân bay quốc tế Hong Kong bị đình trệ nghiêm trọng. Tất cả quy trình làm thủ tục lên máy bay đã bị ngưng. Tất cả hành khách được khuyến cáo nên rời ga sân bay càng sớm càng tốt" - một thông báo trên trang web của sân bay cho biết.
Thông báo không nói rõ có bao nhiêu chuyến bay sẽ bị hủy. Các nhà quản lý sân bay cho biết các chuyến bay đến không bị ảnh hưởng, dù hàng chục chuyến bay đến đã không thể hạ cánh.
Trước đó một ngày, sân bay đã phải hủy toàn bộ chuyến bay. Sân bay hoạt động trở lại trong sáng 13-8, nhưng hơn 300 chuyến đã bị hủy trong ngày.
Tờ Guardian ghi nhận hàng trăm hành khách đã phải vạ vật tại sân bay Hong Kong từ ngày 12-8. "Chúng tôi phải tự mình xoay xở hết. Họ cho chúng tôi hai số điện thoại, nhưng gọi đến thì không ai bắt máy" - Kelly Venz, người Úc, nói.
Hành khách mỏi mệt chờ đợi thông tin chuyến bay trong ngày 13-8 - Ảnh: REUTERS
Tại cuộc họp báo trước đó trong ngày 13-8, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tiếp tục kêu gọi người biểu tình kiềm chế. "Hãy dành một phút để nhìn lại thành phố quê nhà của chúng ta. Các bạn nỡ đẩy nó vào vực thẳm sao?" - bà Lâm nói.
Bà cũng cảnh báo: "Bạo lực, dù là dùng bạo lực để chống bạo lực, sẽ đẩy Hong Kong theo hướng không có đường lùi, đẩy xã hội vào tình cảnh nguy hiểm và đáng lo ngại".
Trong khi bà phát biểu, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tuột xuống mức thấp nhất trong bảy tháng qua, kéo theo sắc đỏ tại nhiều thị trường châu Á trong ngày 13-8. Giới phân tích lo ngại khủng hoảng kéo dài sẽ gây thiệt hại khó phục hồi cho kinh tế, đầu tư, du lịch của đặc khu.
Việc người biểu tình phong tỏa sân bay Hong Kong ngày đầu tuần là tín hiệu cho thấy những hậu quả nghiêm trọng sắp tới. Đóng góp 5% cho GDP Hong Kong, sân bay quốc tế Hong Kong đón tiếp hơn 74 triệu người mỗi năm, trong đó có không ít doanh nhân.
"Đó không chỉ là thảm họa ngắn hạn, mọi người bị lỡ kế hoạch, doanh nghiệp lỡ các cuộc họp, nhưng về lâu dài các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Hong Kong sẽ bắt đầu nghĩ liệu họ có nên chuyển sang Singapore, Đài Loan hay Tokyo" - ông Steve Orlins, chủ tịch Ủy ban quan hệ Mỹ-Trung của Mỹ, nhận định trên Đài FOX Business.
Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy trong ngày 13-8 vì biểu tình - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận