17/10/2007 20:02 GMT+7

Sàn Art - Sân chơi mới của họa sĩ trẻ

Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Một phòng tranh mới có cái tên cũng rất thời sự là Sàn Art vừa được khai trương vào ngày 3-10-2007 tại 23 Lý Tự Trọng, quận 1. Nhân dịp này, nếu đến Sàn Art, bạn sẽ có dịp làm quen với triển lãm có chủ đề Tương lai.

Cho thỏa cuộc chơi

“Chúng tôi gồm một nhóm nghệ sĩ đương đại đang sống và làm việc tại TP.HCM. Nhận thấy ở thành phố hiện nay có rất ít không gian cho các nghệ sĩ trẻ để trưng bày tác phẩm của mình cho công chúng thưởng ngoạn, chúng tôi đã thành lập phòng tranh Sàn Art”, đó là lời giới thiệu đơn sơ của một chủ nhân Sàn Art. “Vạn sự khởi đầu nan”, thành công chưa thể khẳng định trong ngày khai trương nhưng điều đáng nói là sự dám nghĩ, dám làm của những người trẻ.

B4K7irWo.jpgPhóng to kZ5ESmPI.jpg
Thành phố ơi - tranh Nguyễn Đạm Thủy Đôi bàn tay cầu nguyện - tranh Mạc Hoàng Thượng

Lê Quang Đỉnh - người đại diện quản lý phòng tranh cũng là một họa sĩ. Anh từng sống ở Mỹ và trở về Việt Nam cách đây vài năm. Từ lâu, anh đã có ý định về nước cùng bạn bè mở một phòng tranh “hoạt động theo một tiêu chí vị nghệ thuật để chơi cho đã”. Ý tưởng đã có, nhưng thực hiện thì không dễ vì đã làm là phải làm cho đến nơi đến chốn, phải lâu dài chứ không ăn xổi ở thì được.

Qua từng bước chuẩn bị, anh và bạn bè đã kết nối, thành lập Quỹ Hỗ trợ mỹ thuật Việt Nam (Vietnam Foundation for the Art - VNFA), vận động các nhà hảo tâm, nhà sưu tập tranh cùng đóng góp vào quỹ để thực hiện kế hoạch là mở phòng tranh, hỗ trợ cho các họa sĩ trẻ. Anh cho biết: “Sàn Art là một phòng tranh phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự phát triển của các loại hình mỹ thuật đương đại. Chúng tôi sẽ giúp tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ đương đại trong và ngoài nước, cũng như tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về mỹ thuật đương đại”.

Tương lai - cái nhìn đối diện thực tế

Lấy chủ đề Tương lai để mở đầu cho triển lãm của Sàn Art hẳn là một hữu ý của chủ nhân. Vậy năm gương mặt họa sĩ trẻ hiện diện lần này có gì đặc biệt? Anh Đỉnh cho biết: “Thời gian qua, tôi có theo dõi hoạt động sáng tác của những họa sĩ trẻ trong nước. Nhiều người rất yêu nghề, làm việc nghiêm túc, sáng tạo, khiến tôi rất yêu mến tài năng của họ. Sàn Art là nơi hỗ trợ họa sĩ trẻ có cơ hội tiếp cận với công chúng nên trong tương lai, sẽ có nhiều họa sĩ khác tham dự. Thực hiện cuộc triển lãm Tương lai này, tôi chỉ nói chủ đề và mời các họa sĩ cộng tác. Bằng sở trường và phong cách riêng, mỗi người đã thể hiện cái nhìn về tương lai theo tư duy của họ một cách thoải mái”.

PbmnzGm7.jpgPhóng to mkOUpxfG.jpg
Tuổi trẻ - tranh Tố Phương Hôm nay không sữa - tranh Bùi Công Khánh

Đúng vậy, Mạc Hoàng Thượng - chàng trai sinh năm 1976, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2001 đã mang đến triển lãm ba bức tranh chì khổ lớn là Chân dung, Chiến thắng và Đôi bàn tay cầu nguyện. Với bút pháp tỉ mỉ, tranh của anh có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện một cái nhìn tự tin về tương lai, vượt qua khó khăn để vươn lên, niềm tin về nét đẹp truyền thống sẽ chế ngự và chiến thắng được văn hóa nổi loạn.

Nguyễn Thị Tố Phương là cô gái trẻ trung, tranh của cô vì thế cũng trẻ, cũng lạ. Cô lồng vào chân dung bạn bè những ý tưởng bay cao, bay xa tới tương lai, được tự do chiêm ngưỡng cả vũ trụ. Nguyễn Đạm Thủy cũng là một họa sĩ nữ, nhưng cô nhìn tương lai qua những gam màu đậm, chẳng hạn thành phố như mọc đứng lên thành một khối hình hộp do không phát triển kịp tốc độ. Tôn Thất Minh Nhật cũng diễn tả sự phát triển quá nhanh của xã hội nhưng lại không đồng bộ bằng nét vẽ bay bướm.

H2J1Vslj.jpgPhóng to

Nhịp điệu - tranh Tôn Thất Minh Nhật

Riêng Bùi Công Khánh thì dù với chủ đề gì, anh cũng tìm được cách đột phá rất ngẫu hứng, sáng tạo. Anh cắt decal để dán lên kính và bức Hôm nay không sữa khá hài hước về những cư dân Sài Gòn hiện đại, giống như cậu bé mới lớn trong gia đình có truyền thống, bản sắc và ôm ấp kỳ vọng cậu sẽ khỏe mạnh, thành công. Nhưng nguồn năng lượng mà cậu bé cần không chỉ dinh dưỡng, mà còn là cả văn hóa.

Năm họa sĩ trẻ cùng nhìn về tương lai với những điểm tương đồng và cả khác biệt, ít nhiều mang đến sự thú vị và suy ngẫm cho người xem về xã hội chúng ta đang sống, để thấy rằng mỗi người phải có trách nhiệm hơn.

Hỗ trợ họa sĩ trẻ hướng đến sự chuyên nghiệp

CGLU77Fj.jpgPhóng to
Không gian phòng tranh Sàn Art
Bên cạnh không gian trưng bày tác phẩm, Sàn Art còn có một phòng đọc sách với các loại tạp chí mỹ thuật đương đại, sách lịch sử và lý luận mỹ thuật, cũng như các catalogue của nghệ sĩ đương đại quốc tế. Phòng đọc sách này của Sàn Art dành cho tất cả mọi người quan tâm đến mỹ thuật nên ai cũng có thể đến đọc sách để tìm hiểu, trao đổi, học hỏi thêm và còn có thể truy cập thông tin trên mạng các chương trình hỗ trợ mỹ thuật.

Nói về chương trình hỗ trợ dự án mỹ thuật của VNFA, anh Đỉnh bày tỏ niềm tin thông qua Sàn Art, VNFA sẽ giúp cho những nghệ sĩ thị giác (vẽ tranh, nhiếp ảnh, tranh khắc gỗ, điêu khắc, sắp đặt, phim và video thử nghiệm, nghệ thuật đa phương tiện hoặc trình diễn…) hiện sống và làm việc trong nước thực hiện dự án triển lãm hoặc làm mỹ thuật nơi công cộng. Mỗi người được tài trợ một lần trong một năm. Đó là khởi đầu hướng đến sự lâu dài và chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ hoạt động mỹ thuật đương đại mà Sàn Art đang mở ra.

Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp