20/01/2024 08:05 GMT+7

Sắm Tết trực tuyến, livestream lên ngôi

Hoạt động mua sắm Tết năm nay sôi động với những từ khóa trực tuyến, livestream... Công nghệ đã dẫn dắt thị trường Tết với vai trò chủ động từ chính quyền đến doanh nghiệp.

Mặt hàng thời trang giảm giá mạnh trong mùa mua sắm Tết để kéo khách mua - Ảnh : QUANG ĐỊNH

Mặt hàng thời trang giảm giá mạnh trong mùa mua sắm Tết để kéo khách mua - Ảnh : QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, với người tiêu dùng, mua sắm không bị giới hạn thời gian, không gian giúp việc chuẩn bị ăn Tết, chơi Tết trở nên tiện lợi, dễ dàng và tiết kiệm hơn.

Nhu cầu mua sắm Tết tăng cao

Ngày 19-1, toàn bộ không gian sảnh chính của Vạn Hạnh Mall (Q.10, TP.HCM) rộn ràng bởi hàng chục gian hàng thời trang, phụ kiện... tất bật được các nhân viên soạn hàng, chăm chút trưng bày hàng hóa để bắt đầu bán hàng Tết.

Anh Tiếp, quản lý gian hàng V.M Style, chuyên về hàng thời trang, cho biết vừa mới trưng bày một số mẫu mã thì khách đã đến xem và ướm thử, trong đó khu vực đông đúc nhất là của các mẫu áo dài. Những ngày cận Tết, đây cũng là mặt hàng bán chạy nhất.

Như trong bộ sưu tập Tết "Diễm sắc" của gian hàng này, nhiều mẫu áo dài đã hết hàng và đang nhập mới trong những ngày tiếp theo. Các mẫu áo dài màu hồng pastel, xanh cốm, màu be được nhiều bạn trẻ ưa thích để diện ngày Tết.

Để tăng doanh số mùa Tết năm nay, nhiều thương nhân tham gia ngày hội này cho biết không kéo khách đến bằng chương trình giảm giá sâu mà chủ động lên mạng, kết nối với các nền tảng livestream bán hàng, và kết quả cho đến nay rất khả quan. "Chúng tôi hy vọng doanh số sẽ tăng 70% so với Tết năm ngoái", anh Tiếp chia sẻ.

Thay vì chỉ bán qua kênh cửa hàng, thương hiệu này đã mở gian hàng trong trung tâm thương mại, kết hợp bán hàng online, ngoài ra còn áp dụng chương trình mua bốn món hàng sẽ được tính một món giá chỉ còn 1.000 đồng!

Đây chỉ là một trong hơn 100 doanh nghiệp tham gia "Ngày hội mua sắm, giải trí Tết TP.HCM", vừa được khởi động ngày 19-1. Với nhiều hoạt động mua sắm trực tuyến, tham quan, du lịch và văn nghệ giải trí, chương trình hứa hẹn mang đến trải nghiệm Tết sôi nổi, đặc sắc cho cộng đồng.

Ở gian hàng thời trang dành cho trẻ em, đại diện bán hàng cho biết áo dài dành cho trẻ em được quan tâm rất nhiều trong ngày đầu tiên. "Khách mua hàng là bà bầu hoặc người có con nhỏ đang tìm quần áo đẹp cho con mặc Tết. Cùng với chương trình khuyến mãi giảm giá sâu, ngay trong buổi sáng, gian hàng cũng bận rộn khi khách đến hỏi thăm, nhờ tư vấn mẫu mã, kích thước", vị này thông tin.

Theo Oanh và Tú (ngụ Q.10), đôi bạn đang mua sắm tại đây, dù lương thưởng nơi làm việc không cao như mọi năm nhưng Tết vẫn là dịp để nhóm bạn xuống phố, lưu lại những khoảnh khắc, không khí vui tươi. Vì thế, hai bạn trẻ vẫn dành ngân sách để mua sắm quần áo mới, trong đó chọn chiếc áo yếm màu đỏ - mẫu thời trang đang được chuộng năm nay.

"Với giá từ 300.000 - 500.000 đồng/bộ cùng chương trình khuyến mãi, chúng tôi vẫn chọn được những bộ cánh ưng ý", Tú cho biết. Điều đặc biệt, những gian hàng ở đây không chỉ bán trực tiếp cho khách đến trung tâm thương mại săn hàng mà hầu hết đều có những gian hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử.

Nhiều kênh sắm Tết

Sắm Tết trực tuyến hay thảnh thơi đón Tết livestream là những từ khóa của thị trường Tết năm nay. Từ các nhà kinh doanh, nhà bán lẻ đến chợ truyền thống, hoạt động mua sắm Tết đang dần được chuyển đổi lên kênh online, như một xu hướng đáp ứng với hành vi tiêu dùng mới của người dân.

Hàng loạt chương trình livestream được các đơn vị tổ chức đã kích cầu mua sắm, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đồng thời tạo ra những trải nghiệm mua sắm, vui chơi dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Lệ Nguyên - tổng giám đốc Kido - cho biết đây là xu thế tất yếu khó cưỡng lại được. Công nghệ trở thành công cụ mới giúp hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, tiểu thương trở nên dễ dàng và lan tỏa hơn. Khác với thương mại truyền thống, các nền tảng xã hội đang giúp lan tỏa không khí mua sắm Tết ở TP.HCM đến các tỉnh thành khắp cả nước.

"Người tiêu dùng ở đâu cũng chọn được món hàng mình ưng ý và được giao hàng tận nơi. Những giá trị đó khẳng định lợi ích từ kênh bán hàng thương mại điện tử là rất thực", ông Nguyên nói. Kido là doanh nghiệp từng tự hào với mạng lưới phân phối rộng khắp, vững chãi ở nhiều tỉnh thành.

Tuy nhiên theo ông Trần Lệ Nguyên, kênh siêu thị, đại lý... khi được bổ trợ thêm kênh công nghệ đã đem lại kết quả hoàn toàn khác hay hệ sinh thái của Kido đã thay đổi từ ngày có kênh bán livestream.

Nền tảng E2E của doanh nghiệp này đang đón nhận lượng người xem ngày càng nhiều. Chẳng hạn, trước đây một người tiêu dùng muốn biết thêm sản phẩm của doanh nghiệp này sẽ phải đợi quảng cáo và cần nhiều thời gian. Nhưng nhờ sự lan tỏa kênh bán hàng công nghệ, người tiêu dùng có thể đặt câu hỏi trực tiếp với nhà bán hàng, tìm hiểu về sản phẩm.

"Và hiệu quả này đã được chứng minh với đợt tung ra sản phẩm mới của chúng tôi thời gian vừa rồi. Hồi trước, mỗi khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, doanh nghiệp phải cần thời gian để sản phẩm thẩm thấu, nhưng bây giờ đã khác. Chúng tôi kỳ vọng kênh này lan tỏa, sử dụng các trung tâm mua sắm, sử dụng nền tảng E2E để có thêm kênh bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng", ông Nguyên kỳ vọng.

Trong lần thứ 2 tổ chức mua sắm kết hợp với livestream, chương trình đã ghi nhận con số tăng gần gấp đôi. Các doanh nghiệp tham gia đều được hỗ trợ kinh phí bán hàng, hơn 100 doanh nghiệp và các nhãn hàng, hơn 300 nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) và hàng trăm sinh viên từ các trường đại học sẽ cùng tham gia livestream trong hai ngày 20 và 21-1.

Các đặc sản Tết bán trực tuyến

Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, ban tổ chức gồm Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nền tảng E2E và TikTok kỳ vọng có khoảng 100.000 lượt người tham gia hoạt động tương tác.

Ban tổ chức cũng kỳ vọng có ít nhất 500 triệu lượt người tiếp cận, biết đến các sản phẩm thông qua giải pháp bán hàng mới là livestream bán hàng (bán hàng qua phát sóng trực tiếp).

Các mặt hàng Tết như hoa, đặc sản... sẽ được bày bán trực tiếp tại sự kiện và qua hình thức livestream trong thời gian từ ngày 19-1 đến 4-2.

Khuyến khích mua sắm Tết trực tuyến

Ông Trương Minh Huy Vũ, viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng các hoạt động trong sắm Tết, giải trí Tết trực tuyến TP.HCM hướng tới kích thích tiêu dùng của người dân thành phố theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP.HCM là cần chủ động ngay các hoạt động kinh tế - xã hội ngay từ quý 1-2024.

Người dân mua sắm ở Vạn Hạnh Mall, quận 10 vào sáng 19-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân mua sắm ở Vạn Hạnh Mall, quận 10 vào sáng 19-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Chuỗi hoạt động cũng sẽ là dịp để chúng tôi đánh giá tính hiệu quả các mô hình hoạt động kinh doanh mới và có các nghiên cứu, đề xuất liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố", ông Vũ nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, rất nhiều hoạt động liên quan đến ngày Tết diễn ra xuyên suốt lễ hội, với mục tiêu cao nhất là lan tỏa không khí Tết cổ truyền ngay tại TP.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước, đến với đồng bào cả nước. Tuy vậy, cần xem nền tảng thương mại điện tử chỉ là bước trung gian, phương án giúp doanh nghiệp, thương nhân chuyển đổi số, cách thức bán hàng.

"Muốn bán hàng thành công, nỗ lực của tiểu thương là quan trọng nhất, trong đó phải thay đổi nhận thức và có sự bền bỉ", ông Lâm Thanh nói.

Sắm tết online tất tật từ giỏ quà đến hàng tươi sốngSắm tết online tất tật từ giỏ quà đến hàng tươi sống

TTO - Dù không còn xa lạ với nhiều bà nội trợ và dân văn phòng những năm gần đây, nhưng dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động mua sắm tết online phát triển mạnh hơn, trở thành thói quen của rất nhiều người tiêu dùng vào mùa mua sắm tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp