03/05/2014 04:35 GMT+7

Sam Lang - trường mới bên đường biên giới

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC

TT - Một điểm trường mới vừa được khánh thành sáng 2-5 tại bản biên giới Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Đây là công trình do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp trong chương trình “Tháng ba biên giới”, được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng bộ đội biên phòng và Tỉnh đoàn Điện Biên thực hiện.

RKxtCPUT.jpgPhóng to
Điểm trường Sam Lang mới - Ảnh: Ngọc Quang

Mặc dù thông báo 9g tổ chức khánh thành, nhưng từ 6g sáng, khi trời chưa sáng tỏ, những đụn mây trắng vẫn còn giăng kín các vạt rừng, sườn núi, đã có hàng trăm người dân đồng bào Mông, Thái, Dao ở khắp bản Sam Lang kéo về điểm trường mới.

Niềm vui nối những niềm vui

Ông Lò Văn Khan, chủ tịch UBND xã Nà Hỳ, cùng cô giáo Lò Thị Thùy - hiệu trưởng Trường tiểu học Sam Lang 2 - cũng có mặt từ rất sớm trong trang phục truyền thống của người Thái. Cả ông Khan, cô Thùy đều hào hứng nói trong tiếng nhạc rộn ràng: “Hôm nay là ngày trọng đại của cả Nà Hỳ chứ không chỉ là niềm vui của 520 người dân bản Sam Lang hay các thầy cô giáo đâu”. “Vui lắm, mừng thật sự đấy! Sam Lang là bản xa nhất, là bản biên giới, bản khó khăn nhất nhì của xã Nà Hỳ. Xã cũng kêu gọi mãi, từ lâu rồi nhưng vẫn chưa được đầu tư, học sinh vẫn phải học trong những lớp học tranh tre nứa lá... Vậy mà, chỉ sau chưa đầy hai tháng, một điểm trường mới khang trang, kiên cố, giá trị trên cả tỉ đồng đã được xây dựng. Chính quyền, người dân Nà Hỳ, người dân Sam Lang vui không tả nổi. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ, cảm ơn bộ đội biên phòng” - ông Lò Văn Khan nói.

Cô Thùy cho biết Nà Hỳ có 16 thôn, bản trải rộng trên địa bàn biên giới giáp Lào với gần 15km đường biên, có hai trường tiểu học số 1 và số 2. Trường tiểu học số 2 còn phải “choàng gánh”, phụ trách thêm toàn bộ xã Nậm Chua bên cạnh vì xã này chưa có trường tiểu học. Mười điểm trường ở mười thôn bản mà trường phụ trách mới chỉ có hai điểm trường được xây gạch, ba điểm trường vẫn tranh tre nứa lá, còn lại là các điểm trường được bưng ván gỗ (dựng vách bằng gỗ).

Theo cô Thùy, có những điểm trường bên xã Nậm Chua, hay như Sam Lang cách trung tâm xã 15-20km, mà đường đi lại chỉ là lối mòn trơn trượt dốc cao, vực sâu. Mùa khô giáo viên đi lại đã khó khăn, còn mùa mưa nếu không có xích chằng thêm vào lốp xe để đi thì giáo viên, người dân chỉ có nước đi bộ. “Từ khi báo Tuổi Trẻ đầu tư xây dựng điểm trường Sam Lang đồng thời với nó là con đường được mở rộng để bộ đội chuyển nguyên vật liệu vào. Rồi cũng từ việc làm trường mà người dân ở đây có thêm cây cầu treo Sam Lang, đường lại được mở rộng hơn, ôtô hôm nay có thể vào tận bản. Hôm nay thật sự là sự kiện trọng đại của Nà Hỳ, của Sam Lang. Đúng là niềm vui cứ nối tiếp niềm vui” - cô Thùy nói như reo.

Dân đi đến đâu, đường và trường học đến đó

Phát biểu tại lễ khánh thành điểm trường, cả ông Lò Văn Khan và ông Giàng A Chính - trưởng bản Sam Lang - đều bày tỏ mong muốn: Nà Hỳ còn khó khăn lắm, đời sống người dân còn thiếu thốn, còn nhiều điểm trường tranh tre nứa lá... và “người dân chúng tôi rất cần có thêm nhiều lớp học, ngôi trường kiên cố, khang trang như điểm trường Sam Lang này”.

Có mặt chứng kiến niềm vui của người dân, học sinh và thầy cô giáo ở Sam Lang, ông Nguyễn Văn Thái, chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết huyện mới được thành lập chưa đầy 11 tháng nên còn thiếu thốn, khó khăn “chồng chất”, nhiều người ngay cả ở tỉnh Điện Biên cũng chưa từng được nghe đến những cái tên Nà Hỳ, Hà Bủng, Nà Khoa hay Nậm Ti, Nậm Chua. Nhưng chỉ hơn một tháng nay, khi chương trình “Tháng ba biên giới” do báo Tuổi Trẻ, bộ đội biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức tại Nà Hỳ thì không chỉ hàng ngàn người dân được khám bệnh, phát thuốc, tặng quà, học bổng mà thêm vào đó là điểm trường Sam Lang được xây dựng. Cũng từ việc xây dựng điểm trường mà Sam Lang lại có con đường mới ôtô đi được, rồi cả cây cầu treo Sam Lang qua suối để người dân không còn vất vả, không còn nguy hiểm khi mùa lũ về...

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ góp 994 triệu đồng

Điểm trường Sam Lang gồm ba phòng học xây gạch, lát gạch men, lợp mái tôn (có chống nóng); ba gian nhà gỗ chắc chắn vừa làm phòng học vừa làm nơi ăn, ngủ của các thầy cô giáo cắm bản; nhà vệ sinh, bể nước...

Theo thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ - đơn vị thi công công trình, điểm trường được xây dựng trong gần hai tháng, với tổng giá trị lên tới gần 1,3 tỉ đồng. Trong đó bạn đọc báo Tuổi Trẻ góp 994 triệu đồng. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã tham gia thi công với tổng số trên 1.000 ngày công (tương đương 210 triệu đồng), và dân bản, thầy cô giáo cũng đóng góp gần 300 ngày công tham gia xây dựng (tương đương trên 50 triệu đồng).

Tại lễ khánh thành, nhà báo Dương Đức Đà Trang - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại miền Bắc - xúc động chia sẻ với thầy trò, người dân: “Mỗi viên gạch xây nên những phòng học này là sự đóng góp của bạn đọc cả nước, là mồ hôi, công sức của những chiến sĩ quân hàm xanh dành cho Sam Lang. Những người làm báo Tuổi Trẻ rất vui mừng khi là cầu nối, đưa những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc đến với những nơi còn khó khăn như Sam Lang”.

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp