Phóng to |
Ảnh: Quân Khuê |
Trong bài phỏng vấn được Lévai Balázs thực hiện, Salman Rushdie có nói rằng: “Tách câu chuyện ra khỏi văn học là một nhầm lẫn”, và “phản xạ đầu tiên của tôi là không làm cho độc giả chán” (Thế giới là một cuốn sách mở, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học). Có lẽ đối với ông, câu chuyện luôn nằm ở vị trí trung tâm của văn học. Ðiều này trái với xu hướng gạt bỏ vai trò trọng yếu của cốt truyện ra khỏi tác phẩm mà ta thường thấy trong tự sự hiện đại. Salman Rushdie không xây nên một cốt truyện mỏng mảnh, rồi bồi đắp cho tác phẩm bằng những miêu tả, ghi chép, bình luận phong phú, mà ông chủ trương chỉ kể những câu chuyện và từ đó tác phẩm ra đời. Cuốn Nàng phù thủy thành Florence có hàng chục câu chuyện lớn nhỏ như thế khác nhau, tạo nên một thế giới chuyện kể phong phú và huyền ảo, pha lẫn sắc màu Ðông - Tây.
Tự nhận là một nhà văn được cả hai thế giới Ấn Ðộ và Anh chấp nhận, Salman Rushdie dựng nên phông nền cho cuốn tiểu thuyết thứ tám của mình bằng chính chất liệu của hai thế giới ấy. Florence thời Phục hưng và đế chế Mughal nằm trên tiểu lục địa Ấn Ðộ thế kỷ thứ 16 - thời kỳ rực rỡ của văn học, nghệ thuật và tôn giáo.
Cuốn sách kể hai câu chuyện chính song song nhau, bên cạnh hàng loạt câu chuyện khác. Ðó là cuộc phiêu lưu của nàng công chúa Qara Köz thuộc vương triều Mughal. Ðó còn là cuộc sống của ba người bạn từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành tại Florence. Mỗi người mang một niềm tin khác nhau vào cuộc đời. Nổi bật và là yếu tố gắn kết hai câu chuyện là sức sống của nàng công chúa thất lạc Qara Köz. Nàng bắt đầu ra đi khỏi một vùng đất, chu du khắp nơi để rồi xuất hiện lại tại chính vương quốc mà nàng đã từ bỏ sau quãng thời gian dài, trong một hình thái khác. Song trong suốt cuộc hành trình đầy biến động đó, tâm trí nàng vẫn chỉ đắm chìm trong một thế giới khép kín, bất biến của tự do, tình yêu và sự khát khao nhục thể.
Sự xuất hiện của Niccolò Machiavelli (1469-1527) là một trong những chi tiết lịch sử có thật được nhắc tới trong cuốn tiểu thuyết này. Song ông không chỉ được nhìn nhận là một nhà ngoại giao, triết học chính trị, tác giả của cuốn sách Quân vương mà còn là một con người với những khát khao thông thường nhất. Ðiển hình là lòng ngưỡng mộ và tình yêu ông dành cho Qara Köz.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Cùng với Haroun và biển truyện đã được xuất bản trước đây tại VN, Nàng phù thủy thành Florence một lần nữa chứng tỏ Salman Rushdie luôn là người biết kể những câu chuyện dài theo một cách rất đặc biệt, đầy hào hứng và tràn ngập bất ngờ..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận