05/09/2022 19:49 GMT+7

Saigon Petro nói gì trước thông tin bị tước giấy phép?

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Nếu Saigon Petro bị tước giấy phép, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể đóng cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường.

Saigon Petro nói gì trước thông tin bị tước giấy phép? - Ảnh 1.

Saigon Petro cho rằng nếu bị tước giấy phép, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể đóng cửa - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ngày 5-9, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) có văn bản khẩn số 1195 do Tổng giám đốc Phạm Văn Thoại gửi đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến việc bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Cụ thể, Saigon Petro cho biết nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu "10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".

Tuy nhiên, năm 2021 công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, vì vậy đoàn thanh tra Bộ Công Thương kết luận công ty có hành vi vi phạm hành chính "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định".

Về kết luận này, Saigon Petro cho rằng hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối.

Theo nghị định 95 (sửa đổi nghị định 83, có hiệu lực từ 2022 - PV), có quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu với một trong những điều kiện là "tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".

Do đó, Saigon Petro khẳng định với quy định này (nghị định 95 - PV) Saigon Petro đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, vì Saigon Petro luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. "Như vậy đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định" - văn bản của Saigon Petro nêu.

Tại văn bản này, Saigon Petro cũng liệt kê ra hàng loạt hậu quả khi Bộ Công thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty.

Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.

Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.

Bên cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000m³ xăng dầu.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái.

Do đó, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.

Chủ động tăng nguồn cung ra thị trường

Saigon Petro cho hay trong thời gian qua, thị trường kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung, nhưng công ty luôn thực hiện tốt trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Tháng 8, Saigon Petro chủ động tăng cung ứng ra thị trường đột biến hơn 200% so với tháng 7, do thị trường có dấu hiệu khan hiếm nguồn cung dù công ty đang bị lỗ nặng.

Doanh nghiệp hết sức lo lắng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 5-9, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết doanh nghiệp này mới nghe thông tin "sẽ bị tước giấy phép", song chưa nhận được văn bản chính thức liên quan đến việc tước giấy phép 5 doanh nghiệp đầu mối.

Hiện doanh nghiệp lo lắng việc tạm tước giấy phép này có thể có thời hạn 1 tháng, song sẽ không chỉ tạm dừng nhập khẩu mà có cả khâu kinh doanh.

Theo vị này, nếu ngưng kinh doanh thì hệ thống này sẽ rất khó khăn bởi số lượng xăng dầu mà doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh lân cận rất lớn.

"Nếu ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp chúng tôi, mà 4 doanh nghiệp còn lại cũng có thị phần lớn ở khu vực phía Nam", vị lãnh đạo này cho biết.

Thêm 5 đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép, Bộ Công Thương vì sao chưa công bố? Thêm 5 đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép, Bộ Công Thương vì sao chưa công bố?

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, có thêm 5 doanh nghiệp đầu mối bị xử phạt do các vi phạm liên quan trong quá trình thanh tra của Bộ Công Thương, bao gồm cả hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp