Saigon Co.op phối hợp cùng các ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian và ví điện tử đưa ra nhiều chương trình ưu đãi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ước tính gần 100.000 tấn vải cùng gạo ST sẽ được thí điểm tiêu thụ qua hình thức này trong chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" kéo dài từ ngày 10 đến 30-6.
Ngồi nhà dễ dàng mua đặc sản
Ông Đỗ Quốc Huy - giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" là hoạt động thiết thực mà nhà bán lẻ Việt Nam đồng hành và hỗ trợ đầu ra cho nông sản sau dịch. Ngoài ra, đây cũng là chương trình kích cầu tiêu dùng, hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020.
Chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" lần đầu tiên được thực hiện trên nền tảng công nghệ hiện đại của Ví điện tử MoMo, không phải là cuộc giải cứu trái vải hay gạo ST mà tăng thêm hình thức mua sắm, giúp người tiêu dùng có thêm trải nghiệm trong mua sắm.
Theo đó, thông qua ứng dụng ví điện tử Momo, người tiêu dùng ở TP.HCM ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu, không phải đến siêu thị vẫn có thể dễ dàng mua vải thiều hay gạo ST Xuân Hồng và được siêu thị giao hàng tận nơi trong vòng tối đa hai ngày với giá ưu đãi. Khách hàng cũng có thể đóng góp trực tiếp cho những hoạt động hỗ trợ người nông dân sau chiến dịch ngay trên giao diện của chương trình.
Để ủng hộ Chương trình Ngày không tiền mặt 2020 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, Saigon Co.op có các hoạt động nổi bật trong tháng 6-2020. Đáng chú ý là chương trình “Hoàn tiền đến 20% cho khách hàng thanh toán bằng thẻ Sacombank”, tặng 10.000 phần quà cho khách hàng thanh toán bằng thẻ Visa, mua hàng ưu đãi trên ứng dụng di động App Saigon Co.op và nhiều hoạt động khuyến mãi giảm giá.
Cũng theo ông Huy, việc chọn trái vải để kích hoạt cho chương trình hỗ trợ nông sản và khuyến khích thanh toán không tiền mặt là một lựa chọn phù hợp. Bởi tháng 6 là mùa thu hoạch trái vải, một trong những loại trái cây được người Việt rất ưa thích.
"Nếu mình có hình thức mua sắm tiện lợi, người mua hàng có thể yên tâm ở nhà và được giao những trái vải chất lượng thì họ sẵn sàng trải nghiệm ngay", ông Huy tự tin.
Từ nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn luôn đánh giá Saigon Co.op là kênh tiêu thụ nông sản đặc sản phía Bắc tại thị trường miền Nam hiệu quả nhất. Năm nay, thị trường đầu ra trái vải thiều dự kiến gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, khiến cho thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc khó khơi thông ngay. Vì vậy mùa vải năm nay nguy cơ bị dội hàng là rất lớn.
Vì thế, việc đưa nông sản Việt trước mắt với vải thiều sẽ tạo sự lan tỏa tốt hơn, đầu ra thiết thực hơn cho trái vải. Chương trình sẽ không dừng lại ở mặt hàng vải thiều mà sẽ có thêm gạo và nhiều nông sản địa phương khác lần lượt được giới thiệu đến người tiêu dùng trên nền tảng ví điện tử này.
"Không nhà phân phối nào mong muốn mỗi khi nông sản Việt Nam vào mùa lại phải nhắc đến "giải cứu" vì giá trị nông sản Việt rất lớn. Mỗi địa phương có đặc sản khác nhau, trái ngon đa dạng, Saigon Co.op sẽ lần lượt lựa chọn những nông sản này để có chương trình hỗ trợ, tạo đầu ra tốt hơn", ông Huy khẳng định.
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, người dùng nhiều ưu đãi
Đại diện Saigon Co.op cũng chia sẻ thêm, thực tế không đợi đến dịch bệnh, từ 3 năm qua, Saigon Co.op đã hỗ trợ tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang. Năm nay tùy vào sức mua của thị trường mà nhà bán lẻ sẽ nhập hàng, nhưng những người tổ chức chương trình kỳ vọng sẽ có 100.000 tấn vải được tiêu thụ trong mùa vải năm nay.
"Còn với gạo ST thì lần đầu tiên thử nghiệm nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được kết quả tốt, hỗ trợ bà con nông dân nhờ khuyến khích mua hàng không tiền mặt", ông Huy nói.
Bằng việc tăng cường áp dụng phương thức thanh toán điện tử trên hệ thống siêu thị phân bổ rộng khắp Việt Nam, Saigon Co.op cùng các đối tác của mình góp phần quan trọng trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt, giúp các giao dịch thường nhật của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam được nhanh chóng, an toàn và tiện lợi, cũng như giảm tải việc kiểm đếm, bảo quản và vận chuyển tiền mặt cho chính doanh nghiệp.
Từ năm trước, Saigon Co.op bắt tay MoMo chính thức ký kết hợp tác chiến lược đẩy mạnh số hóa trên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… và trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ số trên diện rộng. Theo đó, MoMo hiện nay chính thức là ví điện tử duy nhất chấp nhận tại quầy thanh toán trên toàn hệ thống của Saigon Co.op.
Hai bên cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hàng loạt các dịch vụ, ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ nhằm mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm hiện đại hết sức tiện lợi và an toàn, phù hợp với xu hướng. Đồng thời cũng sẽ phối hợp xây dựng các chương trình hoạt động vì cộng đồng (CSR), hướng tới sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là đối tượng nông dân, người cao tuổi và trẻ em.
Ông Đỗ Quốc Huy cho biết mới đây Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tiếp tục phối hợp cùng các ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian và ví điện tử đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng của hệ thống siêu thị trên cả nước.
Cơ hội mua trái vải tươi, ngọt
Theo các nhà kinh doanh, vải thiều là loại trái cây mà điều kiện bảo quản khá khắt khe: luôn cần giữ mát trong quá trình vận chuyển. Hiện các siêu thị cũng phải dành những kệ đá lạnh riêng để trưng bày và bảo quản trái vải tươi, ngon.
Do đó, nếu người dùng chọn hình thức mua vải trên nền tảng ví điện tử, nhà bán lẻ sẽ tính toán được số lượng và chuẩn bị lượng vải nhập hàng luôn tươi, mới từ trước. Nhờ vậy, hệ thống logistics của các nhà bán lẻ cũng sẽ không bị áp lực hàng tồn nhiều, tối ưu hóa được chuỗi cung ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận