15/08/2020 10:00 GMT+7

Saigon Co.op: Một hợp tác xã đặc biệt

NAM MINH
NAM MINH

TTO - Trong bối cảnh hàng loạt hợp tác xã kinh doanh gặp khó khăn hay phải đóng cửa, vì sao Saigon Co.op vẫn hoạt động tốt và thậm chí có thể trở thành đích nhắm thâu tóm của giới đầu tư?

Saigon Co.op: Một hợp tác xã đặc biệt - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại Co.op Mart Rạch Miễu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đầu thập niên 1990, khi nền kinh tế chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu cũ gặp khó, giải thể hàng loạt. Trước bối cảnh đó, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) được chuyển đổi với hai chức năng là tổ chức vận động phong trào hợp tác xã và trực tiếp kinh doanh.

Giải mã mô hình hoạt động

Với sự giúp đỡ của phong trào hợp tác xã từ Nhật Bản, Singapore và Thụy Điển, siêu thị Co.op Mart ra đời đầu tiên tại đường Cống Quỳnh, TP.HCM năm 1996. Để cạnh tranh với những siêu thị chủ yếu bán hàng ngoại nhập lúc bấy giờ, Co.op Mart xác định chiến lược trở thành nhà phân phối hàng Việt Nam, đúng theo bản chất của hợp tác xã là tự phục vụ và phục vụ số đông. 

Đến nay, Saigon Co.op không chỉ là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam mà còn trở thành một "tập đoàn" đa ngành nghề, sở hữu nhiều tài sản có giá trị rất lớn.

Trong lĩnh vực bán lẻ, ngoài chuỗi siêu thị Co.op Mart, Saigon Co.op còn phát triển hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại khác như chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Co.op Smile, đại siêu thị Co.op Xtra, chuỗi cửa hàng tiện lợi theo mô hình Singapore mang tên Cheers, trung tâm thương mại Sense City... 

Tính đến tháng 4-2019, nhà bán lẻ này đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 112 siêu thị Co.op Mart, 4 đại siêu thị Co.op Xtra cùng hơn 300 cửa hàng Co.op Food. Năm 2019, Saigon Co.op cũng đã mua lại chuỗi siêu thị Auchan của Pháp, đánh dấu thương vụ M&A đầu tiên mà một thương hiệu bán lẻ nội địa thực hiện với mục tiêu là chuỗi siêu thị nước ngoài.

Trên một thị trường có mức độ cạnh tranh khốc liệt như bán lẻ hiện đại, Saigon Co.op vẫn giữ được kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh nhiều chuỗi khác chìm trong thua lỗ. Theo báo cáo 2019, doanh thu Saigon Co.op vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm, đạt mức hơn 35.000 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng, tương đương tăng 9,4% so với năm 2018. 

Nhà bán lẻ này cũng là thương hiệu lẻ loi ghi nhận lợi nhuận ròng các năm qua ở mức nghìn tỉ, đưa tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt được lên tới 26-39% trên vốn góp.

Theo báo cáo, hiện Saigon Co.op đang có 26 hợp tác xã thành viên với địa bàn hoạt động trải rộng. Khác với mô hình công ty cổ phần, Saigon Co.op không theo kiểu cổ đông ai góp nhiều sẽ thôn tính người góp ít. Hoạt động của hợp tác xã không có tình trạng cá lớn nuốt cá bé. 

"Hợp tác xã là một tổ chức có sự tham gia của số đông những người thích ứng cơ chế thị trường, có được xã viên là có lượng khách hàng trung thành. Xã viên không đầu tư để kiếm lời mà là mang tính tương trợ. Lợi nhuận chia theo doanh số mua hàng" - ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết.

Saigon Co.op còn phát triển khâu sản xuất như sở hữu thương hiệu nước tương Nam Dương, đầu tư nông trại hữu cơ hơn 300ha ở Cà Mau, hay làm các nhãn hàng riêng giá rẻ phân phối trong chính các chuỗi bán lẻ của mình, làm đại lý nhập khẩu và phân phối các mặt hàng ngoại nhập...

Trong bối cảnh khá nhiều mô hình kinh doanh theo hình thức tập thể trên cả nước gặp nhiều khó khăn chỉ để tồn tại, dễ hiểu là Saigon Co.op trở nên nổi bật khi thuộc về số ít các hợp tác xã tiếp tục kinh doanh có lãi.

Hợp tác xã trên thế giới: Con đường thứ ba

Tưởng chừng như đã quá cũ kỹ khi ra đời từ thế kỷ 18, nhưng hiện mô hình kinh doanh hợp tác xã vẫn tồn tại và thậm chí còn phát triển mạnh ở nhiều nước tư bản phát triển nhất thế giới. Một báo cáo của tổ chức Worldwatch Institute cho thấy năm 2012, có xấp xỉ 1 tỉ người ở 96 nước đang tham gia ít nhất một hợp tác xã. Tổng doanh thu của 300 hợp tác xã lớn nhất thế giới lên tới 2.200 tỉ đôla.

Đáng chú ý, các hợp tác xã thường có khả năng phục hồi kinh tế cao hơn nhiều hình thức doanh nghiệp khác, với tỉ lệ hợp tác xã tiếp tục tồn tại sau 5 năm đầu tiên hoạt động là 80%, gấp đôi so với các mô hình sở hữu doanh nghiệp khác (41%). 

Nhiều hợp tác xã còn hướng tới các mục tiêu xã hội bằng cách đầu tư một phần lợi nhuận kinh doanh trở lại cộng đồng của họ. Ví dụ năm 2013, các hợp tác xã bán lẻ ở Anh đã đầu tư 6,9% lợi nhuận trước thuế của họ vào các cộng đồng, so với 2,4% của các doanh nghiệp mô hình cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn.

Mô hình hợp tác xã cũng không chỉ là nông nghiệp hay bán lẻ. Trên thế giới có không ít hợp tác xã là những siêu tập đoàn trong các lĩnh vực rất đa dạng, từ công nghiệp, sản xuất, tới cả bất động sản, y tế, hay ngân hàng, bảo hiểm. Theo Global News Hub, hợp tác xã lớn nhất thế giới hiện là CrŽdit Agricole Group ở Pháp, một siêu tập đoàn ngân hàng - tài chính với tổng tài sản 1,7 nghìn tỉ euro và doanh thu hơn 30 tỉ euro (2016).

Không phải ngẫu nhiên mà mô hình hợp tác xã đặc biệt mạnh mẽ ở các nước có truyền thống xã hội chủ nghĩa và mô hình nhà nước phúc lợi ở Tây - Bắc Âu. Một hợp tác xã khổng lồ điển hình là REWE Group của Đức, một trong những hợp tác xã bán lẻ và du lịch lớn nhất châu Âu. Thành lập năm 1927 từ 17 hợp tác xã thu mua ban đầu, REWE nay có doanh thu 62,7 tỉ euro (2019), sở hữu 15.828 cửa hàng bán lẻ và đại lý du lịch, tạo ra hơn 360.000 việc làm khắp châu Âu.

Gắn liền với những lý tưởng về nhà nước phúc lợi và thúc đẩy bình đẳng, phong trào hợp tác xã kinh doanh trở thành một yếu tố cốt lõi của các ý tưởng về dân chủ kinh tế và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa - một "con đường thứ ba" nhằm thoát khỏi cả hệ thống kinh tế chỉ huy tập trung lẫn hệ thống tự do cổ điển của nền kinh tế tự vận hành (laissez-faire). 

Hợp tác xã, trong khi vẫn theo đuổi lợi nhuận, đồng thời nhấn mạnh yếu tố phục vụ xã viên. Nước Đức, quê hương của Karl Marx, lại là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Nền tảng lý luận là trường phái kinh tế học Freiburg, và triển khai thực tế diễn ra dưới thời cố thủ tướng Konrad Adenauer (1949-1963).

Có nhiều cách để xây dựng nền dân chủ kinh tế, và những người ủng hộ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa theo đuổi một xã hội tự do và tập trung vào tổ chức địa phương, phân tán, bao gồm các hợp tác xã tự quản, liên kết thông qua liên minh của các nghiệp đoàn, liên hiệp hợp tác xã và cộng đồng. 

Tôn chỉ của các hợp tác xã thường dựa trên 7 nguyên tắc: tinh thần tự nguyện và cởi mở cho mọi thành viên; kiểm soát quyền lực dân chủ (mỗi thành viên có một phiếu bầu); có sự tham gia kinh tế của các thành viên; có quyền tự chủ và độc lập; nhấn mạnh giáo dục và đào tạo; hợp tác giữa các hợp tác xã; và cuối cùng là nguyên tắc quan tâm đến cộng đồng.

Tính ra hợp tác xã cũng là một loại hình doanh nghiệp, nhưng khác biệt ở chỗ tuy chúng cũng hướng tới mục tiêu lợi nhuận nhưng nhấn mạnh tính phúc lợi cao độ và bình đẳng cho các thành viên, xã viên và người lao động, điều ít nhiều thể hiện ở Saigon Co.op nếu đặt trong sự so sánh với các tập đoàn bán lẻ kiểu doanh nghiệp bình thường. 

Hợp tác xã ngày nay cũng hoạt động dựa trên tinh thần minh bạch, dân chủ, chấm dứt cách hiểu méo mó và một chiều của thời bao cấp: dạng thức ép buộc mọi người phải tham gia một nền kinh tế tập thể. Mô hình đó, vì vậy, rất phù hợp với tôn chỉ và định hướng "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam hiện tại. 

Không chỉ có vậy, nó còn là một lựa chọn giúp đa dạng hóa cách thức tổ chức kinh tế, và mở ra một hướng đi khác trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản truyền thống đang chứng kiến sự đổ vỡ không ít ở nhiều nước.

Chưa bao giờ thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sức nóng cạnh tranh như hiện nay. Lần đầu tiên kể từ khi đặt chân vào Việt Nam (năm 2012), nhà bán lẻ Thái Lan Central Retail (đang vận hành các chuỗi Big C, Nguyễn Kim, Lanchi Mart…) công bố tổng doanh thu 2019 lên đến 1,17 tỉ đôla (khoảng 27.000 tỉ đồng), rút ngắn đáng kể khoảng cách so với đơn vị dẫn đầu Saigon Co.op. Tiếp tục chiến lược lấy Việt Nam là thị trường trọng tâm để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ tại Thái Lan chậm lại, Central Group dự kiến mở rộng độ bao phủ ra 90% các tỉnh thành phố tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Một thương hiệu ngoại khác đang nhăm nhe giành lấy thị phần là Tập đoàn Aeon của Nhật Bản. Doanh số của Aeon Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% giai đoạn 2018-2019, theo chia sẻ của lãnh đạo công ty. Trong 5 năm tới, Aeon Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng đầu về doanh số.

Một đối thủ nội địa nặng ký là Masan với nền tảng tiêu dùng - bán lẻ The CrownX (TCX) ra đời đầu năm nay. Nền tảng này thực chất dựa trên sự hợp nhất của thương hiệu bán lẻ VinCommerce (Masan mua lại của Vingroup năm ngoái) với thương hiệu tiêu dùng Masan Consumer Holdings. Báo cáo kinh doanh quý 2-2020 cho thấy TCX ghi nhận doanh thu 25.848 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm, tương ứng tỉ lệ tăng trưởng 126,8% so với cùng kỳ năm trước.

Saigon Co.op tăng dự trữ hàng hóa, chung tay chống dịch COVID-19 Saigon Co.op tăng dự trữ hàng hóa, chung tay chống dịch COVID-19

Hệ thống các siêu thị thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu và lên lộ trình từng bước tái khởi động các biện pháp phòng dịch tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.

NAM MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp