Nhằm góp thêm góc nhìn xung quanh "Băng rôn gây tranh cãi ở công viên Lê Thị Riêng" cũng như cách truyền thông lịch sử, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của thạc sĩ Trần Xuân Tiến.
Những sai sót điển hình
1. Sau khi dư luận lên tiếng có chi tiết thiết kế gây hiểu lầm về lịch sử, ngày 18-4, lãnh đạo công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) đã cho tháo dỡ hai tấm băng rôn ở khu vui chơi Thỏ Trắng (nằm trong khuôn viên công viên).
Đáng chú ý hai tấm băng rôn gây tranh cãi nói trên được thiết kế nhằm chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30-4, và đã được treo trên cổng khu vui chơi Thỏ Trắng suốt hơn một tuần.
2. Tháng 3 vừa qua, Câu lạc bộ Lý luận trẻ Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã phải đóng fanpage, xin lỗi vì dùng trí tuệ nhân tạo (AI) vẽ poster sự kiện lịch sử Gạc Ma (14-3-1988) có chi tiết gây phẫn nộ.
Cộng đồng mạng đã phát hiện hình ảnh người lính hải quân Việt Nam trong poster được vẽ bằng AI nhưng lại cầm súng Mỹ, đội mũ sắt Mỹ, đi giày Mỹ!
3. Tháng 5-2023, nhằm tuyên truyền kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Bình Dương phát hành 12 triệu tờ vé số, mở ngày 5-5-2023, với dòng chữ: "69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, 7/5/1954-7/5/2023".
Dòng chữ "Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không" là không chính xác, do người thực hiện nhầm lẫn giữa hai sự kiện lịch sử hoàn toàn khác nhau: Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và sự kiện “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Mặc dù công ty này đã có văn bản thừa nhận sai sót, nhận trách nhiệm, họp kiểm điểm, chấn chỉnh lại quy trình tạo mẫu, in vé số nhưng hầu hết trong số 12 triệu tờ vé số đã được bán. Đồng thời, thông tin sai lệch trên tờ vé số cũng đã lan truyền trên mạng xã hội, gây tác động xấu đến dư luận xã hội.
Cách nào để hạn chế sai sót?
Trong bối cảnh phát triển của công nghệ và Internet, những thông tin sai lệch về lịch sử có thể lan rộng và sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sự hiểu biết, tri thức của công chúng về lịch sử.
Các ấn phẩm truyền thông lịch sử bị sai lệch cũng sẽ phương hại đến danh tiếng, và tổn thương đến tâm lý của cá nhân, tổ chức, cộng đồng...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những ấn phẩm truyền thông lịch sử bị sai, lỗi. Đó có thể do khoảng trống kiến thức về lịch sử của các tác giả, nhà thiết kế, biên tập viên, bộ phận kiểm tra, lãnh đạo kiểm duyệt.
Cũng có thể do thiếu thao tác kiểm chứng thông tin từ các nguồn tin uy tín; sự chủ quan, hời hợt, tắc trách của các bên có liên quan.
Chúng ta cần ý thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo tính chính xác của thông tin, đặc biệt các nội dung liên quan đến lịch sử, trong các ấn phẩm truyền thông.
Về phía nhà sáng tạo, phải luôn trong tâm thế kiểm soát đặc biệt nghiêm túc, có trách nhiệm cao trong các khâu từ ý tưởng đến trình bày, thiết kế, thực hiện sản phẩm truyền thông lịch sử, tránh tuyệt đối thái độ chủ quan, lơ là, cẩu thả.
Phải luôn kiểm chứng thông tin từ những nguồn tin đáng tin cậy. Đồng thời luôn có sự cẩn trọng nhất định đối với công nghệ, tránh lạm dụng công nghệ, phó mặc cho công nghệ.
Về phía các cơ quan quản lý truyền thông ở các cấp, có thể xây dựng kho dữ liệu thông tin lịch sử nhằm cung cấp những tài nguyên tuyên truyền chính xác.
Việc chú ý đến công tác đào tạo nâng cao kiến thức về lịch sử cho các tác giả, nhà thiết kế, nhà sản xuất truyền thông cũng là điều hết sức cần thiết. Không chỉ tăng cường ý thức về tầm quan trọng của việc thiết kế sản phẩm truyền thông đúng dữ liệu lịch sử mà còn giúp các bên có liên quan nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp chuyên môn.
Cuối cùng, khi có vấn đề sai sót xảy ra, cần nhanh chóng giải quyết nghiêm túc và xử lý trách nhiệm công khai, rõ ràng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận