Chiều 30-10, phiên tòa xét xử cựu giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Phan Minh Tân và 5 đồng phạm tiếp tục. Tại tòa, ông Tân thừa nhận Công ty Huy Hoàng năng lực tài chính kém nhưng vẫn cho vay vì đánh giá công ty này có năng lực công nghệ.
Dự án từng được đánh giá tốt, khả thi
Trả lời thẩm vấn đầu tiên, ông Phan Minh Tân - cựu giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết Quỹ phát triển khoa học công nghệ có 6 thành viên lãnh đạo, trong đó bị cáo Tân là người đứng đầu.
Cáo trạng cáo buộc từ tháng 8-2009 đến tháng 11-2009, ông Tân và đồng phạm đã làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong việc xét duyệt vay và hỗ trợ cho Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ Huy Hoàng thực hiện dự án "Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip nhận dạng từ xa qua sóng radio" và dự án "Đầu tư và phát triển công nghệ chip nhận dạng bằng sóng vô tuyến RFID", gây thiệt hại 19,4 tỉ đồng.
Tại tòa, ông Tân cho rằng khi xét duyệt dự án, ông dựa vào các quy chế do UBND TP ban hành và các tài liệu do Công ty Huy Hoàng cung cấp. Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho vay với lãi suất thấp, không cần tài sản thế chấp, dựa vào năng lực công nghệ.
Ông Tân cho biết ông tiến hành tuyển chọn, căn cứ hồ sơ đề xuất để thành lập hội đồng khoa học sơ tuyển dựa trên tiêu chí về tính cấp thiết, nội dung nghiên cứu và sản phẩm tạo ra, năng lực tổ chức thực hiện, tiến hành thành lập tổ thẩm định...
Ông Tân không nhớ rõ số điểm của 2 dự án nhưng ông khẳng định là trên mức 70/100 điểm. Theo ông Tân, trước khi thực hiện dự án 1, ông đã báo cáo với bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan chức năng của bộ. Sau đó, bộ tổ chức họp, sau khi nghe trình bày dự án, các đơn vị chức năng góp ý và bộ trưởng kết luận bộ hoàn toàn tán thành dự án phát triển công nghệ, giao UBND TP có cơ chế hỗ trợ.
Sau khi trình bày dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định đây là dự án tốt, khả thi. Ông Tân cho biết gần như toàn bộ kinh phí cấp cho Công ty Huy Hoàng hoàn toàn phục vụ dự án, không dành để mua máy móc hay tài sản gì khác.
Khả năng tài chính kém nhưng vẫn cho vay vì có năng lực công nghệ?
Trong 6 thành viên đánh giá đợt 2, có 5 thành viên đồng ý cho vay, riêng ông Vương Đức Hoàng Quân - phó chủ tịch hội đồng quản lý quỹ - không đồng ý vì cho rằng năng lực cạnh tranh của công ty yếu, không đủ khả năng thực hiện dự án, không có tính thuyết phục.
Ông Tân nói các thành viên làm việc độc lập, tôn trọng ý kiến các thành viên. Ông Tân cho rằng năng lực công ty yếu là đúng. Tuy nhiên, khi xem xét đánh giá dự án cho vay, ông dựa vào năng lực công nghệ. Trong quy chế liên quan đến điều kiện cho vay, quỹ cho vay với lãi suất thấp, không cần tài sản thế chấp, dựa vào năng lực công nghệ.
Thông qua thuyết trình dự án, bị cáo đồng ý thông qua dự án cho vay. Bị cáo cho rằng quyết định cho vay là hoàn toàn phù hợp.
Trả lời câu hỏi khi hội đồng không có ý kiến thống nhất, bị cáo có xin ý kiến UBND TP không, ông Tân nói: "Chúng tôi đã tổ chức làm việc, khẳng định năng lực công nghệ của công ty là hoàn toàn có khả năng thực hiện dự án".
"Bị cáo có cho xác minh điều kiện của phía công ty về năng lực công nghệ không?" - chủ tọa hỏi tiếp.
"Trong hồ sơ báo cáo dự án nêu rõ năng lực công nghệ của công ty. Người thành lập công ty là người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ, có chuyên gia nước ngoài và trong nước hỗ trợ" - ông Tân đáp.
Ông Tân cho biết thêm trong quy định về việc sản xuất gồm 2 công đoạn: thiết kế và sản xuất, kiểm nghiệm; kiểm chứng. Hai giai đoạn này độc lập với nhau. Trong giai đoạn thiết kế, sản xuất chip, không nên hiểu thiết kế không phải là sản xuất vì thiết kế đã là sản xuất vì kích thước chip nhỏ 1/1.000mm, tốn nhiều chất xám để vận hành, gần như nhiều nước tập trung vào khâu thiết kế.
Việc đánh giá đạt và hoàn thành là hai khái niệm khác nhau, đạt là đảm bảo tiến độ dự án, hoàn thành là về mặt thời gian. Tại cuộc họp ngày 28-4-2010, hội đồng đã thông qua đánh giá đạt, không nhất thiết phải hoàn thành giai đoạn 1.
Ông Tân thừa nhận trách nhiệm lớn nhất về mình đối với việc cấp kinh phí giai đoạn 2 dự án 1. Tuy nhiên, ông hoàn toàn không thụ hưởng bất cứ đồng nào. Việc không hoàn thành dự án là do trách nhiệm của công ty.
Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng các bị cáo được Nhà nước cấp nhiều kinh phí, nhưng nhận thức các bị cáo còn thấp. Đây là ngân sách nhà nước, các bị cáo muốn chi phải đúng quy định, không phải tiền túi các bị cáo.
Công ty Huy Hoàng mới thành lập, qua xác minh, những nguồn lực về nhà máy, kỹ sư đều không có. Theo quy định, Công ty Huy Hoàng nêu khống, làm sai, phải chịu trách nhiệm.
Các bị cáo được Nhà nước giao về thẩm quyền về khoản ngân sách đó, không thể cho vay tùy tiện. Các bị cáo có quyền yêu cầu cung cấp các dữ kiện để làm rõ vấn đề.
Bị cáo đã thừa nhận Công ty Huy Hoàng vốn điều lệ chỉ có 7 tỉ đồng, mới thành lập, không có nguồn thu đáng kể. Như vậy, công ty này không đủ năng lực tài chính để vay. Bị cáo có quyền không cho công ty vay. Trách nhiệm của bị cáo là phải kiểm tra toàn diện, phải xác định rủi ro có thể xảy ra. Cái sai của các bị cáo là biết công ty không đủ tài chính vẫn cho vay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận