Công tác tư vấn hướng nghiệp trong những năm vừa qua thường được gắn với tư vấn tuyển sinh, được tổ chức khá rầm rộ dưới nhiều hình thức, trên các phương tiện truyền thông; từ tư vấn tại trường THPT có vài ngàn học sinh đến các ngày hội hàng chục ngàn học sinh và phụ huynh đến dự.
Chắc chắn công tác tư vấn hướng nghiệp có đem đến những hiệu quả nhất định, trước hết đó là sự quan tâm của học sinh, bên cạnh các thông tin giới thiệu ngành nghề và xét tuyển của các trường được đưa đến học sinh rất đầy đủ.
Tuy nhiên ở một góc độ khác, xem ra công tác tư vấn hướng nghiệp chưa tác động được nhiều đến việc phân luồng và ngay cả việc chọn ngành nghề của học sinh, vốn là mục tiêu của công tác hướng nghiệp.
Hệ quả là học sinh sau THPT vẫn định hướng vào các trường ĐH hơn là vào các trường CĐ và các trường trung cấp, các trường nghề; và hiện tượng sinh viên bỏ học ngay sau năm thứ nhất vẫn là một trong các vấn đề nhức nhối của nhiều trường ĐH, CĐ.
Phải chăng chọn trường để học là một khuynh hướng tiềm ẩn ngay từ khi thi tuyển vào lớp 10 của bậc THPT?
Khảo sát kết quả thi tuyển lớp 10 vào các trường THPT tại TP.HCM liên tục nhiều năm qua cho thấy các trường có danh tiếng, có truyền thống ở nội thành luôn thu hút được các học sinh giỏi, điểm chuẩn trúng tuyển luôn cao hơn rất nhiều, thậm chí gấp 3 lần điểm chuẩn trúng tuyển của các trường ở ngoại thành.
Dẫu rằng bậc ĐH mang tính chất đào tạo nghề nghiệp nhiều hơn, nhưng học sinh - trước hết là các học sinh giỏi - vẫn có khuynh hướng chọn các trường tốp trên, là những trường công lập có điểm chuẩn trúng tuyển hằng năm cao hơn.
Về phía các trường, trong bối cảnh phải “tranh giành” thí sinh, có lẽ mục tiêu đầu tiên của hầu hết các trường là tuyển đủ chỉ tiêu, vì học phí cũng chính là nguồn thu chủ yếu của nhiều trường. Bên cạnh việc xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, có đến gần 50% các trường ĐH và CĐ xét tuyển từ học bạ THPT, cơ hội vào ĐH của học sinh được rộng mở hơn.
Sau kỳ xét tuyển 2015, nhiều trường ĐH, CĐ rất hồ hởi vì tuyển được nhiều thí sinh hơn hẳn so với những năm trước. Năm 2014, các trường ĐH chỉ tuyển được 94% chỉ tiêu, các trường CĐ tuyển được 58,1%; năm 2015 các trường ĐH tuyển được 97,6% chỉ tiêu, các trường CĐ tuyển được 63,21%.
Rút kinh nghiệm của quy định xét tuyển năm 2015, quy định xét tuyển 2016 cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong đợt xét tuyển đầu tiên, thay vì chỉ 1 trường như năm 2015. Hi vọng điều này sẽ làm giảm bớt khuynh hướng chọn trường chứ không phải chọn ngành của nhiều thí sinh.
Hiện tượng sinh viên bỏ học tuy bản chất có khác, nhưng cũng là vấn đề nhức nhối cho các trường ĐH, CĐ và thậm chí cả gia đình, xã hội. Chắc chắn cả sinh viên và trường ĐH đều không muốn chia tay nhau chỉ sau 1 năm đầu tiên vì lý do “không phù hợp nhau”.
Hơn thế nữa, phương pháp học tập ở bậc ĐH khác rất nhiều so với bậc THPT, đòi hỏi tính tự chủ của sinh viên rất cao.
Để sinh viên mới trúng tuyển vào trường không bỡ ngỡ trong môi trường học tập mới và yêu thích ngành nghề, nhà trường cần tiếp tục bồi dưỡng thêm cho sinh viên những hiểu biết thực tế về ngành nghề, các thông tin cơ hội việc làm.
Đây cũng là trách nhiệm của chính các trường ĐH, CĐ, vì tỉ lệ sinh viên bỏ học cũng là một trong các tiêu chí đánh giá khi kiểm định các chương trình đào tạo của các trường ĐH, CĐ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận