14/10/2021 13:20 GMT+7

Sài Gòn - vòng xoay ký ức - Kỳ 5: Bùng binh Bến Thành và phố cổ trăm năm

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Bùng binh Bến Thành - Công trường Quách Thị Trang thể hiện sinh hoạt đời thường huyên náo. Cái bùng binh mênh mông ấy quy tụ bảy con đường là Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

Sài Gòn - vòng xoay ký ức - Kỳ 5: Bùng binh Bến Thành và phố cổ trăm năm - Ảnh 1.

Bùng binh chợ Bến Thành và các phố cổ những năm 1920-1930 - Ảnh: tư liệu

Mỗi con đường như một dòng sông cuộn chảy, chuyên chở hàng triệu người và hàng hóa suốt ngày đêm. Xoay quanh bùng binh là chợ Bến Thành, tòa nhà hỏa xa, bến xe, công viên, bệnh viện, tượng đài, bảo tàng, phố đồ cổ, phố ngân hàng... Tất cả làm nên một bức tranh đô hội, một giai điệu sôi động trong ký ức bao thế hệ khi nhớ về Sài Gòn.

Bùng binh bận rộn nhất Sài Gòn

Mấy năm nay, vẻ huyên náo của bùng binh Bến Thành thuyên giảm do có công trường nhà ga Metro. Những tấm tôn màu bít bùng, bao mất vòng xoay lớn, chắn cả đường vào đại lộ Lê Lợi. Hiện thời, từ đại lộ Trần Hưng Đạo đến đại lộ Hàm Nghi, có một con đường hun hút chạy giữa hai tường rào, một bên là công trường nhà ga, một bên là công trường tòa nhà The One 55 tầng.

Khi đi trên con đường này, tôi phải "bám" theo ký ức để nhận ra khi xưa đó chính là bến xe trung tâm nhộn nhịp nhất thành phố. Ở bến xe có nhà chờ, trạm điều hành và trạm xăng luôn bận rộn. Nhiều tuyến đường xe lam, xe buýt từng quy tụ về đây. Thời Pháp, xe điện leng keng qua lại, đan xen với những chuyến xe thổ mộ. Phải chăng khung cảnh này đã khiến nhạc sĩ Y Vân ghi thành lời ca bất hủ: Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau.

Bến xe nằm đối diện với dãy phố hai tầng, nơi có tiệm kem Hải Phòng và nhà hàng Vân Cảnh nổi tiếng. Nhô lên hiên ngang sau dãy phố là tòa dinh thự của chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật trên đường Phó Đức Chính. Cách bến xe vài chục mét là Ga Sài Gòn có cùng tuổi đời với chợ Bến Thành. Tuyến xe lửa đầu tiên Sài Gòn - Mỹ Tho 1881 là tuyến xe lửa đầu tiên của cả Đông Dương. 

Nhà ga Sài Gòn còn hoạt động đến năm 1978, sau đấy được dời ra Hòa Hưng. Toàn bộ đất nhà ga trở thành công viên 23-9, chạy dài đến tận chợ Thái Bình. Ngày nay, dấu tích khởi đầu còn lại duy nhất của ngành đường sắt Sài Gòn chính là tòa nhà hỏa xa cổ kính, nằm ở đầu đường Hàm Nghi.

Thuở nhỏ, mẹ tôi thường cho tôi ra chợ Bến Thành, nhiều người còn gọi là chợ Sài Gòn, bằng cả xe buýt và xe lam. Từ bến xe muốn đi bộ vào cửa chính của chợ không dễ chút nào vì xe cộ chạy quanh bùng binh thường xuyên dày đặc. Vào năm 1970, lần đầu tiên Sài Gòn có cầu vượt cho khách bộ hành là ở bùng binh Bến Thành. 

Ngày ấy, được chạy bộ lên cầu, bọn trẻ chúng tôi náo nức lắm. Lên đến mặt cầu, chúng tôi hỉ hả bám lấy lan can, ngắm nhìn và chỉ trỏ dòng xe vô tận di chuyển bên dưới. May mắn, hai chiếc cầu bộ hành không lấy gì là mỹ thuật, còn được gọi là "cầu nổi", chẳng tồn tại lâu. Nhờ đấy mà đến nay, chúng ta vẫn thấy được cái đẹp nổi bật của bùng binh Bến Thành chính là phần đảo tròn nằm giữa giao lộ.

Nhìn từ trên cao, phần đảo tròn giống như một chiếc nhụy yêu kiều của một bông hoa cúc nhiều cánh, mỗi cánh là một con đường. Từ năm 1964, tượng đài tướng quân Trần Nguyên Hãn (khởi nghĩa Lam Sơn, thế kỷ 15) và Quách Thị Trang (nữ sinh ngã xuống trong biểu tình chống chế độ trước chợ Bến Thành năm 1963) được xây dựng tại đây. 

Hai tượng đài mang đến cho bùng binh Bến Thành nét lịch sử hào hùng. Năm 2014, cả cụm tượng đài được dời đi để xây dựng nhà ga Metro ngầm. Bao giờ cả hai tượng đài sẽ trở lại?

Sài Gòn - vòng xoay ký ức - Kỳ 5: Bùng binh Bến Thành và phố cổ trăm năm - Ảnh 2.

Bùng binh Bến Thành với tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn và liệt sĩ Quách Thị Trang ở chính giữa vòng xoay - Ảnh: KTS Văn phụng Hiếu Minh chụp năm 2010

Tòa thành của lòng dân

Băng qua bùng binh là đến với phố chợ Bến Thành. Đến Sài Gòn mà chưa đi chợ Bến Thành coi như chưa biết Sài Gòn. Thật vậy, ngôi chợ rộng lớn, có tòa tháp đồng hồ và sáu cổng ra vào. Tất cả đều bề thế như một tòa thành vững chãi. Ngôi chợ được khai sinh cách đây 117 năm nhưng dáng vẻ vẫn thanh tân.

Ở bốn cổng chính Đông Tây Nam Bắc đều có những tấm phù điêu bằng gốm màu Biên Hòa, khắc ghi những hình ảnh mộc mạc gần gũi của chợ Việt như con bò, con heo, cá, mực và chuối. Tuy nhiên, trong chợ không chỉ có thực phẩm mà còn có đầy đủ lụa là, vải vóc, quần áo, giày dép, bánh kẹo. Kể cả các quầy hàng ăn uống, nhiều loại hảo hạng. 

Thật lạ, khắp chợ thường xuyên náo nhiệt nhưng lại có một chỗ yên ắng linh thiêng. Đó là điện thờ thánh thần, thổ địa của làng Tân Khai xa xưa, nằm bên trong tháp đồng hồ. Chợ do người Pháp xây song vẫn dành chỗ cho người Việt kính lễ tiền nhân và trời đất!

Hiện giờ, du khách đến chợ còn có thể may áo, đóng giày, làm tóc và làm móng tay... Để đón khách thập phương, người bán hàng nói được cả tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Malay. 

Có lần, tôi đi cùng giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ của Đại học Waseda vào chợ để khảo sát đời sống và chuyện trò với những người bán hàng. Ai nấy đều vui vẻ trả lời cho vị khách Tokyo về giá cả, nguồn hàng và cách tiếp thị cho du khách. Tôi ước chi có thể mở ngay một trường thực hành thương mại và ngoại ngữ ngay trong ngôi chợ năng động này...

Phố cổ hòa hợp xưa và nay

Các ô phố bao quanh chợ Bến Thành ra đời và mở mang cùng chợ. May mắn, các con đường Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang còn giữ hầu như nguyên vẹn các dãy nhà phố ba tầng lợp mái ngói, thiết kế riêng cho khu vực giao thương sầm uất. Đây là loại kiến trúc shop-house (nhà ở và cửa hàng) rất rộng rãi và kiên cố.

Ở căn số 13 Phan Chu Trinh, vẫn còn giữ bảng hiệu Tiệm trà Ô Tòng Ký, đã có từ năm 1930. Mấy năm trước, vào thăm và mua trà của tiệm, tôi gặp bà cụ Kha Luyen - chủ nhà gần 90 tuổi. Cụ cho tôi xem giấy tờ thuê nhà của Công ty Hui Bon Hua - Chú Hỏa từ rất xưa. 

Gần tiệm trà, cửa hàng Vissan ở hai căn số 21-23 từng là tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên lừng danh thế kỷ trước. Trên bàn thờ tổ tiên, gia đình vẫn lưu giữ bức tranh vẽ con công xòe đuôi màu xanh ngọc. Con công diễm lệ ấy không chỉ là logo quen thuộc của tiệm bánh mà còn là ký ức thơm thảo một thời của người Sài Gòn.

Dạo quanh ba mặt đường bao quanh chợ, còn có thể khám phá dấu tích nhiều thương hiệu "vang bóng" khác như Vàng Kim Thành, khách sạn Cửu Long Giang - nơi trình diễn đờn ca tài tử đầu tiên. Trong 10 năm trở lại đây, các ô phố cổ xung quanh chợ ngày càng tấp nập với nhiều loại hình mới, thương hiệu mới. 

Con phố Nguyễn An Ninh có nhiều quán hàng, khách sạn nhỏ thu hút nhiều du khách Malaysia vì thời xưa vốn là phố của người Ấn Độ theo Hồi giáo. Mong sao đại dịch sẽ qua nhanh để nhịp sống và sắc màu bùng binh Bến Thành và phố phường Sài Gòn tưng bừng trở lại!

Nhiều năm trước, các bạn tôi ở Mỹ, Canada và Úc thường gửi về những bức ảnh vừa lạ vừa quen. Hóa ra, tại nhiều khu mua sắm của người Việt đều có kiến trúc "phiên bản" tòa tháp đồng hồ chợ Bến Thành. Nhiều hàng quán Việt Nam ở hải ngoại thường treo hình hay sử dụng hình chợ Bến Thành để trang trí hay làm thương hiệu. Thế đó, với người Việt xa hay gần, chợ Bến Thành đều là biểu tượng chính của Sài Gòn yêu dấu!

************

>> Kỳ tới: Công trường Mê Linh và đại lộ cổ tích

Đoạn bờ sông Sài Gòn từ rạch Thị Nghè đến rạch Bến Nghé chính là nơi khởi đầu Sài Gòn tân lập do người Việt khai phá cách đây hơn 300 năm. Đây cũng là nơi có những con đường hội tụ hình cánh cung tạo thành Công trường Mê Linh độc đáo.

Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 4: Cây Gõ vẫn soi bóng thời gian Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 4: Cây Gõ vẫn soi bóng thời gian

TTO - 'Tôi có nhiều kỷ niệm về bùng binh Cây Gõ. Nơi thuở nhỏ tôi thường lóc cóc ngồi xe ngựa qua lại khi theo mẹ từ nhà ở làng Tân Tạo lên dạo chơi phố phường Chợ Lớn, rồi sau này là tháng ngày lên học Trường Petrus Ký'.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp