TS Huỳnh Như Phương (bìa trái) nhận xét sách của Phan Hoàng (bìa phải) cần thiết cho giới nghiên cứu - Ảnh: L.Điền |
Tập sách gồm các bài viết về 18 nhân vật gắn bó với mảnh đất Sài Gòn, và qua từng hoạt động nghề nghiệp cũng như những cống hiến của họ, Sài Gòn hiện lên là một mảnh đất lành - nơi mỗi cá nhân dẫu xuất thân tại đây hay từ phương xa đến lập nghiệp cũng có cơ hội tìm thấy điều kiện thuận lợi để cho mình “đậu lại” và thậm chí, còn vươn xa hơn trong sự nghiệp.
Phan Hoàng tâm sự rằng những bài viết trong tập này là hành trình 25 năm cầm bút của anh tại Sài Gòn, từ một người con của miền Trung mà thuở nhỏ chỉ nghe hai tiếng Sài Gòn với sức “cuốn hút lạ lùng”. Chính sự cuốn hút này đã “se duyên” Phan Hoàng với Sài Gòn bằng nghiệp viết lách.
Hành trình cầm bút của anh có một mảng quan trọng là tiếp xúc với các nhân vật lịch sử và tiếp cận các tài liệu về họ. 18 nhân vật trong tập sách này đến nay có người đã mất như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thượng tướng Trần Văn Trà, nhà văn Sơn Nam, họa sĩ Chóe, PGS Ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo…, và những người còn đang hiện diện tại mảnh “đất lành” Sài Gòn như nhà thơ, doanh nhân Lâm Xuân Thi, nghệ sĩ hài Mỹ Chi, nhà nghiên cứu An Chi, nhạc sĩ Quỳnh Hợp, nhà nhiếp ảnh Vũ Việt Dũng…
Tất cả đều là những người góp phần làm nên một một Sài Gòn như hôm nay, hoặc ít ra, lật giở những trang sách cuộc đời này, bạn đọc sẽ đồng cảm với họ rằng: Sài Gòn thật đáng sống.
Tập sách của Phan Hoàng có một phong vị riêng không giống với trào lưu viết cảm nhận về Sài Gòn vốn thiên về dòng cảm xúc của các tác giả. Sài Gòn ở đây đã quyện thành chất sống trong từng nhân vật.
Qua câu chuyện cuộc đời họ, có khi là “nghịch lý lịch sử” từ đời ông nội đến đời cháu như trường hợp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; có khi là một mối nhân duyên rồi trở thành định mệnh như nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà.
Có khi là những khuất lấp bấy lâu được Phan Hoàng khơi ra, nhắc lại, để mọi người cùng chia sẻ như nhân vật Lư Hòa Nghĩa - người từng dựng nghiệp cho nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga và có công lớn khi phát triển bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu từ nhịp 4 thành nhịp 8 tức bản Vì tiền lỗi đạo. Cũng Lư Hòa Nghĩa đã đem giọng ca của chính mình phổ biến khắp Nam kỳ lục tỉnh và cả Sài Gòn bản vọng cổ này, được hãng Asia thu đĩa, làm cho sức lan tỏa của bản nhạc này mạnh mẽ hơn.
Có mặt tại buổi giao lưu, nghệ sĩ hài Mỹ Chi cho rằng Sài Gòn chính là mảnh đất nuôi dưỡng và nâng đỡ những hoạt động nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Cô tâm sự rằng thế hệ của cô từng sống hết mình với nghệ thuật, nhưng gần đây có điều đáng buồn là giới làm nghệ thuật hài đang trở nên dễ dãi, tiếng cười trên sân khấu không còn được chăm chút như trước đây…
Nghệ sĩ hài Mỹ Chi (giữa) chúc mừng tác giả Phan Hoàng tại buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền |
Tranh thủ có mặt tại buổi ra mắt sách, TS Huỳnh Như Phương - người thầy dạy Phan Hoàng từ thời sinh viên - nhận định rằng tập sách của Phan Hoàng thật cần thiết cho giới nghiên cứu. “Đọc những nhân vật của Phan Hoàng có khi làm mình sực nhớ ra những vấn đề mà mình đã không kịp gặp gỡ, tìm hiểu, như những vấn đề ngôn ngữ học được gợi lại trong bài viết về giáo sư Cao Xuân Hạo…” - ông Huỳnh Như Phương nhìn nhận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận