Cổ tự Sùng Đức vẫn còn để tên đường Lục Tỉnh xưa ở vòng xoay Cây Gõ - Ảnh: QUỐC VIỆT
Hồi đó tôi học nội trú, đầu tuần và cuối tuần đều qua cửa ngõ Cây Gõ để lên trường và về nhà. Kỷ niệm tưởng chừng mới đó mà đã gần trăm năm với bao biến thiên thời cuộc rồi" - ông Võ Anh Tuấn, cựu đại sứ ở Liên Hiệp Quốc, ở tuổi 95 tâm sự chuyện đất và người xưa.
Hồi đó, ai muốn vào Sài Gòn - Chợ Lớn theo ngả này đều đi qua bùng binh Cây Gõ. Nó như cửa ngõ đón chào đến cuộc sống đô thị sầm uất, đông vui.
Cựu đại sứ VÕ ANH TUẤN
Cửa ngõ Sài Gòn và "đặc sản" kẹt xe
Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn kể thời gian dài đời mình làm việc ở các đại sứ quán nước ngoài, nhưng ông vẫn hiểu và cảm nhận được sự đổi thay ở cửa ngõ bùng binh Cây Gõ. Những năm sau cuộc đổi mới, ở thập niên 1990 mà nhất là từ 2000, giao lộ này có "đặc sản" kẹt xe và ngày càng trầm trọng hơn khiến ai qua lại cũng khó quên.
Đặc biệt, kèm theo khói bụi kẹt xe, khu vực này còn được gọi thêm biệt danh "rốn ngập" hay "dòng sông Cây Gõ". Khỏi cần kể, chắc dân Sài Gòn cũng thừa ám ảnh cảnh ngập nước kèm với kẹt xe từng nặng nề thế nào. Và nói tưng tửng như mấy bác xe ôm rành rẽ thì "có ngập nặng dữ thần mấy đâu, chỉ nước lận vô yên xe thôi". Họ còn nói vui chính nhờ ngập mà bùng binh Cây Gõ "nhiều binh thiên tiệm sửa xe".
Có lẽ họ nói hơi quá, vì các tiệm sửa xe đã xuất hiện nhiều quanh bùng binh từ mãi trước năm 1975. Nhưng họ cũng có phần đúng kể từ khi khu Cây Gõ trở thành điểm ngập kinh hoàng và các ông sửa xe kiếm bộn chỉ nhờ mỗi việc... thổi khô bugi (bộ đánh lửa) của xe.
Từ cuối những năm 1990, tôi hay rong ruổi làm báo Sài Gòn - miền Tây qua cửa ngõ Cây Gõ và không ít lần khóc nghẹn ở đoạn này vì dính ngập gần... lút cả yên xe. Khi đó, mấy ông sửa xe lấm lem dầu nhớt thật sáng láng, quý hóa trong mắt tôi. Tượng ông Lê Lợi đứng trên đài cao giữa bùng binh chắc cũng khó cười nổi với cảnh này.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện của thời kỳ đổi mới sau 1975. Trước đó, khu vực quanh bùng binh Cây Gõ thi thoảng cũng bị ngập lấp xấp khi mưa lớn nhưng khô ráo rất nhanh. Trong ký ức tuổi thơ thập niên 30-40 thế kỷ trước của ông Võ Anh Tuấn không hề bị ám ảnh cảnh ngập ở nơi này. Sang giữa thập niên 1950, cậu bé Nguyễn Văn Hùng từ Bến Tre theo cha mẹ lên ở hẻm 323 đường Minh Phụng cũng không phải ám ảnh với chuyện ngập lụt như sau này.
"Bận đó, khu Cây Gõ làm gì đã bị ngập nặng. Bởi hầu hết xóm dân phía sau các dãy nhà mặt tiền quanh bùng binh Cây Gõ đều còn thưa thớt với hẻm đất, sân vườn đất, nên mưa đến đâu thì nước ngấm rút đến đó. Chiều nào trời mưa có lớn dữ thần lắm thì nước cũng chỉ lé đé mắt cá chân rồi rút liền" - ông Hùng kể.
Và cả ông Hùng, ông Tuấn đều lý giải thêm hồi đó kênh rạch, ao đầm còn rất nhiều ở khu này chứ chưa bị đọng rác rưởi rồi san lấp theo thời buổi đô thị hóa. Nước mưa tiêu thoát tự nhiên theo kênh rạch hoặc tràn vào các ao vườn rồi tự ngấm rút trên đất.
Bùng binh Cây Gõ thời kỳ đó vẫn là cửa ngõ tiễn người về miệt lục tỉnh (cách gọi miền Tây thời xưa) hay đón chào người lên phố phường Sài Gòn - Chợ Lớn đông vui, chứ chưa làm ngại bước chân vì "đặc sản" ngập đường, kẹt xe như về sau.
Những cuộc bể dâu lịch sử và thời buổi phát triển làm đô thị lan rộng đã dần xóa mất ao vườn quanh bùng binh Cây Gõ, nhưng mảng xanh như vẫn còn in đậm trong ký ức các chứng nhân. Bây giờ trở lại Cây Gõ, người tinh tế có thể tìm thấy chút hồn quê còn vương vấn ở chính các tiệm bán đồ câu vẫn còn hiện diện ngay mặt tiền đắt giá hướng thẳng ra bùng binh cũ.
Tiệm nhỏ nép bên trạm biến thế Chợ Lớn, tiệm bề thế hơn thì nối tiếp cả hai căn nhà chiều ngang chục mét. Ngồi sửa xe trên vỉa hè đối diện với dãy bán đồ câu này, ông Hùng kể từ nhiều năm trước bùng binh đã chộn rộn bán đồ câu nức tiếng Sài Gòn rồi. Dân câu khỏi phải đi đâu xa mà ở chính các kênh rạch, ao vườn ngay gần đó, đặc biệt là bên vùng trũng Tân Hòa Đông, Tân Hóa liền kề.
Giờ thì ở đây chẳng còn chỗ nào cá có thể sống để câu, nhưng vài tiệm bán đồ nghề vẫn còn truyền đời phục vụ các cần thủ chịu đi xa hơn...
Nhịp cầu vượt bắc qua chính nơi từng là bùng binh Cây Gõ - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cây Gõ vẫn còn trong ký ức
Bước ngoặt lịch sử của bùng binh Cây Gõ diễn ra vào ngày 27- 4- 2013, khi cây cầu vượt dài nhất Sài Gòn được khởi công xây dựng ngay trên vòng xoay để giải quyết nạn kẹt xe nan giải ở cửa ngõ này. Những ngày đầu mới làm, dân khu vực và cả người qua đường như tôi đều sững sờ khi thấy tượng đài Lê Lợi bao năm sừng sững ở đây được đục hạ.
Tôi đã dừng xe, hỏi chuyện, và ông đội trưởng thi công cho biết tượng vua Lê Lợi chuyển về công viên Phú Lâm gần đó. Cảm giác thật ngỡ ngàng khi cái bùng binh và bức tượng anh hùng lịch sử bạc màu thời gian thân quen không còn nữa.
Nhưng chỉ 6 tháng sau, vòng xoay cửa ngõ lớn của thành phố không còn kẹt cứng nữa với người xe nhẹ nhàng đi trên cây cầu vượt hình chữ Y đã trả lời lý do vì sao phải đổi thay, phải phá bỏ bùng binh Cây Gõ từng in sâu ký ức đời người.
Đây cũng là thời điểm tôi chuyển hẳn nhà về Phú Lâm và ngày ngày vẫn đi làm hai lượt sáng chiều qua giao lộ thân thuộc bao năm với mình. Bóng cầu vượt soi xuống mặt đường đã thay bóng tượng đài Lê Lợi, nhiều nhà cửa mặt phố Hồng Bàng - Ba Tháng Hai - Minh Phụng tiếp tục được sửa sang, xây mới khang trang, sáng sủa hơn.
Nhưng trong cặp mắt và tâm khảm của một người chưa già nhưng cũng không còn trẻ như tôi vẫn tìm thấy hồn xưa ẩn sâu trong bề ngoài của phố phường. Các đình chùa cổ kính từng mấy trăm năm gắn liền với địa danh Cây Gõ vẫn còn đó, vẫn trầm mặc đứng vững với thời gian. Nếu ai tinh tế sẽ nhận thấy các cổ đình Phú Lâm, Minh Phụng, chùa Tuyền Lâm, chùa Gò, chùa Sùng Đức, Linh Quang Tự... như các "đại thụ" tỏa bóng, tỏa hồn tâm linh xuống vòng xoay Cây Gõ.
Thật kỳ lạ, không biết tiền nhân hữu duyên thế nào mà tạo lập các cổ tự theo địa thế như hình tròn bao bọc, chở che cửa ngõ này. Dòng chảy thời gian làm đổi thay nhiều thứ, bùng binh và tượng đài Lê Lợi không còn nữa, những hàng gõ xưa cũng chỉ còn trong ký ức mờ nhạt, nhưng chính các cổ tự này sẽ còn kể lại mãi câu chuyện trăm năm đất và người Cây Gõ...
Vẫn còn thấp thoáng ít mái nhà lợp tôn cũ kỹ, xập xệ ở đầu đường Minh Phụng phía quận 6, vẫn còn những cửa tiệm nhỏ bé, bạc màu thời gian, nhưng nhiều năm qua lại bùng binh Cây Gõ mà sau này là cầu vượt, tôi đã chứng kiến sự đổi thay, phát triển ở đây.
Ngay chính vị trí mặt tiền đường Hồng Bàng hướng ra bùng binh cũ là một nhà sách hiện đại, rộng lớn. Còn đường Minh Phụng như chia đôi hình thái bán buôn, đoạn bên quận 6 hướng về cổ đình Bình Tiên san sát tiệm vàng bạc, đoạn đường bên quận 11 lại lắm quán ăn lớn nhỏ nhiều năm danh tiếng phong vị người Hoa. Riêng đường Ba Tháng Hai hợp thành giao lộ này có vẻ hiện đại hơn với rất nhiều cửa tiệm kinh doanh điện thoại di động và vật tư y tế...
Ai đó nói rằng khu Cây Gõ như một Sài Gòn - Chợ Lớn thu nhỏ có lẽ cũng quá lời với hồn cổ xưa hòa lẫn nét hiện đại, năng động làm ăn.
************
Bùng binh Bến Thành thể hiện sinh hoạt đời thường huyên náo, quy tụ bảy con đường mà mỗi con đường là một dòng sông cuộn chảy, chuyên chở bao người và hàng hóa suốt ngày đêm.
>> Kỳ tới: Bùng binh Bến Thành
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận