Thương xá Tax và hồ phun nước ở vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi năm 2010 - Ảnh: PHÚC TIẾN
Cái bục ấy nằm giữa giao lộ Bonard và Charner, nay là vòng xoay Lê Lợi và Nguyễn Huệ.
Chợ vỉa hè và chợ Thương xá
Hơn 20 năm sau, cái bồn kèn xưa được thay bằng một hồ nước trong xanh có bồn phun nước, rất mới mẻ. Những năm đầu thập niên 1970, quanh hồ có thêm hàng liễu, điểm xuyết thêm nét thơ mộng. Giới trẻ Sài Gòn đặt thêm cái tên Bùng binh Cây Liễu - một cột mốc ký ức ngay giữa trung tâm đô thị đông vui.
Tối đến, các vòi nước phun lên trong nhiều loại ánh đèn làm cho khung cảnh trở nên lung linh, đẹp mắt lạ kỳ. Những ngày cuối tuần, nam thanh nữ tú, trẻ già lớn bé thích dạo chơi quanh hồ. "Vừa ngắm ông đi qua, bà đi lại", vừa nghịch nước, vừa chụp hình kỷ niệm. Vui lắm, quý lắm, đây là hồ phun nước nằm giữa giao lộ duy nhất của trung tâm thành phố.
Quanh Bùng binh Sài Gòn là các khách sạn, rạp hát và thương xá lộng lẫy. Những cái tên Rex, Eden, Tax, Palace, Kim Đô, phòng trà Đêm Màu Hồng và Chợ Hoa, Đường Hoa Nguyễn Huệ lấp lánh mãi trong ký ức thành phố. Hồi nhỏ, tôi hay nghe mẹ tôi nói với những người bạn trong xóm: "Cuối tuần cứ ra Sạc-ne, cái gì cũng có". Hóa ra, đấy là phố Charner mà cũng là Thương xá Charner - những cái tên gọi từ thời Tây còn in bóng trong thế hệ trước. Nhưng tuổi trẻ đời sau hầu hết đều chỉ biết đấy là đại lộ Nguyễn Huệ.
"Cung điện" Charner ra đời năm 1924, sau này mang tên là Tax, bao lấy hai mặt đường chính là Nguyễn Huệ và Lê Lợi, mặt nào trên vỉa hè cũng tấp nập người lui tới. Tôi nhớ từ lúc mình còn nhỏ cho đến tận những năm đầu thập niên 1990, vỉa hè tại đây thường có các sạp hàng "dã chiến". Vỉa hè thương xá trở thành một loại Bazaar lộ thiên hay Flea market - chợ trời, rất quen thuộc ở các nước Âu Mỹ và Á Đông. Thuở đó, người ta bày bán đủ loại hàng gia dụng, quần áo, mỹ nghệ, hàng lưu niệm, đồ hộp...
Thời chiến tranh, chợ còn bán thuốc lá, kẹo bánh, vật phẩm tuồn ra từ các kho hàng của quân đội Mỹ. Mùa Noel đến, cùng với các kiôt đối diện trên đường Nguyễn Huệ, vỉa hè thương xá hóa thành chợ của đủ loại cây thông, hang đá, vật trang trí và đồ chơi. Hàng nhiều và rẻ, trả giá thoải mái nên dân Sài Gòn và du khách rất khoái ra Bùng binh Sài Gòn để "bát phố" và "chơi chợ".
Trong khi ấy, bên trong Thương xá Tax lại là một thế giới cao sang khác hẳn. Nổi bật ngay đại sảnh là chiếc cầu thang lớn hình chữ T diễm lệ. Lan can cầu thang được đúc bằng gang, chạm trổ kiểu cách. Còn tay vịn thì bằng kim loại bóng loáng màu đồng. Đầu hai tay vịn là tượng chú gà Gaulois được đúc tinh xảo. Thảm gạch trước cầu thang và gạch lót trên từng bậc thang là tuyệt phẩm hoa văn Mosaic quý hiếm.
Hàng hóa trong thương xá, theo cách nói xưa, phần lớn là các loại "xa xỉ", như đồng hồ, nước hoa, nữ trang, máy ảnh... Tất cả đều đặt trong các tủ kính, trưng bày trang trọng và chia theo từng khu vực chuyên biệt. Với những thằng bé như tôi ngày ấy, hàng hóa "bắt mắt" nhất, trong hay ngoài thương xá, đều là các loại đồ chơi.
Chúng tôi mê mẩn từ máy bay, xe tăng chạy pin cho đến khẩu tiểu liên Tommy Gun lấp lánh ánh lửa. Thêm nữa, trên cả tuyệt vời, là tiệm kem Pole Nord - Bắc Cực, nằm ngay góc phố, trông ra hồ phun nước. Quả là một thú vui không chỉ cho trẻ nhỏ khi được ngồi trong phòng máy lạnh, thưởng thức kem ngon, ngắm xe cộ và dòng người chuyển động quanh bùng binh muôn màu muôn sắc!
Cầu thang lót gạch Mosaic trong đại sảnh Thương xá Tax vào những ngày cuối trước lúc đóng cửa năm 2014 - Ảnh: PHÚC TIẾN
Bách hóa và Chợ Nga thời xa vắng
Sau tháng 4-1975, Thương xá Tax có lúc đổi tên là Bách hóa Thiếu nhi rồi Bách hóa Tổng hợp nhưng tiệm kem vẫn còn và chỉ dành phục vụ học sinh. Những năm 1976 - 1977, chúng tôi vào đây phải cầm thẻ học sinh mới được mua kem và bánh flan. Giá kem và bánh đều rẻ gấp 5 lần bên ngoài vì là giá "bao cấp".
Tiếc thay, vào giữa những năm thập niên 1990, tiệm kem góc phố không còn nữa khi nơi này trở lại tên cũ là Thương xá Tax. Người ta đổi vị trí tiệm kem thành cổng vào với hai cánh cửa kính lớn. Từ đấy, khắp thương xá được "bọc" trong máy lạnh, quầy kệ mới lạ, hàng hóa phong phú và có thêm siêu thị. Trên tầng ba và nóc thương xá, quán cà phê Highlands với cửa kính hình vòng cung nhìn xuống giao lộ là không gian nhỏ rất ấm cúng và thú vị.
Tuy nhiên, trước khi Thương xá Tax "tái sinh" huy hoàng, đã có một thời nó mang tên thân mật là Chợ Nga. Những năm cuối thập niên 1980, tôi đã vào "Chợ Nga" để làm phóng sự, ghi lại câu chuyện dân Sài Gòn "đánh hàng" quần áo và gia dụng sang Liên Xô và Đông Âu. Lúc ấy, các tầng lầu vừa là cửa hàng, vừa là kho hàng lớn.
Khách chính của "Chợ Nga" là ngoại kiều và du khách các nước, kể cả người đi công tác hay "xuất khẩu lao động" sang các nước XHCN. Vào đây, người ta bán trao tay thuốc lá, dược phẩm hay đổi tiền, đổi hàng nhiều kiểu. "Chợ Nga" sau đấy di dời nhiều nơi, hiện tại trở thành một thương hiệu và thực thể chính thức, hoạt động trong cao ốc 328 Võ Văn Kiệt, quận 1. "Chợ Nga" là một trong những dấu tích chòi đạp năng động của người Sài Gòn trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Vòng xoay bao giờ xoay?
Không ngờ bảy năm rồi, người dân Sài Gòn phải chia tay không những với Thương xá Tax mà cả hồ phun nước - biểu tượng cho Bùng binh Sài Gòn. Giữa tháng 8- 2014, một tuần trước khi thương xá đóng cửa để xây mới, nhiều người dân và du khách ùn ùn đổ về đây. Ai nấy không chỉ đến để mua bán mà còn chụp hình và quay phim, giữ làm kỷ niệm.
Tuần lễ đó, tôi và nhiều bạn bè thường ghé vào quán cà phê Highlands trên nóc tòa nhà. Chúng tôi ngậm ngùi chứng kiến hồ phun nước có tuổi đời 72 năm và cả hai hàng cây cao ở công trường Lam Sơn bị phá bỏ. Chẳng mấy chốc, cả Bùng binh Sài Gòn, đại lộ Nguyễn Huệ và đại lộ Lê Lợi trở thành một đại công trường bít bùng để làm Phố đi bộ và Metro. Sau hai năm "án binh", tòa nhà Thương xá Tax cũng đã "lên trời".
Đơn vị chủ quản hứa sẽ xây tòa nhà mới với hình dáng bên ngoài giống như nguyên gốc. Nhưng đến giờ, cả một góc phố vẫn chỉ là một bãi đất trống cô quạnh. Trước đó, khu Eden nằm đối xứng với Thương xá Tax ngậm ngùi "ra đi". Chúng được thay thế bằng khối nhà Vincom B, về sau đổi chủ, đổi tên là Union Square.
Và rồi, một năm sau hồ phun nước cũ "hóa kiếp" thành sân nhạc nước của Phố đi bộ. Năm 2019, vị trí này trở lại là hồ phun nước có biểu tượng hoa sen hồng. Giờ đây, khung cảnh tươi vui ánh đèn đa sắc vào buổi tối đã được tái tạo ở Bùng binh Sài Gòn. Nhưng toàn bộ cảnh quan xưa đã biến đổi lớn, không chỉ vì sự xuất hiện của các kiến trúc mới.
Vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi không còn xoay nữa vì xe cộ không thể qua lại như trước. Vòng xoay Nguyễn Huệ và Mạc Thị Bưởi gần đó cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Phải chăng Bùng binh Sài Gòn chỉ còn là vòng xoay ký ức, vòng xoay của những hoài niệm khôn nguôi khi thành phố bước vào thời kỳ bùng nổ "siêu đô thị", xây sửa quá nhanh chóng?
Hồi nhỏ, tôi hay nghe mẹ tôi nói với những người bạn trong xóm: "Cuối tuần cứ ra Sạc-ne, cái gì cũng có". Hóa ra, đấy là phố Charner mà cũng là Thương xá Charner - những cái tên gọi từ thời Tây còn in bóng trong thế hệ trước.
*********
>> Kỳ tới: Ở Cây Gõ mà nhớ Cây Gõ
Tôi nhớ mãi những năm hậu chiến đầu thập niên 1980, thằng bé Sài Gòn ra bùng binh Cây Gõ để bắt xe về vùng kinh tế mới miền Tây. Đó là lúc mùa tựu trường đến, kết thúc ba tháng hè thằng bé được rời miệt bưng biền về lại Sài Gòn thân quen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận