Các căn hộ ở chung cư Lò Gốm (Q.6) được thiết kế với nhiều lỗ thông gió - Ảnh: Ngọc Đông |
Theo kiến trúc sư người Pháp Charles Gallavardin, việc thông gió tự nhiên và hạn chế ánh nắng mặt trời là 2 trong số những tiêu chí cơ bản của kiến trúc sinh khí hậu, loại kiến trúc có khả năng giúp cắt giảm máy lạnh đáng kể.
Kiến trúc này cung cấp các thiết kế dựa trên nghiên cứu tác động của điều kiện khí hậu lên con người, ví dụ như thiết kế nhà ở theo hướng gió chính, hướng nắng nhằm chống nóng, chống ẩm…
“Có một vòng tròn lẩn quẩn là bạn càng sử dụng máy lạnh nhiều, khí hậu lại càng nóng bức, khí hậu càng nóng bức thì bạn lại phải xài máy lạnh nhiều”, Charles chia sẻ với Tuổi Trẻ về thực trạng thành phố Hồ Chí Minh.
Một trong những công trình nổi bật của Charles là khu chung cư tái định cư Lò Gốm ở quận 6.
Đầu năm nay, khu chung cư này còn được như là một điển hình trong “cuộc chiến” nhằm giảm tiêu thụ máy lạnh ở thành phố Hồ Chí Minh.
Chung cư Lò Gốm bên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm - Ảnh: Ngọc Đông |
Có gì đặc biệt?
Chung cư Lò Gốm nằm dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm là dự án cải tạo nhà ở xã hội cho những người sống dọc kênh Tân Hóa, được kiến trúc sư Charles Gallavardin và đội ngũ nhân viên Villes en Trasition, một tổ chức phi chính phủ của Pháp thiết kế.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào khu chung cư này là ánh sáng mặt trời tràn ngập và cảm giác thoáng mát khí trời.
Khu chung cư gồm 3 dãy nhà cao 3-4 tầng xếp thành hình chữ U, với tổng số 72 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2005, áp dụng lối kiến trúc sinh khí hậu với những đặc trưng như dãy hàng lang rộng cùng mái che lớn.
Theo kiến trúc sư Charles, mái che cùng hành lang rộng giúp hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào tường nhà, một nguyên nhân gây tăng nhiệt và làm không khí trong nhà trở nên nóng bức.
Ngoài ra, tất cả các nhà ở đây đều có 1 cửa lớn với nhiều lỗ thông gió, mặt sau nhà có ban công và cửa sổ lớn giúp ngôi nhà hứng được nhiều ánh sáng tự nhiên, đồng thời đảm bảo không khí được lưu thông xuyên suốt căn hộ, giúp điều hòa nhiệt độ, giảm tiêu hao năng lượng điện thắp sáng và làm mát.
Mái che lớn bên trên còn được thiết kế theo kiểu mái kép hai lớp, giúp không khi lưu thông dễ dàng.
Thiết kế thông gió và chống nắng của chung cư Lò Gốm - Ảnh: T3 Architecture Asia |
“Nhà tôi lúc nào cũng thoáng mát, nắng gió đầy đủ”, cô Quỳnh, một người dân sống ở dãy A1 của chung cư đã 12 năm cho biết.
Trong khi đó, gia đình anh chị Phạm Kim Nga, 36 tuổi, vừa chuyển về chung cư được vài tháng kể buổi tối mình không cần phải bật quạt để ngủ vì gió rất mát.
Gia đình chị Nga cũng không phải tốn nhiều tiền điện, do “ban ngày lúc nào nhà cũng sáng trưng”.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều hộ dân ở đây cũng phải… lắp máy lạnh cho nhà mình.
Nguyên nhân là vì sau nhiều năm, số lượng thành viên trong các gia đình đã tăng lên, có nhà đến 10 người, do vậy, họ cần xây lắp thêm phòng ốc hoặc cơi nới bằng việc xây thêm gác lửng trong nhà mình.
Kết quả là, những căn phòng tự xây (được phép) này trở nên ngộp và nóng bức và phải cần đến điều hòa nhiệt độ.
“Dẹp hẳn máy lạnh là một hành trình lâu dài, tuy nhiên, với những ngôi nhà được thiết kế thông gió tự nhiên, bạn sẽ chỉ phải bật điều hòa vào buổi chiều lúc trời nóng, hoặc là bật 24-25 độ, thay vì 18 độ, là cũng đủ mát rồi”, TKS Charles chia sẻ.
Tuy thông thoáng nhưng người dân vẫn phải dùng máy lạnh do xây thêm phòng kín - Ảnh: Ngọc Đông |
Kiến trúc mới mà cũ
Theo KTS Charles Gallavardin, lối kiến trúc này được người Việt Nam áp dụng từ lâu, đặc biệt là ở các vùng quê và Hội An, với mái ngói xếp lớp giúp hơi nóng lưu thông lên trên, mái hiên rộng, cùng sân trước và sân sau giúp không khí đối lưu dễ dàng.
Ngoài ra, kiểu kiến trúc này cũng có thể được nhìn thấy ở nhiều tòa nhà xây dựng từ thập niên 1970 tại Sài Gòn.
Hiện nay, ở các thành phố, do mật độ dân cư cao cùng đất đai đắt đỏ, người dân có xu hướng xây nhà san sát và dính lưng vào nhau để tận dụng hết diện tích đất của mình.
Điều này vô tình chặn đứng đường lưu thông của không khí, làm ngôi nhà trở nên bức bách, theo KTS Charles Gallavardin.
KTS Charles Gallavardin - Ảnh: Ngọc Đông |
Theo quan điểm của anh, không cần phải tận dụng hết diện tích đất đai, mà quan trọng là xây dựng sao cho hợp lý và khoa học, đủ không gian sống và mát mẻ, ví dụ có thể chừa một khoảng nhỏ thôi sau nhà mình.
“Ở Châu Âu, các ngôi nhà không xây dính lưng nhau mà chừa một khoảng sân sau cho gió lùa từ trước ra sau nhà”, KTS Charles giải thích.
“Với khí hậu nhiệt đới như ở Sài Gòn, việc xây hành lang và ban công rất quan trọng, đó là cách tốt nhất bảo vệ căn hộ ở tầng cao của bạn dưới ánh nắng mặt trời”, anh nói thêm.
Charles Gallavardin cho biết anh rất lấy làm khó hiểu khi rất nhiều tòa nhà cao tầng ở thành phố Hồ Chí Minh ốp kính hết các mặt, một điều anh cho là rất “kinh khủng” trong khí hậu nhiệt đới ở đây.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cũng nhận định đây không phải là lối kiến trúc mới ở Việt Nam, chỉ là khuynh hướng mới trong thời điểm hiện tại.
“Trước năm 1975, ở khu Thanh Đa người ta cũng làm hàng loạt chung cư như vậy, cao nhất là 5 tầng, có hành lang bao quanh nhà, ở giữa hai khối nhà còn có khe giếng trời”, KTS Ngọc Dũng chỉ ra.
Tuy nhiên, lý do lớn khiến thành phố hiện nay khó áp dụng lối thiết kế này là do đất đai quá đắt.
“Ai cũng muốn hành lang bao xung quanh để thông thoáng, nhưng mà đất đắt quá thì làm sao, nên thường người ta phải tiết kiệm”, ông Dũng giải thích. “Khoảng 40 năm trở lại đây, nhà phố tràn ngập vì lí do tiết kiệm là chính, người ta tận dụng buôn bán mặt tiền, tận dụng chỗ ở, chính vì vậy mà làm thành phố càng ngày càng nóng bức lên”.
“Thêm nữa là khí hậu nóng phải làm tường dày để chống nhiệt, trước đây tường nhà thường được xây dày từ 2 đến 3 tấc, bây giờ vì tiết kiệm nên người ta chỉ xây tường dày 1 tấc, tấc đất tấc vàng mà, chính điều đó khiến cho ngôi nhà bị ẩm thấp và nóng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận