01/07/2021 08:58 GMT+7

Sài Gòn không ít lần bị dịch và người Sài Gòn mở lòng không chỉ trong dịch bệnh

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN thực hiện
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN thực hiện

TTO - Khi y học thế giới chưa có vắc xin dịch tả, số người chết vì bệnh này tại Sài Gòn gia tăng nhanh chóng (5 ngày đầu tháng 3-1861, Nhà thương Chợ Quán ghi nhận 41/55 ca bệnh tử vong)...

Sài Gòn không ít lần bị dịch và người Sài Gòn mở lòng không chỉ trong dịch bệnh - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng ngừa đậu mùa ở Gò Vấp (tỉnh Gia Định) năm 1920 - Ảnh tư liệu

Xưa nay đặc tính của người Sài Gòn là bao dung, cởi mở, chấp nhận người lưu dân tứ xứ. Tinh thần đó hiện nay đang được phản ánh qua sự giúp đỡ người nghèo khổ, gặp khó khăn về kinh tế, công ăn việc làm do dịch bệnh...

Giữa lúc Sài Gòn đang chống chọi với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, từ Úc, TS Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ với Tuổi Trẻ xoay quanh vấn đề nội lực, truyền thống văn hóa, tinh thần ứng phó với dịch bệnh của người Sài Gòn từ trên cơ sở những sử liệu...

TS Nguyễn Đức Hiệp là chuyên gia môi trường và di sản tại Úc. Nhưng với độc giả trong nước, ông được biết đến với bộ 4 cuốn biên khảo Sài Gòn Chợ Lớn (các tiểu tựa: Nửa cuối thế kỷ XIX, Thể thao và báo chí trước 1954, Qua những tài liệu quý trước 1945, Ký ức đô thị và con người) và mới nhất là cuốn Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ canh tân 1875 - 1925.

Sài Gòn và dịch bệnh thời Pháp thuộc

* Thưa ông, ngay từ những ngày đầu người Pháp đặt chân đến Sài Gòn, một trong những điều họ quan tâm đó là các bệnh truyền nhiễm...

- Đúng vậy. Ban đầu, hai bệnh gây sợ hãi cho người Pháp là sốt rét và dịch tả. Vào giữa thế kỷ 19, ông d’Ormay - một y sĩ hải quân Pháp - đã có nghiên cứu, báo cáo tỉ mỉ về dịch tả, sốt rét và kiết lị, lao phổi... lây lan tại Nam Kỳ. 

Trước những tổn thất lớn lao mà dịch bệnh gây ra cho dân bản địa và người Pháp ở xứ thuộc địa, các bác sĩ Francois Laure, Albert Calmette, Alexandre Yersin đã đến Đông Dương để nghiên cứu và thiết lập các cơ sở giúp phòng và chống bệnh.

Tuy vào đầu thế kỷ 19 vắc xin bệnh đậu mùa đã được điều chế ở Anh, nhưng 50 năm sau đó, ở Sài - Gòn và Nam Kỳ, do thiếu thốn chăm sóc y tế nên dịch đậu mùa thường gia tăng vào tháng 3 hằng năm. Chỉ sau khi thành lập các cơ sở của Viện Pasteur ở Đông Dương thì người dân từ thành thị tới nông thôn Sài Gòn, Nam Kỳ mới có vắc xin chủng ngừa. 

Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) là nơi tiếp nhận chữa trị bệnh truyền nhiễm đậu mùa. Những năm dịch bệnh bùng phát mạnh thì các bệnh nhân được cách ly điều trị ngoài phạm vi Sài Gòn như tại Vũng Tàu (với thường dân) và Thủ Dầu Một (với quân nhân).

* Khi y học thế giới chưa có vắc xin dịch tả, số người chết vì bệnh này tại Sài Gòn gia tăng nhanh chóng (5 ngày đầu tháng 3-1861, Nhà thương Chợ Quán ghi nhận 41/55 ca bệnh tử vong)... Có thể nhìn lại để thấy phải chăng đã có lúc các bác sĩ Pháp tại Nam Kỳ cũng đã rơi vào bế tắc giữa làn sóng dịch tả (choléra) năm 1861?

- Bệnh dịch tả đã làm chết nhiều người trong suốt thế kỷ 19 do lúc đó khoa học chưa biết nguyên nhân, cơ chế truyền nhiễm, cách phòng ngừa và chữa trị.

Bệnh dịch tả đã gây thiệt hại kinh tế và đình trệ các chương trình xây dựng trong chính sách thuộc địa. Dự án đào kinh nối rạch Ô Môn (bờ sông Hậu) qua đầu sông Cái Bè đổ ra vịnh Xiêm La do khởi xướng năm 1896 đã bị dở dang vì dân phu bị nhiễm bệnh dịch tả do uống nước ao phèn.

Chỉ sau khi phát hiện ra nguồn nước nhiễm khuẩn là nguyên nhân lây lan dịch tả thì người ta mới biết biện pháp cách ly không giải quyết được vấn đề, mà cần phải khử trùng nước. 

Đến năm 1882, hệ thống cung cấp nước qua trạm và tháp nước ở quảng trường tháp nước (tại hồ Con Rùa ngày nay) cho thành phố Sài Gòn do kỹ sư Thévenet thực hiện được khánh thành. Người dân sử dụng nước từ nguồn máy bơm và tháp nước lấy từ giếng ngầm nên dịch tả không còn phát tác như trước.

Sài Gòn không ít lần bị dịch và người Sài Gòn mở lòng không chỉ trong dịch bệnh - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Đức Hiệp

Đặc tính của người Sài Gòn là bao dung, cởi mở

* Người Sài Gòn cũng đã kinh qua nhiều đợt sóng lớn của các "bệnh nhiệt đới". Vậy, sử liệu có cho thấy những phẩm chất gì đặc biệt của người dân thành phố này trong việc sống chung và chống chọi với dịch bệnh?

- Từ lúc lưu dân đến Sài Gòn và miền Nam đã phải đối diện với các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, đậu mùa, dịch tả, kiết lị, lao phổi. Dịch bệnh gây tử vong cao trong cộng đồng, nhất là trẻ em. Vào giữa thế kỷ 19, khi người Pháp đến Đông Dương, họ cũng chịu tổn thất lớn bởi các dịch bệnh này.

Ngay sau khi đến Sài Gòn lập Viện Pasteur, bác sĩ Calmette đã thực hiện các chương trình tiêm chủng bệnh đậu mùa ở Sài Gòn. Sự đóng góp của Viện Pasteur trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin càng ngày càng quan trọng đối với chăm sóc y tế, sức khỏe cộng đồng.

Năm 1927, ba viện Pasteur ở Sài Gòn, Nha Trang và Hà Nội đã sản xuất 36 triệu liều vắc xin (trong đó có 5 triệu liều vắc xin đậu mùa, 8 triệu liều vắc xin dịch tả) cho toàn Đông Dương, đủ tiêm cho 12 triệu dân. Đây là một kỷ lục. 

Sự đóng góp của các viện Pasteur ở Đông Dương vào y khoa được biết nhiều nhất khi bác sĩ Alexandre Yersin tìm được vi khuẩn dịch hạch qua quá trình nghiên cứu tại Hong Kong và miền Nam Trung Quốc.

Sau khi thấy được thành tựu của y học mà Viện Pasteur đã nghiên cứu và bào chế vắc xin, dân chúng ở vùng Sài Gòn và Nam Kỳ đã tin tưởng tham gia tiêm chủng. Ngày nay còn lưu lại hình ảnh trẻ em Sài Gòn năm 1891 đứng vây quanh bác sĩ Calmette chờ tiêm chủng, hay cảnh người dân đủ mọi thành phần xếp hàng đông đảo trước nhà hội đồng xã Hạnh Thông (Gò Vấp, tỉnh Gia Định) để chờ tiêm chủng bệnh đậu mùa năm 1920...

Trong lĩnh vực y tế, người Sài Gòn có tinh thần tuân thủ và trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng. Người ta cũng biết lo cho việc chung, như góp sức xây bệnh viện. Bệnh viện Chợ Quán, Bệnh viện Phụ sản Chợ Lớn... đều do phần lớn các nhà hảo tâm người Hoa, Việt và Pháp bỏ tiền và bảo trợ xây dựng.

Sài Gòn không ít lần bị dịch và người Sài Gòn mở lòng không chỉ trong dịch bệnh - Ảnh 3.

Bác sĩ Albert Calmette đang tiêm chủng bệnh đậu mùa cho trẻ em Sài Gòn năm 1891 - Ảnh: Bảo tàng Pasteur

* Kiểu sống quần cư với mật độ dân số cao, tập quán giao thương tự phát, thói quen thích tụ tập và giao du trong cộng đồng đã được xem là nguyên do gây ra các đợt bùng phát dịch trong quá khứ. Nhưng văn hóa cộng đồng có tính "duy tình" như vậy cũng sinh ra các biểu hiện tương ái trong lúc nguy nan. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đây là vấn đề văn hóa cách sống của mỗi nước hay địa phương. Dĩ nhiên trong điều kiện sống giao lưu nhiều, quần cư mật độ cao sẽ là điều kiện phát tán virus nhanh chóng khi có đại dịch (nhất là như COVID-19 lây nhiễm qua đường không khí, giọt bắn lúc tiếp xúc gần).

Người Sài Gòn có tính thực tế cao. Những việc làm gì mang lại kết quả thì họ áp dụng. Họ tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin. Như trong đại dịch COVID-19, có thể thấy người Sài Gòn rất tuân thủ cách ly, tham gia phòng dịch và sẵn sàng tiêm chủng để mong đời sống trở lại bình thường. Hy sinh lợi nhỏ trước mắt để được tốt đẹp trong tương lai.

Xưa nay đặc tính của người Sài Gòn là bao dung, cởi mở, chấp nhận người lưu dân tứ xứ. Tinh thần đó hiện nay đang được phản ánh qua sự giúp đỡ người nghèo khổ, gặp khó khăn về kinh tế, công ăn việc làm. Họ làm tự phát và cũng không màng đến tăm tiếng. Không phải chỉ trong đại dịch mà họ làm việc này thường ngày.

* Ông vẫn tiếp tục với những biên khảo về Sài Gòn trong quá khứ? Dịch bệnh có tác động tới công việc của một nhà biên khảo?

- Vâng, tôi vẫn tiếp tục biên khảo về Sài Gòn nhưng chậm hơn so với các năm trước. Tôi đang biên khảo về đề tài "Sự hình thành và phát triển văn học và học thuật chữ quốc ngữ ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ 1870 đến 1945".

Dịch bệnh hiện nay không có tác động đến công việc nghiên cứu của tôi, mặc dù có hơi cô đơn, ít tiếp xúc với bạn bè so với trước kia.

Đại dịch mới quá và lớn quá nên ta chưa thấy hết mọi hệ quả của nó Đại dịch mới quá và lớn quá nên ta chưa thấy hết mọi hệ quả của nó

TTO - Nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả Nguyễn Tường Bách trò chuyện với Tuổi Trẻ về quan điểm, chia sẻ chiêm nghiệm của một nhà khoa học, một tác giả, dịch giả trước cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu...

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp