Ông Trần Anh Tú - Ảnh: S.H. |
“Nếu Sài Gòn FC trình diễn thứ bóng đá đẹp, cống hiến thì tôi tin khán giả sẽ đến sân đông |
Nếu Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đồng ý cho đội Hà Nội đổi tên thì TP.HCM sẽ có hai đội là Sài Gòn FC (thi đấu ở V-League) và CLB TP.HCM (thi đấu ở Giải hạng nhất).
Ông Tú đưa ra quan điểm về chuyện này: “Tôi cho rằng TP.HCM có hai đội bóng là tín hiệu tốt bởi TP.HCM luôn là môi trường tốt để các nhà đầu tư tìm đến. Cho nên khi tâm tình với cầu thủ, tôi thường nói với họ là lương sẽ cao, thưởng sẽ nhiều hơn nếu các bạn chơi tốt để kéo thêm nhiều nhà tài trợ đến với đội bóng đá TP.HCM”.
* Ông có nghĩ rằng người hâm mộ TP sẽ dễ dàng chào đón và đến sân đông để cổ vũ cho Sài Gòn FC?
- Tôi nghĩ ban đầu mọi thứ thường không dễ dàng. Nếu Sài Gòn FC trình diễn thứ bóng đá đẹp, cống hiến thì tôi tin khán giả sẽ đến sân đông. TP hiện có rất nhiều người Hà Nội sinh sống, do vậy họ sẽ đến sân để xem CLB này chơi như thế nào rồi mới tính chuyện lâu dài rằng yêu hay không yêu, đón nhận hay quay lưng.
Một pha bóng trong trận TP.HCM (phải) gặp FLC Thanh Hóa ở trận khai mạc Cúp quốc gia 2016 cuối tuần qua - Ảnh: Anh Hoàng |
* Ông nói rằng TP.HCM là môi trường kinh doanh tốt. Vậy theo ông, Hà Nội FC chuyển vào và thay đổi phiên hiệu thành Sài Gòn FC có phải là một hình thức kinh doanh trong giai đoạn mới?
- Mỗi CLB chuyên nghiệp được quản lý bởi một công ty cổ phần hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Theo tôi biết thì việc đội chuyển vào TP là do yêu cầu của các cổ đông, có thể đó là một hướng phát triển mới để phù hợp với việc kinh doanh. Trong thâm tâm, tôi nghĩ rằng Sài Gòn FC sẽ bám chặt và có định hướng phát triển nghiêm túc, lâu dài ở TP chứ không theo kiểu “ăn xổi ở thì” như cách làm của Xuân Thành Sài Gòn hay Navibank Sài Gòn trước kia. Nếu điều đó đúng thì bóng đá TP có thêm cơ hội phát triển bền vững hơn.
* Trở lại với CLB TP.HCM, HFF đề ra mục tiêu đội bóng này sẽ giành quyền lên chơi V-League mùa bóng 2017. Cơ sở nào để ông đặt niềm tin lớn như vậy?
- Lộ trình mà HFF vạch ra thì đội bóng đang đi đúng hướng. Từng mùa bóng qua đi, cầu thủ, HLV và bộ máy quản lý của đội càng có thêm nhiều kinh nghiệm để từng bước đi theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp bài bản, khoa học hơn. Dựa trên sự đánh giá về tiềm lực tài chính cũng như năng lực chuyên môn của các đối thủ, chúng tôi nhận thấy đội TP.HCM không thua kém hoặc có khoảng cách lớn về chuyên môn nên HFF quyết định dồn hết sức lực, có sự chuẩn bị tốt nhất để chinh phục cái đích cuối cùng là suất thăng hạng chuyên nghiệp.
* Bài toán chi phí mùa này với đội TP.HCM được giải quyết thế nào, thưa ông?
- Mùa này, chi phí dành cho đội bóng là 20 tỉ đồng, cao gấp đôi mùa trước. Chúng tôi đặt ra mục tiêu thăng hạng nên thường xuyên gặp gỡ, động viên, giáo dục cầu thủ phải thi đấu trung thực, sòng phẳng, hết mình để xứng đáng với lòng kỳ vọng của người hâm mộ lẫn nhà tài trợ. Các năm qua, kinh phí không dồi dào nhưng HFF chưa từng chậm trả lương dù chỉ một ngày. Lương tháng tương xứng với công sức cũng như trình độ của mỗi cầu thủ, do vậy dù không có tiền chuyển nhượng khi ký hợp đồng nhưng nhiều cầu thủ vẫn xin về đầu quân.
Năm nay, đội bóng nhận được khoảng 7 - 8 tỉ đồng do Nhà nước chi trả tiền công lao động, tập luyện và tiền ăn ở di chuyển cho cầu thủ, HLV. Hơn chục tỉ còn lại, HFF vận động từ nhà tài trợ chính Thái Sơn Nam. Có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề tài trợ, nhưng HFF khước từ bởi họ muốn nhúng tay sâu vào việc quản lý đội bóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận