Thấy tôi ngạc nhiên hỏi sao phải dậy sớm quá vậy, cái giờ nhiều người thành phố mới bắt đầu vào giấc ngủ, chị Mến lại cười: "Thì anh tính coi, nấu bốn, năm loại xôi như vầy mà không thức dậy lúc 1 giờ thì làm sao nấu kịp. Khách của tôi đa số là công nhân, người lao động chân tay đi làm trước 7 giờ, mình phải kịp bán cho họ chứ".
Gói xôi bình dân cho người lao động
5 giờ sáng, đèn đường vẫn còn hắt bóng dọc đường Trần Văn Giàu, đoạn từ ngã tư Tên Lửa đến Khu công nghiệp Tân Tạo và nhà máy PouYuen (quận Bình Tân, TP.HCM). Những người có việc đi sớm đã có thể dễ dàng mua gói xôi lót dạ với giá thật rẻ 5.000 đồng. Hầu như ai thích ăn xôi gì cũng có, từ xôi đậu phụng, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ đến xôi nếp cẩm, xôi gấc, xôi vò, xôi bắp... Ai muốn ăn một loại xôi hay thập cẩm nhiều loại trong một gói cũng có, và đặc biệt là vẫn chỉ với giá 5.000 đồng.
Người lớn tuổi cần kiêng ngọt thì đã sẵn muối mè, đậu phụng để đậm đà gói xôi. Người trẻ có thể ngon miệng với xôi rắc đường cùng cùi dừa nạo mỏng. Tiếng cười nói, tiếng hỏi han nhau vui nhộn trên đoạn đường lúc này vẫn còn thưa thớt người xe qua lại. Hình như nhiều người là khách mối đã thân thiết các cô bán xôi. Chỉ cần họ vừa rà xe dừng lại là cô hàng đã nhanh tay làm gói xôi đúng loại thích và đúng giá mà chẳng cần phải hỏi han.
Gần 6 giờ sáng, đường phố bắt đầu đông dần và các cô bán xôi cũng xuất hiện nhiều hơn. Chỉ đoạn đường ngắn tầm hơn 500m đã có đến hơn chục cô bán xôi trên hè đường, chưa kể còn nhiều cô đứng ngay trước cửa nhà máy để bán cho công nhân vào cổng làm việc ca sáng...
Nhìn những phụ nữ gầy gò như chị Phùng Thị Mến mỗi sáng sớm đứng bán xôi trên đường mà cảm nhận được sự cần lao đáng quý của những người nghèo khó mưu sinh thiện lương ở thành phố đông dân này. Mỗi gói xôi chỉ bán giá 5.000 đồng, thanh niên ăn khỏe lắm cũng chỉ 10.000 đồng. Ấy vậy nhiều người như chị Mến không chỉ nuôi mình mà còn nuôi được cả con cái học xong đại học nhờ thúng xôi nhỏ bé bên đường của mẹ.
Quê chị Mến ở đồng lúa Mộ Đức, Quảng Ngãi. Vợ chồng và hai đứa con không thể sống đủ nhờ mảnh ruộng nhỏ, nên hơn 10 năm nay chị đã vào TP.HCM kiếm thêm nguồn thu nhập nuôi con. Trải qua vài việc bấp bênh, chị được bày kế bán thúng xôi bình dân và rồi gắn luôn với việc mưu sinh này suốt chục năm nay. Bán gần các nhà máy đông công nhân, chị Mến có lượng khách ổn định và dần kéo được luôn cả người em gái ở quê vào cùng mưu sinh với thúng xôi. Đặc biệt khi cậu con trai thi đậu Đại học Giao thông vận tải, chị đã dẫn con vào luôn TP.HCM ở trọ cùng mẹ và tiện cho chị nuôi con ăn học.
Đó cũng là thời điểm đại dịch, thành phố gặp vô cùng khó khăn. Những thân phận nghèo khó buôn thúng bán bưng ngoài đường lại càng khó khăn hơn, ấy vậy mà chị Mến vẫn bươn chải nuôi được con tốt nghiệp đại học. Buổi sáng, tôi ghé mua gói xôi, chị vui vẻ khoe: "Con tôi có việc làm rồi anh ơi. Nó còn mới gửi được tiền cho em đi học ở quê và mua cho mẹ hộp sữa vì thấy tôi ốm quá".
Một ngày làm việc của những người bán xôi thường phải bắt đầu từ lúc nửa đêm để thực hiện việc nấu nướng. Còn một số người đã thạo việc như chị Mến có thể dậy trễ hơn một chút, vào lúc 1h - 2h sáng, vì họ đã biết sắp đặt sẵn nên dậy làm nhanh hơn. 4h30 sáng, tôi gặp chị Nguyễn Thị Dung đã bày thúng xôi trên yên sau xe đạp ở vỉa hè đường Trần Văn Giàu. Vừa sắp đặt, chị vừa cười nói: "Tầm sớm này cũng có người mua xôi của tôi đó. Những người tập thể dục sớm hay những người đi làm khuya như tài xế xe Grab, xe tải chở hàng và cả những người đi gom rác, quét đường trước lúc trời sáng...".
Ngày mới mưu sinh lúc 1 giờ sáng
Đã ngoài 50 tuổi và từ Hậu Giang lên thành phố bán xôi gần 30 năm, chị Dung cũng như chị Mến thức dậy lúc 1 giờ sáng để bắc bếp các chõ xôi. Họ dùng chõ lớn, nấu được mấy loại xôi cùng lúc, nhưng cũng phải nấu mấy chõ mới có thể đảm bảo 5, 6 loại xôi đủ khẩu vị khách ăn. Trong thời gian thức nấu xôi, họ cũng nhanh tay xào tôm khô, lạp xưởng cho xôi mặn, làm muối mè, nạo dừa xôi đậu... "Tụi tôi quá nhiều kinh nghiệm rồi, làm không bao giờ bị hỏng thì dậy từ lúc 1h - 2h sáng là kịp. Còn những người mới vào bán, phải thức từ lúc 0 giờ, thậm chí phải nấu từ đêm hôm trước mới kịp. Nhưng nấu sớm như vậy thì xôi không ngon được", chị Dung kể.
Cô hàng xôi đứng tuổi này cho biết tầm 4 giờ sáng đã hoàn tất chuyện bếp núc để dỡ xôi vào thau chuẩn bị đi bán. Chị vội rời khỏi nhà để tầm gần 4h30 sáng thúng xôi còn bốc khói nóng nghi ngút đã có mặt ở vỉa hè quen thuộc. Tuy nhiên, thật ra nếu tính kỹ thì công việc của chị Dung đã bắt đầu từ chập tối đêm trước khi chuẩn bị các thứ như ngâm nếp, đậu và các nguyên liệu cho xôi mặn, xôi ngọt, giấy gói...
Dọc theo các đoạn đường gần nhà máy, có cô bán xôi bày hàng từ lúc gần 5 giờ, có cô lúc gần 6 giờ, nhưng tất cả phải chắc chắn có mặt ở điểm bán trước lúc mặt trời mọc, thời điểm công nhân trên đường vào ca làm việc buổi sáng. Nếu trục trặc gì đó mà đi bán trễ hơn, họ sẽ mất nhiều khách thường lót dạ bằng bữa sáng bình dân này.
Sau 7 giờ sáng, lượng khách chính của họ là công nhân không còn trên đường nữa, nhưng họ vẫn nán lại đứng bán tại điểm quen thuộc ở vỉa hè đến hơn 8 giờ cho khách vãng lai. "Gần đây nhiều người là dân làm việc văn phòng, làm việc Nhà nước cũng hay ghé mua xôi. Hình như thời buổi khó khăn, người ta đã phải tính toán giữa tô phở 50.000 đồng hay gói xôi 5.000 đồng cũng tạm đủ no buổi sáng", chị Dung kể. Riêng những người như chị Dung, chị Mến chở thúng xôi ra vỉa hè từ lúc mới hơn 4 giờ sáng là để cố gắng kiếm thêm ít khách hàng thời điểm mặt trời chưa mọc này. Có người ráng ra đường sớm vì cần thêm ít tiền xoay xở cho con cháu, nhưng cũng có người đã quen bán giờ sớm đó rồi, "bởi có nằm nhà cũng không ngủ được".
Mặt trời dần lên cao, đồng hồ chỉ gần 9 giờ sáng, cô nào may mắn bán hết xôi thì vui vẻ ra về. Nhưng hầu hết đều còn nhiều và họ lại tiếp tục đạp xe đi bán dạo trên những cung đường quen thuộc hay có người đã quen mua của họ.
Những tiếng rao mộc mạc "ai xôi đậu, xôi mặn đây" văng vẳng thân thương giữa đường phố nhiều người xe qua lại.
Hôm nào bán hết trong buổi sáng, những người như chị Mến, chị Dung lại tất tả về phòng trọ nấu tiếp chõ xôi mới để kịp bán buổi chiều. Chị Hà Thị Hạnh (49 tuổi, quê Vĩnh Phúc) hay bán xôi ở cổng Khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết: "Nếu thúng xôi sáng bán hết sớm, chúng tôi tranh thủ nấu tiếp để bán thêm nửa thúng xôi nữa vào chiều tối. Một thúng xôi lời được khoảng 300.000 - 400.000 đồng cũng đủ đắp đổi qua ngày. Hôm nào bán được thúng rưỡi thì dè sẻn dành dụm được chút ít để bữa bán may bù bữa ế".
Mỗi tối, các cô hàng xôi thường về nhà trọ sau 19 giờ, vệ sinh, ăn uống nhanh rồi đi ngủ sớm để có thể thức dậy lúc 1 giờ sáng mà bắt đầu một ngày mưu sinh mới.
************
5 giờ sáng, họ đã đổ mồ hôi trên đường theo những bước chạy, vòng đạp xe để rèn luyện sức khỏe. Nhiều người vui vẻ ca hát trên những công viên, những cung đường mát mẻ, còn vắng người xe qua lại.
>> Kỳ tới: Những bước chạy, tiếng cười vui lúc bình minh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận