"Cưng mua chị lấy 40.000 đồng thôi, này mối quen mới đem tới luôn đó", vừa nói chị vừa giơ cây đèn LED dài bằng ngón tay lẹ làng rọi vô món hàng.
Chàng bán kẹo kéo ưng bụng, vợt thêm một đôi giày 50.000 đồng chưa sứt mẻ gì rồi vui vẻ ra về.
"Mua đi, rẻ rề hà"
Khu bán đồ lạc xoong nơi góc đường Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) này thường bắt đầu bán từ 4h sáng, nhưng nhiều gian hàng cũng đã mở từ tối muộn tới tận 7h hôm sau khi ông mặt trời vừa rọi vào mặt.
Giản đơn như thế nhưng đây là thiên đường mua sắm sôi động nửa khuya về sáng của những ca sĩ kẹo kéo, người tan ca đêm, hoặc anh xe Grab điệu đà cần mua dầu thơm đi đám cưới.
Người bán kẹo kéo tên Hà, sau một đêm hát rong thì ghé vào quầy lạc xoong của vợ chồng chị Phương. Anh nói cứ vài ngày lại ghé, lựa trong mớ mỹ phẩm xem có món gì giúp mình thăng hạng nhan sắc không.
Khu này cũng là địa chỉ quen thuộc của đồng nghiệp anh. "Ai cũng có nhu cầu làm đẹp. Người nhiều tiền thì vô shop, ít tiền thì ghé đây. Bữa nào xí được món gì xịn xịn mừng hết lớn", anh bộc bạch.
Bên kia tấm bạt là một cô gái độ tuổi đôi mươi, vừa tan ca từ một quán nhậu.
Vẻ mặt mệt mỏi sau lớp son phấn, cô chọn một chai dầu thơm chữ tiếng Anh, chất lỏng ánh bạc chỉ còn lót đáy. "Này 30.000 đồng thôi gái.
Chai này mùi đã lắm, xịt lên áo cả tuần vẫn còn thơm", chị Phương giới thiệu. Cô chốt hàng, và cho biết nhìn vậy thôi chứ xài cũng hơn tuần. Người bán dặn với theo: "Xài xong đem chai ra chị thu lại 20.000 đồng. Mấy vỏ chai này dễ bán".
Gần đó là gian hàng của ông Chín Già (60 tuổi). Đuôi tóc bạc thòi ra dưới chiếc nón lưỡi trai, người đàn ông kiệm lời cặm cụi đánh bóng đôi bốt da mới tậu về. Đèn đường hắt lên mặt ông nét khắc khổ sương gió.
Đồ ông bán chủ yếu là quần áo cũ, giày dép, trang sức, phụ kiện điện thoại. Sau khi khách hỏi dăm ba câu xua đi cơn buồn ngủ, ông trở nên hoạt bát: "Mua đi, rẻ rề hà. Thấy vậy chứ bền lắm. Chân anh cỡ đó đi đôi bốt này đẹp nè".
Ông hất cằm chỉ một đôi giày thể thao rồi nói: "Đôi này hàng hiệu đó, tôi chưa kịp chùi rửa nên lấy anh 50.000 đồng thôi. Bị rách miếng bên trong, mang vô đâu ai thấy". Kết quả, một người đàn ông chừng 50 tuổi bỏ bọc đôi giày mang về.
Nửa đêm về sáng, đừng tưởng khách mua đồ lạc xoong chỉ có những người mỏng túi! Lâu ngày thành ghiền, nhiều người thuộc đủ thành phần cũng ghé vào. Anh Tuấn Khanh (53 tuổi, ngụ quận 4) nói hôm nào nếu không bận gì sẽ ra đây nghía món nọ món kia.
Anh thuyết một hồi về cách phân biệt hàng thật giả, và hào hứng khoe mình săn được mặt dây nịt "Gu Xì" hàng real (thật) giá 500.000 đồng, "chỉ cần mua sợi dây da gắn vô là ngon ơ, bán lại mấy triệu bạc khỏe re".
Kế sinh nhai và đam mê
Nơi đây có hơn chục quầy lạc xoong tương tự. Gọi là quầy cho sang, đó là những tấm bạt trải trên hè phố, bày biện vốn liếng của những người trót gắn với nghề bán đồ cũ.
Khi được hỏi khu này có từ lúc nào, họ cho biết từ hồi trẻ ra đây bán đã thấy xôm tụ rồi. Có người ban đầu chỉ là một góc tấm bạt với vài món loe ngoe, sau bán được hơn thì mở rộng diện tích.
"Hồi đó nhiều người bán lắm, trải bạt hai bên đường luôn. Giờ buôn bán khó khăn nên người ta nghỉ bớt", bà Hóa (65 tuổi, một chủ hàng) cho biết.
Chuyên mặt hàng giày thể thao và nón bảo hiểm, bà trải lòng: "Hàng tôi lấy từ nhiều nguồn. Mỗi món lời 5.000 - 10.000 đồng chứ không nhiều, gom gom cũng đủ sống. Tôi bán mà buồn ngủ thì chui vô cái dù ngủ đỡ".
Góc bên kia, chị Phương chỉnh lại ngọn đèn, ánh sáng hắt lên mớ đồ đạc thành từng ô đậm nhạt. Bán hơn hai năm, chị cho biết khách ghé mua lai rai, trong đó xôm tụ nhất khoảng 2h - 3h sáng.
"Thời gian này mấy cô tan làm, mấy cậu kẹo kéo, hát lô tô hay ghé vì ban đêm họ đi hát tới giờ đó thì về. Ai thích gì lựa nấy, không mua cũng vui vẻ", chị nói. Chị thuê trọ ở hẻm gần đó với giá 100.000 đồng/ngày để tiện buôn bán.
Được săn đón ở khu này là những chai nước hoa, vì có lẽ mùi thơm của chúng có thể nâng người ta lên thứ bậc mới. Tiếp đến là son môi, kem nền, dầu gội...
"Có khi người mua chỉ cần một cái nút áo. Hôm bữa có chị kia ghé lựa một hồi, ưng cái nút gắn kim tuyến, giống kiểu hồi xưa nên quý lắm", chị nói.
"Ông xe ôm bên kia điệu lắm nghe, không có tiền mua mà cứ qua đây lấy dầu thơm xịt miết", chị cười giòn. Có người còn đùa, mai mốt chừng nào đi đám cưới ghé xin xịt ké.
Với ông Chín, cái nghề lấy đêm làm ngày này giúp ông nuôi mấy người cháu ăn học thành tài bằng cách đều đặn gửi tiền, gửi quần áo cũ về quê ở Huế. "Mấy đứa nó đâu cho tôi bán nữa đâu, nói hoài vì sợ tôi cực nhưng còn khỏe tôi cứ bán.
Tối nào tôi cũng đạp xe chở đồ từ quận 4 qua đây", ông kể. Còn bà Hóa hiện đang sống với người cháu ngoại 14 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà nuôi thêm chú chó tên Bưởi để bớt hiu quạnh và phụ canh chừng đồ đạc.
Đội lại chiếc nón len nãy ngủ gật làm rớt, chị Phương xắn tay áo, ăn vội cái hột vịt lộn cho ấm bụng rồi sắp xếp mớ đồ khách làm xáo trộn.
Còn ông Chín sau một hồi bật mấy bài hát về gia đình cho đỡ buồn ngủ và đỡ nhớ người mẹ già đã mất, tu ực chai nước để chuẩn bị đón lượt khách mới.
Riêng vợ chồng ông Nguyễn Thành (74 tuổi) lúc 4h sáng mới bắt đầu bày hàng là mớ quần áo cũ đã giặt sạch, xếp gọn, giá từ 30.000 đồng/cái.
Hai vợ chồng bán từ lúc đầu xanh đến nay tóc đã bạc, nuôi bốn người con khôn lớn và trở thành một trong những chứng nhân của khu phố lạc xoong này.
Trời dần về sáng, phố phường xôn xao người xe. Những người bán đồ lạc xoong vẫn ngồi lặng lẽ bên hè phố, trao cho người cần những thứ tưởng chừng không còn sử dụng được nữa.
Qua bàn tay chăm chút của họ, món đồ trở nên tươm tất, như đôi bốt mà ông Chín Già miệt mài đánh bóng ban nãy.
Khu bán đồ lạc xoong thường là mối hàng của những người gom ve chai. Ông Ba Khánh (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) sau mấy đêm nhặt nhạnh, lựa ra được 4 - 5 vỏ chai dầu thơm lạ mắt, vài cây son và dây chuyền mỹ ký.
"Tôi có mối quen là mấy cô hay làm mẫu sản phẩm, xài một lần rồi bỏ nên tôi dặn chừng nào có thì điện tôi tới lấy", ông cười. Ông nhận chút tiền từ một chủ hàng lạc xoong rồi đạp xe về. Mua bán với mấy mối khu này đã lâu, ông đúc kết: "Món đồ gì dù cũ mới cũng có giá trị của nó. Cứ tìm đúng nơi cần là sẽ có người mua", ông nói.
Tương tự, nhiều người trong đó có người chạy xe ôm, nhặt ve chai, buôn đồ cũ... cũng thường ghé trao đổi những món đồ kiếm chút lời. Gian hàng của chị Phương, ông Chín Già do đó giống như trung gian mua bán.
Khi chúng tôi trò chuyện với ông Khánh, sát bên là một người đàn ông tóc điểm bạc căng mắt kiểm tra mấy đôi bông tai mà khách vừa đem tới xem gắn đá thiệt hay dỏm. Ông cười xòa, cho biết mình chạy xe ôm gần đó, ghé riết rành nghề và hay xem phụ chủ gian hàng cho đỡ buồn.
****************
1 giờ sáng là lúc các cô bắt đầu một ngày mưu sinh mới với những chõ xôi bắc lên bếp nấu để kịp bán trước khi công nhân vào ca. Cơ cực vậy mà nhiều người đã nuôi con vào đại học...
>> Kỳ tới: Những chõ xôi lúc 1 giờ sáng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận