15/12/2023 10:27 GMT+7

Sài Gòn dậy sớm - Kỳ 2: 3 giờ sáng và xe ve chai ông Dũng 'còi'

3 giờ sáng, sau giấc ngủ ngắn gần một cây xăng trên đường Trần Quang Diệu (quận 3, TP.HCM), ông Quốc Dũng (54 tuổi) lụi cụi đẩy chiếc xe ba bánh đi gom ve chai.

Ông Dũng lượm ve chai trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH

Ông Dũng lượm ve chai trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH

Vóc người nhỏ thó, ông kiên nhẫn một mình trên đường khuya, gom từng vỏ lon nước ngọt, chai nhựa bỏ vô cái bao phía trước xe.

Đường phố là nhà

Hơn 30 năm nay, ông gần như đã đi khắp các ngả đường các quận trung tâm mưu sinh lặng thầm. Điều đặc biệt là ông không than trách số phận, rất dễ cười dù bản thân là đứa trẻ mồ côi có tên không có họ. Bên cạnh ông chỉ có hai chú chó Đen và Nâu mà ông coi như con mình.

Bắt đầu từ cây xăng, ông quẹo qua đường Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) rồi qua khu Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)... Nở nụ cười với hàm răng sún mấy chỗ, ông giũ giũ miếng bìa giấy, nói: "Tôi đi lượm đêm vì trời mát. Bữa nào trời mưa phải chịu khó dầm, hơi cực nhưng bù lại gom được nhiều hơn do ướt át người ta ít đi lượm". Dứt lời, ông tiếp tục ngó vào những góc vỉa hè tìm "kho báu" ve chai.

Gặp mấy lần, chúng tôi hay thấy ông trong bộ đồ vía là chiếc áo màu xanh sờn và quần lửng, đôi dép tổ ong mòn mỏng dính. Và ngôi nhà di động của ông là chiếc xe đẩy có mái che, gắn chiếc quạt nhỏ và kệ đựng nồi chảo, xà bông...

Trời dần về sáng, từng đợt gió nghe chờn lòng và khiến đôi mắt ríu lại. Thành phố bắt đầu một ngày mới. Ông soạn lại những gì mình gom được mấy ngày qua để lát nữa ghé bán ở vựa ve chai mối ruột cách đó chừng cây số.

Ông vui vẻ thật thà: "Tôi hay đi lượm giấc chiều, rồi nghỉ, khuya lại đi tới sáng. Chừng nào buồn ngủ quá thì để xe một góc, thả tấm bạt che gió rồi nằm trên thùng xe. Ngày tính ra được mấy chục ngàn đồng, có khi hẻo hơn".

Trong nghề nên ông rành giá cả những món đồ bỏ đi này, và hay nói giờ khó mà vô mánh vỏ lon bia giá 30.000 đồng/kg, hay sắt gân xây dựng giá từ 9.000 đồng/kg. Thùng giấy thì phải khô mới bán được. Nghe ông tính toán, chắt mót thấy thương.

Ân tình người thành phố

Ông Dũng nói rằng mảnh đất này có nhiều ân tình với mình. Nghe kể sinh đẻ đâu đó ở tỉnh Vĩnh Long rồi trôi dạt lên thành phố từ hồi mới biết chạy nhảy, ông được một nhà dòng nhận nuôi, cho học chữ. Lên 6 tuổi, cậu nhóc Dũng cùng 5 - 6 đứa trẻ trạc tuổi mình bắt đầu cuộc đời gió bụi.

"Tôi dạt lên khu Bến Thành, làm đủ nghề để có cái ăn. Đánh giày, bán báo, phụ quán ăn... tôi đều làm rồi. Có lúc bị ăn hiếp, bị bụi đời đánh, kể sao cho hết", ông bộc bạch. Dù vậy, ông nói rằng người tốt cũng nhiều.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là lần nằm viện nửa năm hồi còn trẻ. "Khuya đó tôi nằm trước cửa một ngôi nhà ở quận 10 ngủ, tự nhiên đau tim, đau ngực, tê giò. Lúc đó tôi lấy hơi rướn lên, tưởng tiêu rồi thì lơ mơ nghe tiếng chủ nhà hỏi mình, rồi được chở đi bệnh viện bên quận Tân Bình cấp cứu, còn cho 2 triệu đồng", ông xúc động kể. Lần đó, ông may mắn được vợ chồng vị bác sĩ trưởng khoa cứu giúp qua cơn nguy kịch, nằm viện không mất tiền.

Giờ đây thi thoảng khi đẩy xe mệt, ông hay thở dốc và nghe nhói nhói ở ngực như có người đấm. "Sau lần đó tôi trở lại bệnh viện thăm hai vợ chồng bác sĩ để cảm ơn. Không có họ chắc tôi thăng thiên rồi".

Gom ve chai lâu năm, ông có nhiều mối quen. Một số người thương tình hay để dành đồ lặt vặt, được kha khá thì điện ông tới lấy. Ông cười: "Họ thường gọi tôi trước một ngày. Tôi sẽ canh quãng đường, tối đi lượm lòng vòng xong thì ngủ gần nhà họ để sáng sớm nhận đồ. Chứ ban ngày người ta đi làm, bận bịu đâu có thời gian chờ mình".

Ngồi nghỉ mệt, ông cho biết trước đây đi bộ lượm, rồi chuyển sang đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm. Sau đó nhặt con Đen về nuôi, ông sắm cái xe đẩy trụi lủi. Thấy vậy, một người tốt bụng thương tình gắn cho ông cái mái che trước mùa dịch COVID-19. Ông cải tạo lại, gài thêm lưới, làm ngăn cất mền gối và đồ dùng.

"Thương hai đứa nó (hai chú chó) nên tôi mới xài cái xe này, chứ xe này không vô hẻm lượm được, toàn ăn mót của người ta đó chớ", ông cười.

Chỉ tay lên nóc xe, ông hào hứng: "Người ta còn lắp cho tôi tấm pin mặt trời. Nhờ vậy tôi có điện xài quạt máy, sạc điện thoại, xài bóng đèn. Coi vậy chứ tiện lắm nghe". Ban đêm, ông tắm giặt ké ở một tiệm rửa xe gần cây xăng mà mình hay nằm ngủ.

Trường đời đã dạy ông nhiều thứ, kể cả cách dùng đồ công nghệ. Mạng xã hội, hội yêu chó mèo... là những kênh giúp ông nhận được sự sẻ chia, được cho mấy món ve chai. Ông nói lúc buồn hay livestream... hai chú chó.

“Tổ ấm” vui vẻ của ông Dũng là chiếc xe đẩy với hai chú chó mà ông coi như con - Ảnh: YẾN TRINH

“Tổ ấm” vui vẻ của ông Dũng là chiếc xe đẩy với hai chú chó mà ông coi như con - Ảnh: YẾN TRINH

"Hai đứa nó là con tui, không phải chó"

Gia tài của ông Dũng là hai mẹ con chó Đen và Nâu. Ông làm cho chúng chiếc chuồng tươm tất đặt ở một góc xe, che chắn cẩn thận. "Nghĩ thương tụi nó, với lại đã quen cái chân đi nên tôi cứ bám nghề ve chai tới giờ. Cũng có người tốt bụng kêu nhận tôi làm bảo vệ cửa hàng tháng 7 - 8 triệu đồng, bao ăn ở nhưng không được nuôi chó nên tôi lắc đầu", ông nói.

Khi chúng tôi hỏi vui trước giờ có cô nào "ái mộ" không, ông cà rỡn: "Họ ái mộ còn mình... ái ngại. Đèo bồng mệt lắm. Tôi vui vẻ mà, sống một mình không sao hết". Rồi ông triết lý vụn: "Chó nó rất trung thành. Lúc mình có tiền mình nuôi nó, khi mình sụp xuống vì cuộc đời đâu nói trước cái gì thì nó vẫn ở với mình. Bữa nay mình cho nó ăn cơm với thịt nó theo mình, bữa sau cơm trắng cũng không bỏ mình".

Ông nói rằng bản thân hiểu từng hơi thở của hai chú chó. "Nó nằm ngủ nhưng mình nói câu gì nó cũng hiểu. Bữa tôi giả bộ kêu nay hết tiền mua đồ ăn rồi, nghe xong nó thở dài cho mình nghe luôn. Mai cho ăn thì nó ăn ngượng nghịu vì biết mình đang khó", ông vừa cười nói vừa xoa đầu hai chú chó cưng.

Chỗ ngồi quen thuộc của ông buổi sáng là một quán cà phê trên đường Trường Sa (quận 3), và đó cũng là niềm vui nhỏ bé để ông khỏa lấp số phận cô đơn. "Mình không vướng bận gì, khỏe thì đi, mệt thì nghỉ. Tôi cũng không nhậu nhẹt, không quan trọng tiền bạc. Đói tôi không sợ, thí dụ mình mua gói mì giấy rồi xin nước sôi chế cũng được, nhưng hai đứa này làm sao để đói được".

Dù đã lên một chương trình truyền hình cách đây hơn chục năm để bày tỏ mong muốn tìm về nguồn cội, biết cha mẹ mình là ai, nhưng đến giờ ông vẫn chưa có câu trả lời. Ông bày tỏ: "Tôi cũng nguôi ngoai, không để cái thắc mắc đó đè nặng nữa. Tôi chỉ mong mình không đau bệnh, lo được cho hai đứa nó". Khi nói điều đó, mặt ông in hằn nét khắc khoải.

Mặt trời ngày mới đã lên. Chẳng lẽ suốt cuộc đời này, ông không thể tìm được gốc gác của mình?

Chị Na, chủ quán ông Dũng hay ngồi, chia sẻ rằng ông hiền queo, ngày nào cũng ghé uống cà phê. "Những lúc ông bận đi bán ve chai hoặc ghé chợ mua đồ thường nhờ tôi trông giùm cái xe ve chai bên kia đường. Ổng thương hai con chó lắm, cưng như con", chị vui vẻ nói.

Biết ông Dũng nửa năm nay, anh Nguyễn Minh Khoa (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh) thi thoảng ghé quán cà phê thăm và cho ông khi thì mấy hộp cá để trộn cơm cho hai chú chó, khi thì ít tiền.

Anh nói: "Thấy ông yêu đời, tính cách y như người Sài Gòn dù cuộc sống khó khăn nên tôi cũng thấy thương. Ông sống bằng sức lao động của mình, hay ngại khi người khác giúp đỡ".

-----------------

Uống cà phê, đọc báo sáng đã trở thành một nét văn hóa thị dân trăm năm. Và để tờ nhật trình ấy kịp đến bạn đọc trước giờ đi làm, nhiều người đã thầm lặng thức dậy từ rất sớm.

Kỳ tới: Lặng thầm người giao báo lúc bình minh

Sài Gòn dậy sớm kỳ 1: Những cuốc xe cần mẫn nửa đêm về sángSài Gòn dậy sớm kỳ 1: Những cuốc xe cần mẫn nửa đêm về sáng

Lâu nay nhiều người nghĩ dân thành phố quen thức khuya dậy trễ, nhưng thực tế không hẳn vậy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp