Bảng hướng dẫn đường giờ cao điểm từ hẻm 178 đường Phan Đăng Lưu hướng ra đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đặt chân đến Sài Gòn, cảm giác của tôi là choáng ngợp. Người xe như mắc cửi, đèn giao thông, biển báo thì nhiều đến hoa mắt. Trên chiếc xe cánh én, tôi chầm chậm hòa vào dòng người đông đúc và liên tục giật mình bởi những tiếng còi xe đột ngột.
Với bản mặt "nhà quê lên tỉnh", tôi lí nhí hỏi thăm bác xe ôm đang đậu xe ngay góc ngã tư. Bác chỉ đường cho tôi và dặn dò đi đứng cẩn thận, rồi dặn với theo: "Nè nhỏ, đường Nguyễn Đình Chiểu có một chiều, muốn về thì hỏi tiếp người ta chỉ cho nhen!".
Cứ thế, từ cụ bà bán hàng rong hay cụ ông đang ngồi quán nước đến các cô chú, anh chị đang đi trên đường, thậm chí các em học sinh đều là những "tấm bản đồ sống" đã chỉ dẫn mọi nẻo đường tôi bước chân qua.
Mỗi lần nói tiếng cảm ơn là thêm một lần tôi được nhìn thấy nụ cười thân thiện và câu trả lời hết sức dễ thương "hổng có chi" của người dân xứ này. Ngẫm lại, ba chỉ dặn tôi có đúng một câu làm hành trang xa xứ nhưng vô cùng hữu dụng.
Lâu dần tôi còn tự đúc kết cho mình thêm một bí quyết khác: đường đi không chỉ ở trong miệng mà còn ở mắt mình!
Giờ cao điểm, các giao lộ thường kẹt xe, phải nhích từng chút một. Chính lúc đó, tôi phát hiện những chiếc xe máy đột ngột nối đuôi nhau rẽ vào mấy con hẻm nhỏ.
Tò mò chạy theo những chiếc xe máy bất ngờ rẽ ngang ấy, tôi như lạc vào mê cung bởi cơ man nào là hẻm dọc ngang. Hẻm nọ nối hẻm kia. Hẻm rộng hẻm hẹp. Có con hẻm chỉ rộng chừng 1m, thấy xe chạy ngược chiều từ đằng xa thì một trong hai xe phải tránh vào góc ngã ba gần đó hoặc nép sát tường để xe còn lại đi qua.
Chạy theo dòng người mê mải xuyên qua các con hẻm ngoằn ngoèo, quanh co một lúc là thể nào tôi cũng ra được đường lớn khác. Thế mới tài tình!
Nhưng đôi lúc tôi cũng bị con mắt làm cho quê xệ. Đó là khi tôi theo mấy chiếc xe máy chạy một mạch thẳng tới nhà của họ. Hết đường!
Thế là lại tẽn tò nhờ chính vị gia chủ ấy chỉ cho đường ra, đôi khi họ còn nhiệt tình quay đầu xe dẫn tôi ngược trở ra với lý do: "Con hẻm này chưa quen dễ bị lạc lắm, lòng vòng mất thời gian, để tui dẫn cho ra".
Nhưng giờ đa số con hẻm đã xuất hiện bảng chỉ dẫn sẽ thông ra đường nào, hoặc lưu ý về hẻm cụt và tôi cũng đã thuộc nằm lòng đường ngang ngõ tắt ở cái xứ này rồi. Tôi đã là một phần của Sài Gòn, lại chỉ đường, lại dẫn đường cho người mới đến...
Kéo dài thời gian dự thi đến 15-4
Tính đến ngày 8-4, cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được hơn 510 email gửi đến địa chỉ [email protected] và 30 bài gửi qua đường bưu điện.
Cuộc thi nhận bài tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết. Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 15-4-2021.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 30-4-2021.
Báo Tuổi Trẻ cùng sự đồng hành của Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận