Phút nghỉ ngơi của một người đạp xích lô ở Sài Gòn - Ảnh: TANYA OLANDER
Đã lâu tui rất muốn viết về thành phố này nhưng cứ lần lữa vì sợ viết không đặng tới. Viết không tới thì giống như khi muốn khen ai mà không biết dụng ngôn lại thành ra khiêng cưỡng.
Tui đến với TP.HCM vào đúng cái tuổi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình: 18 tuổi!. Đến hôm nay, thành phố đã nuôi tui, đã dạy tui, đã cho tui và cũng đã lấy của tui nhiều thứ.
Nói về Sài Gòn thì có nhiều chuyện để kể lắm. Nếu ngồi trên một chiếc ghe, đi từ bến Bình Đông thả mái chèo rong ruổi đến sông Bình Lợi hay ra tận Nhà Bè, có khi kể chưa hết chuyện.
Thành ra, đành nhớ gì thì biên nấy, xin kể vụn vặt những chuyện mà tui nghĩ các bạn cũng đã từng gặp như tui tại Sài Gòn này.
Nhà trọ bà Châu người Hoa
Phòng trọ đầu tiên ở Sài Gòn của tui tại một con hẻm nhỏ đường Lũy Bán Bích, quận 11. Đó là một căn phòng độ chừng 10m2, tường gạch không tô, dán chi chít nhật trình, mái tôn không laphông.
Sau nhiều lần nâng nền để không ngập thì cái cửa sổ chỉ còn cách đất tầm chưa tới một mét. Tui ở ghép cùng vợ chồng anh Năm, chị Mỵ: anh Năm làm công nhân, chị Mỵ phụ nấu ăn trong một trường mầm non.
Để tiện bề riêng tư, anh Năm lấy ván ép đóng một cái gác nhỏ, cái gác mà khi leo lên, chỉ ngồi chứ không thể đứng. Ngày thì nóng hầm hập, tối thì sương tươm trên mái tôn, gián chạy ngất ngư. Khi ngủ có thể nghe được tiếng bò đái phía sau.
Thật sự, tui cũng không rõ vì sao thời đó lại có nơi nuôi bò trong thành phố nữa.
Bức ảnh hiếm hoi chụp lại căn nhà trọ nhân dịp đám cưới hàng xóm. Tui nghĩ sinh viên thời nay sẽ không biết cảnh phòng trọ này.
Nhưng đó lại là chuỗi ngày đầy kỷ niệm, con hẻm lúc nào cũng phơi đầy dưa cải như một xã hội thu nhỏ: công nhân, những người buôn bán hàng rong, kể cả các tay anh chị tề tựu về.
Chị Mỵ hay mang đồ ăn thừa từ trường mầm non: khi thì trái chuối, khi thì bịch yaourt; mỗi khi đổ bệnh thì có ông Tư Thanh Hóa cạo gió, giác hơi. Chè thì cứ canh vét nồi của bà Ba mỗi khi nấu xong mang ra chợ bán.
Một lần tui đi đóng tiền nhà, vừa quay ra thì mất tiêu chiếc xe đạp. Bà Châu, chủ nhà người Hoa, đúng cách tạo hình của một bà chủ nhà trọ trên màn ảnh: ăn nói oang oang, đầu kẹp cuốn. Cuối tháng là vang tiếng bà: đóng tiền nhà chậm: chửi; ăn ở mất trật tự: chửi; dịp tết lễ phải bớt tiền nhà: chửi.
Thấy tui tiu nghỉu vì mất xe, bả làm một tăng chửi thề: "* má, thằng nhỏ sinh viên mà nó cũng không tha, thôi tao miễn cho mày tháng này. Mày cầm tiền về nhờ Ba Chia kiếm cho chiếc chạy đỡ".
Chưa đã tức và chắc cũng để bảo vệ uy tín xóm trọ, bả gom cả xóm trọ lùng sục thằng trộm, anh Ba Chia xăm trổ có dịp thể hiện, cuối cùng cũng lôi ra được thằng Tài Đen - con ông Chín dưa cải, nghiện game nên làm liều. Nể thương ông Chín hiền lành vất vả nên cả xóm không báo công an, xe thì cũng đã mất rồi.
Từ đó, tui được biết nhiều hơn trong xóm trọ. Bà Châu kêu tui dạy kèm cho con bả, cấn trừ tiền nhà, sẵn tiện tui lôi luôn đám con nít trong xóm học cùng, trong đó có Tài Đen. Tài Đen sau đó đi học thợ bạc, lúc mới tập tành, nó làm tặng tui một chiếc nhẫn giả.
Cây viết bi vỏ đỏ ruột xanh
Chiếc xe đạp lúc chưa bị mất vẫn cùng tui đi làm thêm tại một quán cà phê sang trọng tuốt quận 3, cách phòng trọ hơn 10 cây số. Thời đó không có máy chấm công: ai đi đúng giờ thì ký viết xanh, ai đi trễ thì ký viết đỏ đặng cuối tháng chủ tiện bề tính chuyện lương - phạt.
Thấy tui hay đi trễ, chú bảo vệ già hỏi: Sao mày hay đi trễ vậy con? Tui vừa trả lời vừa giơ hai bàn tay đầy nhớt ra cho ông xem: Xe con sao nó cứ sút dây sên với trật con chó hoài. Ổng nhìn tui ái ngại rồi cười phá lên khi nhìn thấy cái cục đá thủ sẵn ở rổ xe để đập "con chó".
Một hôm, tui lại đi trễ, ổng đưa cây viết đỏ, tui đành ngậm ngùi ký vào nhưng lại ra màu xanh. Chưa kịp hỏi thì ổng nháy mắt "xinhan" với tui kiểu đắc ý. Tới giờ, với tui, đó là câu chuyện gian dối, một bí mật riêng dễ thương.
Chiếc xe đạp xịn - bàn đạp đổi đời
Chiếc xe xịn của tui luôn được "trưng dụng" làm đạo cụ cho các buổi biểu diễn văn nghệ trường. Tui vẫn hay chở giúp một chị lớn hơn đang học văn bằng hai, học trùng vài môn đại cương năm nhất ra bến xe buýt giùm.
Vì xe mất nên hai chị em cùng cuốc bộ ra bến xe. Cách tuần sau, chị rủ tui đi "công chuyện" rồi chở đến một cửa hàng xe đạp, chọn mua một chiếc xe MT 107. MT 107 là niềm ước ao, là món xa xỉ lúc bấy giờ.
Bữa đó, tui đạp điên cuồng cả ngày đi gần muốn hết thành phố: ra nhà thờ Đức Bà, tới luôn Thanh Đa, Bình Triệu. Nhớ hoài lời của bả: "Sau này mày ráng làm ăn, có xe hơi chở tao đi ăn nhà hàng 5 sao là được".
Chiếc xe đó sau này nhỏ em lên đại học, cuộc sống gia đình có khá hơn, tui vẫn bắt nó đạp hết một năm đầu. Tới giờ tui vẫn còn giữ chiếc xe ấy.
Từ chiếc xe đạp ấy, tui đã thực hiện được lời hứa với bà chị: có được nhà, có được xe hơi để có thể chở bả đi ăn nhà hàng 5 sao như điều kiện mà bả đặt ra năm nào.
Trớ trêu là giờ đây tui không thể gặp lại được ai trong số đó. Ngày xưa điện thoại di động còn chưa có, muốn liên hệ phải gọi thông qua bà chủ nhà trọ, mỗi lần bả đi kêu giúp phải trả 1.000 đồng, nói chi đến Facebook, Zalo….
Nhưng nghĩ lại, có khi đó cũng là một điều hay. Vì nó làm cho tui luôn có cảm giác nợ cái đất, con người thành phố này nhiều thứ lắm…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận