Cha cùng con gái cho bồ câu ăn trước nhà thờ Đức Bà, quận 1, TP.HCM dịp cuối tuần - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chiếc phi cơ chầm chậm trên phi trường rồi dừng hẳn. Trước lúc khởi hành, tôi đã nhắn với anh trai của mình: "Hi vọng thành phố không đón em bằng những cơn mưa".
Tôi bước xuống máy bay, chậc, mưa, tôi trách TP.HCM vì mưa mà làm tôi thấy dễ chịu với cái không khí trong lành và mát mẻ.
1. Vùng đất đẹp đẽ trong mắt một kẻ du hành, đâu chỉ bởi cảnh sắc, sự bài trí của thiên nhiên hay nhân tạo, cái cuốn hút của văn hóa, làm người ta khó quên nhất, chính là "con người". Không hiểu tại sao, từ chú tài xế, những cô bác bán hàng, những người ta chưa từng gặp trước đó, cũng chẳng thân thiết bao giờ nhưng gọi tôi bằng từ "con", tôi ấm lòng, tôi trách người nơi này sao thân thương đến thế, sao cho người ta cái cảm giác như đang ở chính ngôi nhà của mình.
Tôi nhớ có lần gặp hai cha con người TP.HCM ra Hà Nội chơi, chẳng để tôi giới thiệu thêm, chú vội lấy món đồ tôi cầm trên tay và trả tiền cùng với lời chúc dành cho câu lạc bộ về môi trường mà tôi tham gia.
2. Tôi trách người Sài Gòn sao cứ hào phóng và tử tế như thế! Những ngày Hải Dương quê tôi chống dịch, nặng lòng với những câu chuyện của người nông dân chưa kịp bán cà rốt, những ruộng rau ở đó, còn gì xót xa hơn khi sẽ phải tự tay đổ bỏ công sức của mình nếu mùa vụ này không thu hoạch kịp.
Dòng máu Lạc hồng vốn chảy trong máu mỗi người dân Việt, thành phố mang tên Bác cũng vậy, chẳng ngại chi đường xa cách trở, những người trẻ nhiệt huyết và những người dân tử tế, nghĩa tình đã "ôm" lấy những người nông dân quê tôi, khi có đến hàng trăm, hàng ngàn chuyến xe giải cứu nông sản Hải Dương. Tôi trách Sài Gòn... đẹp trong tình người!
3. Tôi nhớ, một lần dừng chờ đèn đỏ và nói vui với người anh của mình: "Vào TP.HCM, em nghe toàn giọng Bắc". Sài Gòn, nhiều người coi nó là miền đất hứa. Nơi sẽ nuôi dưỡng và vun đắp triệu triệu những giấc mơ của biết bao con người. Không phải bâng quơ, người ta nhìn nhận thành phố này như vậy.
Nhiều thế hệ cha chú của gia đình người Bắc đã tạm xa quê hương để vào đây lập nghiệp hay những người bạn của tôi chưa ra trường cũng băn khoăn nên hay không vào TP.HCM làm việc? Có người đã thỏa mãn ước mơ, có người vẫn chật vật vì miếng cơm manh áo.
Nhưng người ta vẫn chẳng chịu rời Sài Gòn, cứ mãi bám trụ miền đất này, vì rằng nó thật đáng mến. Nghĩ vậy thôi, tôi đã thấy Sài Gòn đáng trách... trách rằng đủ rộng bao nhiêu mà bao dung nhiều kiếp người?
4. Tôi mê âm nhạc của Hà Anh Tuấn, một ca sĩ Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, tôi hay gọi anh với cái tên "anh quận Nhất". Trong một lần anh hát livestream cho concert của mình, không cần phải mất quá lâu tôi có thể đoán được địa điểm anh ngồi kia chính là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Thật vậy, Sài Gòn dễ dàng nhận ra trong mắt của một người trót say mê nó. Chắc nó dễ nhìn thấy nhất trong những địa điểm nổi tiếng. Tôi vẫn không quên những nét kiến trúc độc đáo của Bưu điện thành phố, hình ảnh những chú chim bồ câu yên lành cạnh nhà thờ Đức Bà...
Những công trình mang màu sắc cổ điển luôn làm tôi chú ý và ấn tượng với tất cả sự yêu mến và trầm trồ.
Nhưng tôi thiếu sót, vì rằng thành phố này cũng rất giản đơn, những tòa nhà cao vút, không quá cầu kỳ nhưng đẹp hùng vĩ, hiện đại và là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển của thành phố - một trong những tỉnh thành dẫn đầu về khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Trên chiếc xe máy của anh tài xế chở đống đồ cùng những cảm xúc lộn xộn trong tôi, tôi đưa bàn tay mơn trớn lấy luồng không khí của thành phố, mát lành và trong trẻo. Giữa thành phố, tôi thấy những hàng cây, những con người, những thứ xung quanh thật đáng yêu.
Tôi không có lấy một tấm ảnh nào, chỉ bởi tôi hứa rằng sẽ còn quay lại gặp nhau. Tôi bước lên máy bay và trời đổ mưa, chậc, tôi trách Sài Gòn... Trách yêu!
Tính đến ngày 5-4, cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được hơn 450 email gửi đến địa chỉ [email protected] và 24 bài gửi qua đường bưu điện.
Cuộc thi nhận bài tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết.
Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 10-4-2021. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 30-4-2021.
Báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận