29/04/2021 16:14 GMT+7

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn ôm tất cả chúng ta vào lòng

MI LY
MI LY

TTO - Đến với cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình", những tác giả - bạn đọc thân thương của Tuổi Trẻ đều viết nên những câu chuyện thật đẹp.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn ôm tất cả chúng ta vào lòng - Ảnh 1.

Ba tác giả đoạt giải nhất - nhì - ba

Họ viết cho tuổi trẻ của mình khi cất bước đến thành phố này, viết cho hiện tại của thành phố, viết để nuôi dưỡng tình yêu thành phố cho thế hệ mai sau.

Viết bài ủng hộ cuộc thi ý nghĩa này, tác giả Lê Hồng Lâm viết: "Một thành phố oằn mình đón nhận và dung nạp từng đó con người, phải có "muối" kết tinh đâu đó chứ. Và tự nhiên, vì những hạt muối ấy, tôi lại muốn ôm Sài Gòn vào lòng".

"Mối tình" của anh Lê Hồng Lâm và 10 triệu con người dành cho thành phố phương Nam này không hề là tình đơn phương. Hằng ngày, hằng giờ, trong từng con hẻm, trên từng đại lộ, từ người mưu sinh vỉa hè đến các công sở cao tầng, trong những cơn mưa chuyển mùa trắng trời hay giữa trưa hè vàng ươm nóng nực, thành phố này vẫn đã và đang ôm tất cả chúng ta vào lòng.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn ôm tất cả chúng ta vào lòng - Ảnh 2.

Người dân mua dưa hấu ủng hộ nhau giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp - Ảnh: NHẬT THỊNH

Thành phố dung nạp tất cả mọi miền

Vài năm trước, khi người viết bài này chuyển vào TP.HCM, một người bạn từng nói: "Chỉ cần qua được 6 tháng đầu tiên là em có thể ở lại". 3 tháng, 6 tháng, 1 năm... chỉ là những mốc thời gian khác nhau để một người làm quen với thành phố.

Ai cũng cần thời gian, Sài Gòn hiểu chứ. Có người hòa nhập nhanh chóng, hào hứng ở lại. Có người gặp nhiều trắc trở, đắn đo, rồi cũng ở lại.

Nhưng cũng có người không ở lại. Có người ôm giấc mơ lớn đến đây, để rồi mỏi mệt quay về nơi bắt đầu. Có người bật khóc dưới ánh đèn đường, trong một khoảnh khắc bơ vơ nào đó, trước khi từ biệt thành phố. Dù ở lại hay không, tất cả chúng ta đều có những lúc được thành phố ôm chặt vào lòng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói ở đây không có phân biệt vùng miền, không có địa phương cục bộ. Nhận định này đến từ con người đã sống nửa cuộc đời ở Sài Gòn như ông là hoàn toàn chính xác.

Hãy thử hỏi "Đầu biển số xe TP.HCM là nhiêu?" xem có bao nhiêu người trả lời được đầy đủ. Vì ở đây, người ta đâu có phân biệt ai biển số xe thành phố, ai biển số xe tỉnh lẻ, không lấy cái đó để phân cấp sang hay hèn, "lưu dân" hay "chánh gốc".

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn ôm tất cả chúng ta vào lòng - Ảnh 3.

Những hình ảnh làm “chuyện bao đồng” như thế này bây giờ đã là chuyện thường ngày ở TP.HCM

Từng có nhiều người, bao gồm cả những nhà văn, nghệ sĩ, định nghĩa "người Sài Gòn" là tất cả những ai từng sống, gắn bó, yêu thương nơi này. Còn những ai vì lý do nào đó phải rời đi mà vẫn nhớ, vẫn thương thành phố này ư? Sài Gòn ôm họ vào luôn chứ tiếc gì đâu!

Trong bức thư gửi người cháu nội Yên Nhi, tác giả Trường Lân gọi "người Sài Gòn" là "người gốc Sài Gòn, người sống ở Sài Gòn, người làm việc ở Sài Gòn, người có phong cách Sài Gòn...". Rất rộng lớn và rất bao dung. Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến nơi đây, người ta nghĩ ngay đến hai chữ "dung nạp".

Càng ôm chúng ta vào lòng, thành phố càng lớn lao và giàu có. Giàu có không chỉ là tiền bạc, mà còn giàu văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu hi vọng. Thành phố rất trẻ, mới 300 tuổi hơn, còn thanh niên lắm, nhưng cũng đã kịp giàu có về lịch sử.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn ôm tất cả chúng ta vào lòng - Ảnh 4.

Những hình ảnh làm “chuyện bao đồng” như thế này bây giờ đã là chuyện thường ngày ở TP.HCM

Mỗi người một nét cho chân dung lộng lẫy

Mỗi bài viết chân thành, mộc mạc trong cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" như góp thêm một nét vẽ thật đẹp cho bức chân dung to lớn nhưng gần gũi của Sài Gòn. Mỗi bài viết đều góp thêm một ý để làm rõ cái gọi là căn tính của một vùng đất.

Và người đọc nhận ra rằng các tác giả đều nói đúng những gì mình lâu nay vẫn nghĩ. Không hẹn mà gặp, mỗi bài viết như một lời tâm sự của người bạn thân ta vẫn trò chuyện hằng ngày. Sao mà tâm đắc, sao mà giống đến vậy?

Tác giả Khánh Hưng viết: "Người Sài Gòn rất hào sảng, dù họ rất quan tâm người khác nhưng không tọc mạch, nhiều chuyện hay thể hiện ra vẻ ngoài". "Ai tốt ai xấu với mình, cứ vậy mà tha thứ, cứ vậy mà đưa tất cả mọi chuyện về sự yên ổn, ra đời kiếm tiền chứ đâu ai đi kiếm chuyện" - tác giả Đồng Bằng viết, giọng rặt miền Tây.

"Đó là cảm giác hạnh phúc nguyên ngày khi sáng sớm tôi tìm hoài vẫn không đủ 3.000 đồng lẻ để trả tiền vé xe buýt, chị tiếp viên chỉ nhẹ nhàng vỗ vai và nói: "Không sao đâu em, chị bù cho". Chỉ 1.000 đồng thôi nhưng tôi có cảm giác mình đã nhận được từ chị cả triệu bạc" - tác giả Huỳnh Như nhớ về "chuyến xe buýt rộng lòng" hay đúng hơn là "con người rộng lượng".

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn ôm tất cả chúng ta vào lòng - Ảnh 5.

Những hình ảnh làm “chuyện bao đồng” như thế này bây giờ đã là chuyện thường ngày ở TP.HCM

TP.HCM rộng lượng nhất với người thiếu may mắn. Cô gái khiếm thị Lê Thị Thùy Vân từng đầy mặc cảm, tự ti, suốt ngày quanh quẩn với công việc đồng áng đến khi gặp duyên lành, cho cô gặp gỡ người thầy Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập mái ấm Thiên Ân ở TP.HCM. "Con bé ấy trông xinh xắn thế kia mà lại mù" - Thùy Vân nhớ lại những lời cảm thông của người đời nhưng từng khiến cô nhói lòng.

Chỉ có mái ấm Thiên Ân là nơi giúp cô hiểu rằng cuộc đời mình vẫn còn ánh sáng. Đó là ánh sáng của tình người, của giáo dục. Nay Thùy Vân đã là sinh viên khoa giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm TP.HCM và sắp tốt nghiệp.

Sắp bước ra cuộc đời rộng lớn ngoài kia, Thùy Vân chỉ có một ước mơ là Sài Gòn hãy tiếp tục bao dung với một cô giáo khiếm thị, để cô được tiếp tục mang đến ánh sáng cho cuộc đời.

Tâm tình của Thùy Vân và của tất cả tác giả dự thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đều chạm đến trái tim. Bởi đơn giản, đó là vẻ đẹp của sự thật. Tất cả đều là trải nghiệm thật, đúc kết qua hàng chục năm trời, qua trọn vẹn những đời người.

Chúng ta đang viết thật đẹp về thành phố hôm nay, để những dòng chữ nuôi dưỡng tình yêu thành phố cho các thế hệ sau. Trong hình dung của tác giả Trường Lân, 16 năm nữa, cháu nội Yên Nhi của ông sẽ khôn lớn. Cô bé sẽ yêu thành phố theo cách của mình.

Ông nhắn nhủ: "Và Sài Gòn "có mặt đường vàng hoa như gấm, có không gian màu áo bay lên" sẽ vươn cao đến đâu? Rồi con sẽ học đại học ở thành phố này hay ở Paris? Nội cầu mong mình vẫn khỏe đến ngày đó để nghe con kể chuyện: chuyện của con và chuyện của Sài Gòn - người tình đầu tiên và người yêu cuối cùng của nội".

Không chỉ "người tốt việc tốt" mà lột tả đặc tính

Chỉ trong vòng một tháng, Tuổi Trẻ đã nhận được hơn 750 bài dự thi. Lượng bạn đọc và sức lan tỏa của loạt bài đăng trên Tuổi Trẻ rất lớn. Một số đơn vị truyền thông ở TP.HCM đã liên hệ với Tuổi Trẻ để phỏng vấn, dự định đưa tất cả bài dự thi lên sóng phát thanh.

Giám khảo, nhà báo Nguyễn Trường Uy nhận định: "Là một người con miền Trung đến với Sài Gòn, khi đọc những bài viết, tôi thấy mình trong đó. Các tác giả đã nói giúp tôi những cảm xúc, kỷ niệm với nơi này.

Từ những vùng đất khác tề tựu về đây, mỗi người ra đi đều mang theo quê hương của mình, song đến đây đều tự hào, chấp nhận vùng đất mới là Sài Gòn, chọn nơi đây làm quê hương không chỉ là thứ hai, mà còn là thứ nhất vì họ quá yêu nơi này".

Theo nhà báo Trường Uy, bên cạnh những người viết chuyên nghiệp, cuộc thi thu hút những bạn đọc viết đầy cảm xúc chân thành, lần đầu tiên kể câu chuyện của mình. Là một nhà báo, anh nói thật trân trọng tình cảm đó, đó chính là lời cảm ơn của các tác giả đối với quê hương mới đã cưu mang dòng người từ nhiều phương trời về đây.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn ôm tất cả chúng ta vào lòng - Ảnh 6.

Những hình ảnh làm “chuyện bao đồng” như thế này bây giờ đã là chuyện thường ngày ở TP.HCM

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - người từ Hà Nội vào đây sinh sống từ năm 1975 - chia sẻ khi làm giám khảo cuộc thi: "Những bài thi thể hiện tình nghĩa của người viết đối với Sài Gòn, phản ánh được tình nghĩa của Sài Gòn.

Cái bao dung, tình nghĩa ở đây rất phong phú: hào phóng về kinh tế, rộng lượng trong cư xử, nhẹ nhàng trong lối sống, không lấy quá khứ của mỗi người làm định kiến. Nhiều tác giả là người nhập cư, có người mấy chục năm, có người mới vài năm, ít có người tự xưng là người Sài Gòn chính gốc. Đây là một điểm rất đặc biệt ở thành phố này".

Các giám khảo đều đánh giá cao những bài viết kể lại trải nghiệm thật của người viết. Bởi như vậy, bài viết mang tính báo chí hơn, tránh vay mượn cảm xúc. Ban tổ chức cũng ghi nhận những bài viết gửi kèm hình ảnh thật, giúp tăng độ tin cậy.

Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban giám khảo cuộc thi - nói: "Cuộc thi không đơn thuần viết về người tốt việc tốt, mà viết về văn hóa và đặc tính của một vùng đất đã có lịch sử 300 năm, từ Sài Gòn đến TP.HCM.

Nhiều bài viết về người tốt việc tốt đọc rất xúc động, rung cảm, nhưng chưa đủ toát lên chất Sài Gòn, thứ khiến người từ bất cứ nơi nào đến đây cũng có thể bị Sài Gòn "đồng hóa".

Những bài phân tích được điều đó mới xứng đáng đoạt giải nhất, nhì, ba. Chúng tôi luôn trân trọng những bài dự thi rung cảm như vậy, đó không chỉ là những bài dự thi mà còn là những bài viết, những kỷ niệm sẽ ở lại rất lâu trong bạn đọc Tuổi Trẻ".

8afdc9daf05b02055b4a

Cuốn sách Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình được báo Tuổi Trẻ và First News phát hành ngày 29-4.

Từ ngày 10-3 đến 15-4, báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Hyundai Thành Công tổ chức cuộc thi viết "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" để bạn đọc kể lại những câu chuyện, kỷ niệm, ký ức... về vùng đất này.

Giải nhất trị giá 30 triệu đồng được trao cho bài viết "Thành phố cho tôi cơ hội ngọt ngào" của tác giả Lê Thị Thùy Vân.

Giải nhì trị giá 20 triệu đồng là bài viết "Đông đúc nhưng đủ chỗ cho tất cả mọi hoàn cảnh" của tác giả Nguyễn Hùng Sơn. Giải ba trị giá 10 triệu đồng thuộc về bài viết "Làm phước cũng phải có tâm" của tác giả Hồ Thị Linh Xuân.

5 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng: "Phiếu thịt mỡ và sự tử tế của Sài Gòn" (Nguyễn Thị Kỳ), "Câu chuyện gian dối, bí mật riêng dễ thương" (Trần Ngọc Bải), "Chịu chơi bán thiếu" (Nguyễn Thiên Đăng), ""Vụ án con gà" và má Năm Sài Gòn" (Thanh Bình) và "Giúp người rồi tủm tỉm cười và đi" (Khánh Hưng).

Các bài dự thi được tuyển chọn in thành cuốn sách Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình được báo Tuổi Trẻ và First News phát hành ngày 29-4.

giai 1

Lê Thị Thùy Vân - giải nhất

Khi tôi đi thực tập ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM), một cô giáo ở thư viện đã gợi ý tôi tham gia thi viết.

Biết tên cuộc thi là "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình", tôi rất đồng cảm. Từ khi lên Sài Gòn đến nay, tôi không hề thấy nơi đây xa lạ, mà có rất nhiều điều tốt đẹp, ngay từ chính người thầy trong mái ấm của mình.

Lúc bài viết được đăng trên báo Tuổi Trẻ, nhiều người biết và báo cho tôi. Thầy tôi là người khiếm thị nên không thấy được bức ảnh chụp bài báo, tôi sẽ gửi đường link để người khác đọc cho thầy.

Chỉ còn vài tháng nữa là tôi tốt nghiệp. Sau tốt nghiệp, tôi sẽ ra ngoài kiếm phòng trọ, tìm công việc để sống. Với người khiếm thị, xin được việc làm là rất khó khăn. Tôi cũng lo lắng, nhưng tin rằng khó khăn nào mình cũng vượt qua được.

Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ bây giờ mình được sống ở Sài Gòn như thế này. Mình cứ sống tốt, rồi may mắn sẽ mỉm cười.

giai 3

Nguyễn Hùng Sơn - giải nhì

Tôi quen anh Tuấn "lùn" được 4 năm, từ khi tôi mới vào TP.HCM. Tôi hay tới chơi ở góc Hải Triều, Hàm Nghi và yêu thích tiếng đàn của anh, nhiều lúc cũng được ngồi trò chuyện.

Anh là con người rất điển hình của thành phố, đại diện cho một nhóm người kiếm sống lương thiện bằng sức lao động của mình. Tôi luôn ấp ủ một bài viết về anh và thật vui khi báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi này.

Anh Tuấn không biết đọc. Khi bài được đăng lên báo Tuổi Trẻ, tôi gặp anh, đọc cho anh nghe bài viết. Anh rất xúc động. Tôi gửi đường link và dặn anh về nhà nhờ con gái đọc lại.

Bá Nha - Tử Kỳ ư? Tôi rất quý mến và muốn được là tri âm của anh Tuấn. Có lẽ anh Tuấn cũng cảm nhận được tôi không giống những người khách nghe đàn khác. Tôi quan tâm và chia sẻ với anh. Nếu hôm nào tôi ra nghe đàn, anh Tuấn sẽ ngồi riêng với tôi đến lúc ra về, không ngồi với người khách khác.

ho thi linh xuan

Hồ Thị Linh Xuân - giải ba

Tôi chỉ sống ở TP.HCM trong 2 năm từ 2014 đến 2016, nhưng tôi rất yêu thành phố này. Hồi đó tôi sống ở quận Bình Tân. Khi phải rời Sài Gòn, tôi rất tiếc nuối.

Nhưng vì ba mẹ ở quê sức khỏe không tốt, không có người chăm sóc nên tôi phải lựa chọn giữa công việc và gia đình. May mắn là cuộc sống ở quê ổn, sức khỏe ba mẹ cũng được cải thiện. Thi thoảng, cứ một tháng hoặc vài tháng, tôi lại lên Sài Gòn chơi.

Cuộc thi này thu hút tôi vì chủ đề sống đẹp giữa một thành phố sôi động, rất ý nghĩa.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Giúp người rồi tủm tỉm cười và đi Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Giúp người rồi tủm tỉm cười và đi

TTO - Có ai từng sống ở TP.HCM rồi một ngày về quê bị "hỏi cung" như tôi không? Còn tôi thì… bị hoài, và tôi nhận ra sự khác biệt rất lớn: Người Sài Gòn hào sảng, dù rất quan tâm người khác nhưng không bao giờ tọc mạch, nhiều chuyện như thế.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Sài Gòn bao dung
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp