28/03/2021 11:29 GMT+7

Sài Gòn bao dung, TP.HCM nghĩa tình: Ở đây họ gọi nhau là 'cưng', nghe thương gì đâu

QUỲNH P
QUỲNH P

TTO - Năm 2007, tôi ghé ngang TP.HCM. Khi ấy, thành phố cho tôi toàn những bất ngờ. Xe to, nhà lớn, đường sá thì đông đúc. Và người thành phố nói chuyện nghe... ngộ lắm. Khác nơi tôi sống, ở đây họ gọi nhau là “cưng”. Nghe hay ho gì đâu.

Sài Gòn bao dung, TP.HCM nghĩa tình: Ở đây họ gọi nhau là cưng, nghe thương gì đâu - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM giúp cắt móng tay cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thế nhưng ngày ấy tôi chỉ ghé ngang rồi lại vội đi, thành phố này vẫn chỉ là một địa điểm lạ nằm trên mảnh đất hình chữ S. Nói cho oai với đám bạn là tôi đã ghé TP.HCM, nhưng khi có ai hỏi về thành phố ấy thì tôi có biết gì đâu...

Năm 2010, tôi lại ghé TP.HCM. 

Tôi không thích một thành phố đông đúc và chen chúc người, cái nóng hầm hập phả lên làn da đến khó chịu. Chẳng đến mức túa mồ hôi nhưng cũng làm một đứa trẻ như tôi muốn rệu rã. Anh tài xế thỉnh thoảng ghé nhìn từ gương chiếu hậu, tò mò hỏi: "Em gái bị sao dzậy, dì?".

Mẹ cũng chẳng ngại ngần kể lại câu chuyện với một người lạ nhiệt tình. Anh tài xế vừa nghe vừa gật gù chép miệng: "Thiệt, mấy thằng ông trời giờ chạy xe ra đường có thèm dòm ai đâu. Nó ưng chạy sao nó chạy hà". Chốc lát lại tặc lưỡi thương xót: "Tội con nhỏ dễ sợ! Mới có mười tám chớ nhiêu...".

Suốt chặng đường nghe anh rôm rả trò chuyện, khi thì hỏi mẹ con tôi tới bệnh viện nào và ở lại bao lâu, đôi lúc im lặng để suy nghĩ điều gì đó rồi lại ồ lên khuyên mẹ nên đưa tôi tới nơi này nơi kia. Khi tới nơi, anh đậu xe lại bên đường, nhiệt tình xách theo mớ hành lý, đưa tôi và mẹ vào bệnh viện làm thủ tục giấy tờ.

Mẹ ái ngại và hối thúc anh rời đi, nhưng anh vẫn nhiệt tình chạy lăng xăng khắp nơi như anh con trai trong nhà vậy. Khi tôi đã nằm yên vị trên băng ca để chờ các thủ tục tiếp theo, anh mới vội vàng từ biệt mặc cho mẹ nài nỉ gửi anh thêm ít tiền vì đã làm lỡ của anh mấy cuốc xe. Bóng anh chìm vào đám đông, mẹ tôi bất chợt tặc lưỡi: "Cái thằng tính tình thiệt... cưng ghê".

Lúc ấy, tôi vẫn chưa biết được rằng ở thành phố này không phải chỉ riêng mình anh mà ai ai cũng đều có sẵn trong người cái sự hồn hậu và chân thành đến dễ cưng như thế.

Kể như chị y tá trưởng phòng bệnh tôi nằm vậy. Chị giống như một người thân trong nhà hơn cô y tá nơi bệnh viện. Cứ liên tục ghé qua cái phòng bệnh kê sáu chiếc giường trong một ngày, lặp đi lặp lại những điều nghe đã quen tai nhưng chẳng ai chán ghét. 

Hỏi người này tình hình vết mổ ra sao, có còn thấy đau ở chỗ nào. Tỉ mỉ dặn dò từng người trong phòng bệnh đủ thứ. Mỗi lần chích thuốc, như sợ làm đứa em đau, tôi lúc nào cũng nghe chị rỉ rả.

"Chị chích mà có đau thì cưng la lên cho chị hay nghen!".

"Có mệt ở đâu thì báo chị hay nghen!".

"Cưng phải ăn uống để lấy sức mổ nghen!".

Tôi yêu cái sự dễ thương mà ngày nào chị đều ghé qua giường bệnh, "cưng" tới "cưng" lui. Cũng yêu cái sự dịu dàng và tử tế của mấy vị y bác sĩ nơi đây khiến cho bệnh viện trở nên tràn ngập những thân quen và ấm áp.

Kể là mấy dì lớn tuổi mỗi ngày đều cẩn thận đến từng phòng gọi người nhà bệnh nhân ra lấy cháo, lấy cơm từ thiện. Hay bác xe ôm trước cổng chẳng khó chịu khi không bắt được khách mà còn tận tình chỉ dẫn tôi và mẹ lên chuyến xe nào, trước lúc mẹ con tôi lên xe rời đi vẫn còn giọng nói vang lên từ đằng xa nhắc nhở: "Cô bỏ cái dây chuyền vô trong áo khoác rồi kéo lên đi, hông mấy thằng "cô hồn" nó "đua" đó cô ơi".

Tôi nhìn mẹ, mẹ lại nhìn tôi, trộm cười. Người thành phố họ tử tế với nhau đến mức dung dị như thân quen lắm. Tôi và mẹ là khách lạ, thế nhưng họ cũng dành cho chúng tôi những điều rất thật và chân tình.

Năm mười tám ghé lại thành phố ấy, tôi mang theo vài vết thương và những sợ sệt. Sợ một thành phố lạ lẫm, sợ cái nhìn soi mói từ người lạ. Thế nhưng người thành phố lại vỗ về tôi một cách tử tế và dịu dàng. Họ gọi tôi là cưng, chép miệng thương cảm cho cô gái lạ. Vẫn với chất giọng đặc biệt ngày xưa ấy tôi đến, chỉ khác là giờ đây họ dùng nó để dỗ dành và ve vuốt những lo sợ trong tôi.

Thế nhưng người Sài Gòn lại là người quen, với đứa trẻ đã từng sợ sệt như tôi hay bất kỳ ai đều dành trọn những gì tử tế và nhiệt tình nhất. Có lẽ do vậy nên người ta ghé đến thành phố rồi lại chẳng nỡ rời đi. Giờ đây, nếu có ai hỏi về Sài Gòn, tôi sẽ chẳng đắn đo mà trả lời: người Sài Gòn dễ... cưng lắm. Bởi một lẽ, ở đây họ cưng nhau như cái cách gọi nhau là "cưng" vậy.

Tính đến ngày 26-3, cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được hơn 300 email gửi đến địa chỉ [email protected].

Cuộc thi nhận bài tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết.

Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 10-4-2021. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.

Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 30-4-2021.

Báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.

TUỔI TRẺ

logo Sài gòn bao dung có tài trợ

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: 'Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu'

TTO - Không phải ngẫu nhiên mà người dân tứ xứ đổ về chốn này với những giấc mơ riêng của họ. Sài Gòn nhận hết, và vì nhận hết nên thành phố này trở nên chật chội với lối nghĩ "ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu".

QUỲNH P
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp