Cảnh sát giao thông đẩy xe giúp một người chở hàng bị chết máy do đường ngập (ảnh chụp trên đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bài viết "Câu chuyện gian dối, bí mật riêng dễ thương" của tác giả Trần Ngọc Bải đã nhận được hàng chục bình luận đồng cảm với lời tâm sự mộc mạc "Thành phố đã nuôi tui, đã dạy tui, đã cho tui nhiều thứ"...
Cũng như biết bao người con các tỉnh khác đến nơi đây khi bắt đầu học đại học, tác giả cho biết: "Tui đến với TP.HCM vào đúng cái tuổi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình: 18 tuổi! Đến hôm nay, thành phố đã nuôi tui, đã dạy tui, đã cho tui… Thương lắm, yêu lắm nên mới "hờn dỗi" với Sài Gòn … và cũng đã lấy của tui nhiều thứ".
Ngay dưới bài viết này, bạn đọc đã cùng sẻ chia bằng những lời tâm tình thắm thiết: "Sài Gòn, mảnh đất yêu thương, nơi ươm mầm nhiều tài năng trẻ, trong đó có Bải.
Hi vọng được đọc nhiều bài viết miêu tả về cuộc sống Sài Gòn chân thực, mộc mạc của Bải" (Ngoc Thuy Nguyen); "Mình đã từng trải qua những tháng năm đó! Đọc bài báo này bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về!" (Trinh 89); "Sài Gòn là nơi để "sống đẹp" với chính mình và mọi người" (Hai Cận).
Trong hàng loạt những bình luận từ các bài viết của cuộc thi, bạn đọc thay phiên nhau liệt kê "bản chất" của người Sài Gòn: "Người Sài Gòn rất dễ chịu, không soi mói khắt khe" (Trần Nguyễn Thủy); "Người Sài Gòn chan hòa nghĩa tình" (Khanh Van Truong);
"Người Sài Gòn vốn dĩ tính tình phóng khoáng nên có bao giờ họ mất đâu mà lại còn được nhiều hơn ở cái tình mang tên mảnh đất Sài Gòn!" (Bảo Trâm); "Ai vào Sài Gòn ở lâu riết rồi cũng nhiễm tính người ở đây: hiền lành, thiệt thà, đôn hậu, hào sảng, phóng khoáng, hay giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ ngọt bùi dù nhiều khi họ rất nghèo" (Vân Anh).
Và bạn đọc có tên Đàn Ông Sài Gòn viết như tổng kết: "Bạn đã hiểu tính cách chung của người Sài Gòn rồi đó, bình thường khá thờ ơ vì họ tôn trọng sự riêng tư của mỗi cá nhân, nhưng khi có việc hoặc gặp chuyện thì họ rất chân thành để chia sẻ với bạn".
Bạn đọc còn kể thêm những câu chuyện của mình dưới những bài viết. Như bạn đọc Môm Nguyên viết: "Thuở bé qua lời kể của ba tôi, tôi tưởng tượng Sài Gòn như một thiên đàng với đủ loại chuyện hay tích lạ, ví dụ như: người Sài Gòn sáng nào cũng uống cà phê, người Sài Gòn sáng nào cũng đi ăn phở, người Sài Gòn không quan tâm người xung quanh là ai cả, họ chỉ biết vợ con và gia đình họ thôi... Việc làm thì đủ thứ việc để làm. Sài Gòn đã đủ loại việc làm mà thức ăn, chợ búa lại càng đa dạng…
Giờ đây tôi mang ơn Sài Gòn đã cưu mang, dù phải mất mấy mươi năm vất vả và đói khổ thì anh em tôi cũng đã học hành đến nơi đến chốn, có kiến thức, có nghề nghiệp để sống lương thiện với đời, Sài Gòn rất hạnh phúc và rất đáng yêu biết bao!".
Hay bạn đọc tên Thanh kể: "Cách đây mấy tháng, khi đi trên đường Phan Đình Phùng gần ngã tư Phú Nhuận, tôi thấy hai bạn đi xe máy còn rất trẻ. Khi thấy người ăn xin ngồi trên lề đường, hai bạn lập tức dừng hẳn xe lại rồi bạn ngồi sau xuống xe đi bộ lại phía người ăn xin và đưa tiền rất trân trọng, thay vì hai bạn ấy có thể chạy xe chậm lại và bạn ngồi sau vẫn ngồi trên xe và bỏ tiền vào nón người ăn xin".
"Vậy thì Sài Gòn bao dung hay những người đến đây đã khiến thành phố này trở thành vùng đất bao dung?", như lời một bạn đọc đặt câu hỏi.
Và có ngay bạn đọc Võ Thành Ngọc trả lời rằng: "Người dân ở đây đại đa số là người dễ gần mến khách, người từ nơi khác đến TP.HCM, nên sống theo lối sống giản dị dễ gần chân thành, hi vọng mọi người nên gìn giữ nếp sống ở đây để bảo tồn văn hóa. Người Sài Gòn luôn chào đón tất cả đến đây, sinh sống và làm việc".
"Ôi biết bao nhiêu tình của người của đất Sài Gòn, nói mãi vẫn không thừa... Yêu vô cùng Sài Gòn, thành phố của tình nghĩa, rộng lượng, bao dung... chia sẻ nhau khi hoạn nạn, khốn cùng..." (Nguyễn Văn Thảo); và "Cũng đã bao lần muốn về lại nơi xuất phát, nhưng Sài Gòn níu chân vô hình" (Tem 1971)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận