Grab chở khách trên đường Pasteur, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Đó là một buổi trưa trung tuần tháng 3. Trên đường đi trực về, tôi tranh thủ ghé Chợ Lớn mua một ít phụ liệu may về cho vợ, tôi vẫn hay làm điều đó mỗi khi ra trực. Trên đại lộ Võ Văn Kiệt có hàng cây che bóng mát bên làn xe máy, nhưng tôi vẫn cảm nhận được hơi nóng hắt vào mặt mình, dù đã đeo khẩu trang và áo gió có nón che đầu thật kỹ.
Qua ngã ba Võ Văn Kiệt - Huỳnh Mẫn Đạt một chút, mắt tôi hoa lên vì mặt đường loáng nắng, tôi sém chút xíu nữa đụng vào một chàng trai trẻ chạy xe ôm công nghệ đang dắt xe dẫn bộ sát làn xe máy. May là tôi chạy chậm nên thắng xe kịp.
- Xe cháu bị hư hả?
- Dạ không, xe cháu hết xăng, định đẩy bộ lên trên xem có ai đổ xăng không. Xui thiệt, sáng giờ cháu chưa chạy được khách nào, định kiếm cuốc buổi trưa, ai dè...
- Trên đường này không có cây xăng đâu, đến chỗ mấy người bán xăng dạo còn xa lắm. Cháu tấp xe vô, chú cho ít xăng mà đi.
Mắt sáng lên, anh chàng dừng xe dưới một bóng mát, tôi cũng trờ tới sát xe anh ta, bấm cốp xe lấy ra một đoạn ống nhựa, mở nắp bình xăng cho một đầu vào. Nói anh ta mở nắp bình xăng xe, tôi hút cho xăng chảy ra, đưa đầu ống còn lại vào bình xăng xe anh ta, ước lượng chắc hơn một xị xăng, tôi liền rút ống ra nói:
- Nhiêu đó cháu dư sức qua cây xăng Trần Hưng Đạo đổ thêm rồi chạy tiếp.
- Dạ cháu cảm ơn chú. Chú cho cháu gửi tiền xăng ạ.
- Cất đi tiền bạc gì, nhiêu đó mà nhằm nhò gì.
- Dạ cháu cảm ơn chú, người Sài Gòn tốt quá, cháu mới vào Sài Gòn được một tháng, đăng ký chạy xe công nghệ kiếm sống nên chưa rành đường, mới ít khách thế này ạ.
- Ừ, ai mới vào cũng vậy mà, từ từ rồi sẽ quen thôi. Mai mốt cháu cũng trở thành người Sài Gòn và cũng làm như chú mà. Thôi chú đi nha.
- À, mà sao trong xe chú lại có sẵn ống nhựa hút xăng vậy?
Tôi mỉm cười rồ ga chạy đi, bỏ lại sau lưng sự ngạc nhiên của chàng trai trẻ, bất giác tôi nhớ lại cách đây hai năm. Đó là vào rạng sáng năm 2019... Nhà tôi ở quận 2, cách xa bệnh viện tôi làm ước chừng một tiếng đồng hồ chạy xe máy nên tôi phải đi từ 5h sáng mới tới Tân Kiên, Bình Chánh để kịp nhận ca 6h sáng.
Mới qua được ngã ba Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống một khúc thì xe tắt máy. Tôi đề xe lại mấy lần cũng không nổ. Mở bình xăng ra lắc lắc xe, bật đèn pin điện thoại rọi vào mới biết hết xăng.
Thôi chết rồi, giờ này mấy người bán xăng còn chưa dậy, mà cây xăng cách đây hơn 600m, lại nằm bên kia con lươn, tới được đó chắc trễ giờ giao ca rồi. Định lấy điện thoại ra alô cho đồng nghiệp báo tới trễ, bỗng nhiên từ bên kia đường bóng một người đàn ông băng qua con lươn tới chỗ tôi. Tôi giật mình tưởng cướp, định thủ thế la lên...
- Hư xe hay hết xăng anh? Tôi chạy xe ôm trên đường này, đậu xe bên kia đường, hư xe thì tôi đẩy về nhà cho, hết xăng tôi chiết cho một ít.
Nghe giọng phát âm tôi đoán là dân xứ nẫu, nhìn kỹ thấy mặc áo xe công nghệ nên tôi bớt lo:
- Xe tôi bị hết xăng anh ơi!
- Anh đứng đây để tôi kiếm cái chai nước suối không, tôi chiết cho anh một ít chạy lên cây xăng trên mà đổ, giờ này chưa có ai bán xăng lẻ đâu.
Chạy vào bụi cây ven đường, anh ta tìm được chai nhựa nước ngọt, băng qua con lươn về chỗ anh đậu xe. Một lát anh trở lại, cầm cái chai nhựa chứa xăng:
- Anh đổ vô bình đi. Tôi ở đây thấy cảnh này hoài, đừng ngại.
- Hay anh cho tôi gửi tiền chai xăng này nha.
- Ôi, bao nhiêu xăng mà nhằm nhò gì, ngày tôi mới vào đây người Sài Gòn giúp tôi nhiều hơn vậy nữa. Nay tôi giúp lại người khác chứ có chi đâu. Nhờ vậy mới trụ lại được 5 năm ở Sài Gòn đó anh.
- Nhờ cái gì anh?
- Thì nhờ nhiễm tính hào sảng của Sài Gòn chứ nhờ cái gì nữa.
Tôi mỉm cười:
- Anh cũng là người Sài Gòn rồi đấy. Tôi cảm ơn anh nhiều nha.
Anh ta cười thật to:
- Ừ, thôi tôi đi kiếm cơm đây.
Ôi cái câu "nhiêu đây mà nhằm nhò gì!". Đúng là người Sài Gòn rồi. Không cần phải làm gì lớn lao, cũng không cần tính toán gì cả, thành phố này là vậy hơn 300 năm nay.
Tính hào sảng, hay giúp đỡ người khác đã ăn sâu vào máu người dân nơi đây và bất cứ ai cũng có thể trở thành "người Sài Gòn". Hơn nửa thế kỷ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, tôi tự hào về điều đó. Sài Gòn mãi hào sảng trong tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận