28/03/2021 09:30 GMT+7

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Đôi khi muốn ôm Sài Gòn vào lòng

LÊ HỒNG LÂM
LÊ HỒNG LÂM

TTO - Mùa hè của 14 năm trước, tôi chuyển vào TP.HCM vì mục đích công việc. Thành phố này trong ấn tượng ban đầu của tôi cũng không mấy đẹp.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Đôi khi muốn ôm Sài Gòn vào lòng - Ảnh 1.

Bình yên bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: QUÂN NAM

Đường phố lúc nào cũng đông đúc hỗn loạn, đặc biệt là giờ cao điểm, và mùi của những con kênh bốc lên nồng nặc trong những ngày nóng... Rồi trong một lần ngồi cà phê ở đường Nguyễn Du, đôi giày của tôi... một đi không trở lại với thằng bé đánh giày có gương mặt hiền lành. Ba tháng sau, chiếc điện thoại di động của tôi bị giật ngay trên đường phố.

Không được, mình phải ra thôi. Thành phố này hỗn tạp và xa lạ với mình quá.

Nhưng rồi ba tháng, sáu tháng..., những cái đông đúc hỗn tạp ấy bắt đầu trở nên quen thuộc với tôi. Trong sự đông đúc của Sài Gòn, tôi nhìn thấy sự năng động và nhiều cơ hội công việc.

Trong sự hỗn tạp của thành phố, tôi nhìn thấy sự dung nạp và không phân biệt đối xử. Và trong sự đông đúc, hỗn tạp của mỗi buổi sớm mai đó, tôi nhìn thấy bao nhiêu phận người phải vật lộn mưu sinh để sinh tồn mạnh mẽ dưới ánh mặt trời này. Làm sao đòi hỏi một thành phố như vậy chỉ chứa toàn câu chuyện cổ tích được?

Một năm sau, tôi quyết định... ra Hà Nội để bán nhà và chuyển hẳn vào TP.HCM.

14 năm sống ở Sài Gòn, thành phố này đã trở thành "ngôi nhà" mới của tôi. Khi đã trở thành ngôi nhà của mình rồi, ta chấp nhận và yêu thương cả cái hay và cái dở của nó, cả cái đẹp và xấu xí của nó.

Chỉ những lúc sáng sớm hoặc đêm khuya hoặc những ngày tết, thành phố mới rũ sạch được sự hỗn tạp của đời sống để trở về với sự bình yên vốn có. Những buổi sáng thức dậy sớm chạy bộ ngắm đường phố thưa thớt, dòng sông phẳng lặng lúc bình minh lên, hay sáng mùng một ra đường, thấy Sài Gòn thật đẹp.

Nơi này không có bốn mùa như Hà Nội, nhưng ngoài hai mùa mưa nắng, nó còn có một mùa thật đặc biệt nữa là mùa hi vọng, như thông điệp mà đạo diễn Việt kiều Tony Bùi gửi gắm trong bộ phim Ba mùa của anh.

Tôi thích xem những bộ phim của đạo diễn nước ngoài hay Việt kiều làm về Việt Nam. Thấy thành phố qua mắt của họ vừa gần gũi lại vừa lạ lẫm, vừa xa lạ vừa thân quen. Họ mô tả cái không khí nhiệt đới nóng ẩm, cái nhễ nhãi mồ hôi, cái đời sống mưu sinh của người lao động... rất đẹp qua ngôn ngữ điện ảnh mà hiếm khi thấy ở phim của các đạo diễn nội địa.

Mới đây xem Monsoon (Gió mùa) của Hong Khaou, đạo diễn người Anh gốc Campuchia, tôi cũng cảm nhận được cái mùi "hương xa" ấy.

Gia đình anh từng chạy trốn nạn diệt chủng Pol Pot và sang TP.HCM sinh sống đến năm 8 tuổi mới di cư sang Anh. Monsoon là câu chuyện của đứa con trai về lại Sài Gòn mang theo tro cốt của người mẹ đã qua đời về lại quê hương, đồng thời cũng là hành trình để tìm về ký ức, xuất thân và danh tính của chính anh ta.

Bộ phim mở đầu với góc máy cố định từ trên cao mô tả TP.HCM thật đẹp: dòng xe cộ giao vào nhau và xoay vòng quanh nhau. 

Và đó dường như cũng là cái nhìn của anh về nơi đây, một thành phố hỗn loạn trong trật tự, tưởng như bất ổn lại khá an toàn; bên dưới bề mặt đời sống đó là những câu chuyện về sự tử tế và lòng bao dung, sẵn sàng dang tay ra để đón nhận cái mới lẫn cái cũ mà không phán xét.

Tôi tin rằng hơn 10 triệu con người đang sinh sống ở đây đều có một câu chuyện thật đẹp, như lời cám ơn và tri ân dành cho thành phố này. Tôi đã đọc những câu chuyện như thế trong cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" trên báo Tuổi Trẻ. Những câu chuyện khiến tôi bật cười vì sự dễ thương hoặc đôi khi cay cay ở khóe mắt.

Một thành phố oằn mình đón nhận và dung nạp từng đó con người, phải có "muối" kết tinh đâu đó chứ. Và tự nhiên, vì những hạt muối ấy, tôi lại muốn ôm Sài Gòn vào lòng.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Đôi khi muốn ôm Sài Gòn vào lòng - Ảnh 2.
Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Xin chào, tôi là Tủ Bánh Mì từ thiện Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Xin chào, tôi là Tủ Bánh Mì từ thiện

TTO - Tôi có mặt gần như ở khắp các tuyến đường TP.HCM, là nơi những người dân lao động có thể dễ dàng ghé thăm và mang về cho mình một ổ bánh mì nóng giòn. Với đa số dân lao động khó khăn nơi đây, nó như một món quà, là một bữa được no bụng.

LÊ HỒNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp