Chợ Bà Chiểu ngày nay - Ảnh: NGUYỄN THIÊN ĐĂNG
Có lẽ ai cũng từng trải qua một quãng thời gian ngặt nghèo nào đó trong đời. Tôi thì "rớt mồng tơi" từ thuở mới lọt lòng cho tới sau tốt nghiệp đại học.
Cái thời đói khổ nhất không phải là thời đi mót khoai, mót bắp hay ngày ngày lội rạch lội sông đi bắt con tôm con cá, mà là quãng thời gian tôi khăn gói từ dưới quê lên TP.HCM học đại học.
Năm 1995, một thằng quê mùa trở thành sinh viên ở chốn phồn hoa. Với tôi, đó vừa là một niềm vui "bao la" mà cũng vừa là một nỗi lo "bát ngát" vì phải đối diện với những tháng năm dài lận đận. Học hành, nghiên cứu, làm thêm, chạy ăn, chạy tiền học phí... tất cả vo tròn thành mớ suy nghĩ hỗn độn trong cái đầu tôi.
Lên thành phố, tôi tìm được một phòng trọ gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). Ở cái thành phố rộng lớn lại không một người thân thích, tôi cảm thấy sợ đủ thứ.
Sợ nhất là người Sài Gòn khó gần khiến mình trở thành một kẻ tạm trú lạc lõng. Nhưng sau một thời gian ngắn, nỗi sợ ấy nhanh chóng tan biến. Để rồi sau này ngẫm lại, nếu không có họ hỗ trợ, giúp đỡ thì có thể đường học vấn của tôi đã đứt đoạn giữa chừng.
Họ có phải giàu sang phú quý gì đâu, chỉ là dì bán tạp hóa gần phòng trọ. Có gì to tát đâu, chỉ là dì sẵn sàng bán thiếu cho tôi từ ký gạo, gói mì, cái trứng, chai nước tương tới cái... lưỡi lam cạo râu.
Đến khi có tiền mang trả, tôi bảo dì cộng sổ, dì nói: "Mày mua nhiêu mày nhớ, tao không có ghi sổ". "Trời, dì tin tưởng con tới dị sao?". "Ừ, tụi bây sinh viên nghèo, tao cho cũng được có sao đâu...". Tôi cười mà nước mắt muốn rơi...
Họ có phải quyền cao chức trọng gì đâu, chỉ là chị bán rau, cô bán thịt ngoài chợ Bà Chiểu. Cũng có gì lớn lao đâu, họ bán hàng thiếu cho tôi với một thái độ vui vẻ...
Nhớ có lần tôi ghé sạp thịt mình hay mua tại chợ Bà Chiểu (nói hay mua chứ thật ra lâu lâu mới dám ăn sang một lần). Thấy tôi, cô bán thịt hỏi: "Ủa, lâu quá mới thấy mày, cô tưởng mày chuyển nhà trọ rồi chứ?". "Đâu có, con làm gì có tiền mà mua thịt ăn hoài cô, cả tháng nay chủ yếu ăn rau luộc chấm chao không hà cô ơi". "Trời, hổng có tiền thì ra cô bán thiếu cho, bác sĩ kỹ sư tương lai mà ăn vậy sao học nổi".
Nghe tôi hỏi mua ít thịt vụn về nấu tô canh bí đỏ bồi bổ để học bài thi, cô liền cắt cho tôi một ký thịt kèm theo câu: "Đem về kho ăn, khi nào có tiền đem ra trả cô". Trời ơi, tôi mừng đến nỗi quên là mình đã nói từ "cám ơn" nhiều lần.
Còn chị bán rau chỗ tôi hay mua, có lần tôi mang tiền ra trả nợ vì mua rau thiếu, chị thản nhiên: "Ủa, mày có thiếu tao hả?". Có thể chỉ nghĩ rau là thứ rẻ lắm rồi, ai mà mua thiếu.
Nhưng chị quên rằng trước đó mấy ngày, thấy tôi mua vài thứ rau mà mỗi thứ có một nhúm, chị cười: "Mua nhiêu ai ăn ai nhịn?". "Tiền đâu mà ăn nhiều chị". "Bởi vậy nhìn mày ốm nhom ốm nhách, ăn gì lấy thoải mái đi, chừng nào có tiền ra trả"... Thiệt là thương gì đâu...
Cứ vậy, được chút "lợi thế" quen biết, mỗi khi hết tiền hay lúc đói... sắp xỉu tôi mạnh dạn đến họ để mua thiếu. Và tất nhiên, với tấm lòng bao dung, họ bán thiếu cho tôi mà không một chút ngại ngần.
Nói về độ "chịu chơi bán thiếu" cho tôi chắc phải nói đến chị bán cơm gần phòng trọ tôi ở (tự dưng quên tên bả rồi). Tôi ăn cơm thiếu đến độ không dám ngồi lại quán ăn, mà mua hộp, nói hai từ "em thiếu" rồi chạy về cho lẹ...
Đâu chỉ có người bán hàng cho thiếu. Thời đó, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cũ mua trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Có lần đi học về, xe bị lủng ruột, không có tiền vá, tôi dẫn bộ.
Một bác sửa xe thấy vậy hỏi: "Xe xẹp bánh hả, vô chú bơm cho". Tôi nói xe bị lủng ruột mà con không còn tiền. Chú bảo: "Để chú vá cho, mai mốt có tiền ghé trả chú"...
Và còn, còn nhiều người Sài Gòn cư xử nghĩa tình như vậy lắm. Quãng đời sinh viên nghèo khổ của tôi bớt nhiều bữa đói một phần nhờ họ. Hay nói một cách sâu rộng hơn, tôi tồn tại trên đất Sài Gòn cho đến ngày nay, một phần nhờ họ.
Tính đến ngày 1-4, cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được hơn 380 email gửi đến địa chỉ [email protected] và 12 bài gửi qua đường bưu điện.
Cuộc thi nhận bài tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết.
Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 10-4-2021. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 30-4-2021.
Báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận