Người dân lấy gạo miễn phí từ máy “ATM gạo” tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú. Máy hoạt động 24/24 giờ giúp người lao động nghèo tạm thời vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19 (ảnh chụp trưa 7-4-2020) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Theo tôi, đặc điểm nghĩa tình của người Sài Gòn thuộc trong bối cảnh chung của cả người miền Tây Nam Bộ. Còn về đặc tính dung chứa, riết rồi tôi thấy... tội nghiệp cho Sài Gòn. Bởi cứ nhìn xem, Sài Gòn phải chứa bao nhiêu người, mỗi năm tới lúc tết nhìn Sài Gòn vắng vẻ hẳn đi mới biết nó đã phải oằn mình chứa bao nhiêu dân tỉnh lẻ.
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư -
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận sau hơn nửa đời người sống tại TP.HCM, ông nhận thấy nơi đây không có tính kỳ thị vùng miền, không cục bộ địa phương, và bao dung tình nghĩa.
Ở bề nổi, dễ thấy nhất là những hoạt động tương tế cứu trợ từ người Sài Gòn đến khắp cả nước, hoặc những sáng kiến từ thiện rất hồn nhiên tự nhiên. ATM gạo, quán cơm xã hội 2.000 đồng, những lần kêu gọi quyên góp giúp đồng bào bão lụt... nói lên tình nghĩa người Sài Gòn.
Căn cước của tính cách Sài Gòn
Cũng theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, "trong lòng Sài Gòn có nhiều văn hóa khác nhau, cứ nhìn thế hệ chúng tôi sẽ thấy người có căn cước sinh ra trên đất Sài Gòn hãy còn rất hiếm:
Tôi sinh ở Quảng Nam, Đoàn Vị Thượng ở Quảng Ngãi, Bùi Chí Vinh ở miền Bắc... Con người từ nhiều nơi họp lại, thành ra cái tính hòa nhập, dung chứa, bao dung rất lớn, lại có khả năng mài đi những điểm yếu vùng miền, và mặt mạnh vùng miền sẽ được phát huy, đóng góp thành tính cách Sài Gòn. Nó là kết tinh kết quả của giao thoa văn hóa tại đất Sài Gòn, làm nên bản sắc Sài Gòn".
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng 300 năm trước Sài Gòn hình thành từ những lưu dân đến đây, lịch sử Sài Gòn rất ngắn. "Chính vì rất ngắn, nên rất bao dung cởi mở. Tính thích nghi, tính cầu tiến của họ rất mạnh. Bởi vì anh đi tới một miền khỉ ho cò gáy lạ hoắc lạ huơ, anh phải thích nghi, đánh nhau với cọp sấu, chiến đấu với thiên nhiên để tồn tại, từ đó tạo nên tính năng động.
Cho nên ở TP.HCM, người ta đi ra đường hay nhắc nhau: nhắc gạt chân chống xe, nhắc tắt đèn xinhan và nhiệt tình chỉ đường cho người lạ đến từ nơi khác... Quan hệ giữa người và người rất tình cảm.
Còn một biểu hiện nữa, là ở TP.HCM đi ra đường thấy các loại biển số xe đến từ các tỉnh cũng nhiều ngang ngửa với biển số xe TP.HCM, đây cũng là một nét bao dung cụ thể chứ gì nữa".
Trong khi đó, dưới cái nhìn nhân học lịch sử, TS Bùi Trân Phượng cắt nghĩa về đặc tính khẳng khái, hào phóng của người Sài Gòn có xuất xứ "từ cội nguồn":
"Họ là dân xa xứ đến đây, tổ tiên họ gian nan lưu lạc đã từng, không biết sợ thiên nhiên hiểm trở, không chùn lòng trước bạo lực cường quyền. Cũng tâm thức lưu dân gắn bó, biết ơn nơi mình an cư lạc nghiệp khiến họ sẵn lòng chia sẻ với người mới tới hay người thất thế sa cơ, dù tại chỗ, tận quê gốc của mình hoặc từ địa phương khác, thậm chí từ đất nước xa xôi nào.
Chẳng phải trong đại dịch COVID-19, Sài Gòn đã cùng cả nước thể hiện tinh thần đùm bọc, bao dung đó rất hiệu quả sao?" - bà Bùi Trân Phượng nhận định.
Sẽ còn nhân rộng trong tương lai
Chia sẻ về đặc tính bao dung, nghĩa tình của người Sài Gòn, TS Bùi Trân Phượng cũng đề cập vai trò của những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục học đường, văn nghệ sĩ trí thức hiện nay.
Họ có thể là người Sài Gòn cố cựu hoặc từ nơi khác đến gắn bó với TP.HCM nhưng qua hành trạng hoạt động của mình, họ có những đóng góp thực tế cho cộng đồng để duy trì và nhân rộng các đặc tính tốt.
Bà Phượng dẫn lại một bài học từ danh nhân trong lịch sử: "Nhà giáo, trí thức từ thời trước thực dân như Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định được người dân nơi đây mến mộ không phải do quyền cao chức trọng, mà do đức độ, thực tài.
TS Bùi Trân Phượng
Ông đồ mù Nguyễn Đình Chiểu được quý trọng vì để lại tác phẩm Lục Vân Tiên đề cao phẩm hạnh, nghĩa tình, vì tinh thần bất khuất chống ngoại xâm. Bà Sương Nguyệt Anh, con gái ông, được mời từ nơi tị địa xa xôi của gia đình trở về Sài Gòn làm chủ bút báo Nữ Giới Chung, tiếng nói nữ lưu tân tiến.
Pétrus Ký lập văn nghiệp để đời từ đất Sài Gòn. Nguyễn An Ninh để lại hình ảnh không phải của người trí thức tân học ôm báo Tiếng Chuông Rè đi rao bán, quyết không làm tôi mọi cho Tây.
Không thể kể hết tên những nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà báo, văn nghệ sĩ sanh trưởng tại đây hay từ Bắc di cư, từ miền Trung, từ lục tỉnh đã thành danh tại Sài Gòn rồi tỏa ảnh hưởng cả nước và ở hải ngoại từ đầu thế kỷ 20 đến nay".
Và nếu phải trả lời một câu hỏi rằng có thể làm gì cụ thể trong tình hình hiện nay để phát huy tính cách bao dung và nghĩa tình của người Sài Gòn, TS Bùi Trân Phượng với tư cách một người Sài Gòn nặng tình với thời cuộc, cho rằng:
"Chỉ cần làm thiệt, sống thiệt, như người Sài Gòn thích và "thương" những cái thiệt như vậy. Làm nhà giáo thì hết lòng vì sự phát triển trí tuệ, nhân cách học sinh; báo chí phanh phui sự thật, bảo vệ người thấp cổ bé họng; người nghiên cứu chăm chỉ tìm tòi, phát huy trí tuệ, tạo tri thức và giá trị mới cho đời; văn nghệ sĩ đem hết tài năng, tâm huyết phục vụ nghệ thuật và con người...".
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
"Và còn có một điểm thú vị tôi phát hiện ở TP.HCM: Đó là trong bóng đá - loại hình rất phân biệt vùng miền (nên mới có khái niệm "sân nhà" và "sân khách") - khi có đội bóng của một tỉnh thành nào đó thi đấu với đội bóng Sài Gòn trên sân Thống Nhất, tôi thấy số lượng khán giả đi cổ vũ đội bóng tỉnh kia có khi còn đông hơn khán giả Sài Gòn, đến mức nhiều khi tôi ngồi trên sân Thống Nhất xem đội bóng Sài Gòn đá với các đội Huế, Thanh Hóa, Nghệ An mà cứ có cảm giác như đang xem đội Sài Gòn trên sân khách.
Ấy thế nhưng các khán giả Sài Gòn cổ vũ đội nhà vẫn vui vẻ bình thường với các khán giả đội khách kia. Điều này nếu diễn ra ở quê tôi thì hẳn khó giữ được không khí ôn hòa như vậy. Đây cũng chính là minh chứng rõ nhất cho tính bao dung cởi mở, không cục bộ địa phương và không kỳ thị vùng miền của người Sài Gòn".
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Cuộc thi viết "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình"
Sài Gòn nghĩa tình, Sài Gòn tử tế, Sài Gòn nhường cơm sẻ áo... Lịch sử hình thành và phát triển trải dài suốt hơn 300 năm của Sài Gòn cho đến TP.HCM ngày nay luôn gắn liền với những cụm từ thân thương đó, để rồi vùng đất phương Nam này luôn rộng mở đón người tứ xứ đến lập nghiệp, gắn bó lâu dài.
Từ ngày 10-3, báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Hyundai Thành Công tổ chức cuộc thi viết "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" để bạn đọc kể lại những câu chuyện, kỷ niệm, ký ức... về vùng đất cởi mở với những con người hào sảng nơi đây, đặc biệt là những câu chuyện thật của bạn hay chính bạn đã chứng kiến, nhằm góp phần xây dựng TP.HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
■ Đối tượng tham gia:
Người Việt Nam và người nước ngoài có thể viết tiếng Việt đều được tham gia, trừ thành viên và người trong gia đình của ban tổ chức, ban giám khảo và đơn vị tài trợ cuộc thi.
■ Yêu cầu bài dự thi:
- Tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết.
- Thời gian gửi bài dự thi: từ nay đến hết ngày 10-4-2021.
■ Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải nhất: 30 triệu đồng
- 1 giải nhì: 20 triệu đồng
- 1 giải ba: 10 triệu đồng
- 5 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng
Bài dự thi đạt yêu cầu sẽ được đăng trên Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online (có nhuận bút).
■ Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra dịp 30-4-2021.
■ Bài viết gửi về email: [email protected] hoặc gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình".
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận