Sau khi SaigonOne Tower được đưa ra rao bán, các ngân hàng khác dồn dập bán các tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ - Ảnh: TL
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa tổ chức đấu giá tài sản "khủng" là 3 lô đất tại khu Công nghiệp Đức Hoà III - Long An, trị giá mỗi lô lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Lô đất đầu tiên có diện tích 3,7 triệu m2 của chủ đầu tư là Công ty Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ tầng Khu Công nghiệp Sài Gòn Long An và một phần của Công ty Đầu tư AMIC với giá khởi điểm là hơn 4.000 tỉ đồng.
Lô đất thứ hai được rao bán với giá khởi điểm 3.132 tỉ đồng, cũng trong khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An, tổng diện tích gần 2,75 triệu m2 của nhóm Công ty Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, Long "V", Công ty Đầu tư Phát triển Long Đức - ILD và Công ty Đầu tư & Kinh doanh Bất động sản Mười Đây.
Ngoài ra, một lô đất khác tổng diện tích 2,75 triệu m2 của Công ty Đầu tư Đức Hoà III - Resco và một phần của Công ty Đầu tư AMIC cũng được rao bán với giá khởi điểm 2.855 tỉ đồng.
Dự kiến nếu đấu giá thành công, Sacombank có thể thu về khoảng 10.000 tỉ đồng từ ba tài sản đảm bảo này.
Ngoài đấu giá 3 lô đất này, Sacombank cũng rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo là bất động sản khác để thu hồi, xử lý nợ xấu nhằm đạt mục tiêu cử lý được 15.000 - 20.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm nay.
Thời gian qua nhiều tài sản trị giá hàng trăm tỉ tại các quận trung tâm đã được Sacombank bán thành công.
Không chỉ Sacombank, sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh rao bán tài sản đảm bảo tại nhiều địa phương khác nhau.
Vietcombank vừa rao bán tài sản đảm bảo là 5 quyền sử dụng đất tại quận 4, Thủ Đức, Tân Bình, quận 7 và tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm là 84 tỉ đồng.
Đây là tài sản thế chấp của Công ty CP Xuất nhập khẩu hạt điều và hàng nông sản thực phẩm TP (Vinalimex) để thu hồi vốn.
Vietcombank cũng đang rao bán nhà máy sản xuất đường tinh luyện tại Đức Hòa, Long An có giá khởi điểm gần 129 tỉ đồng…
Agribank cũng liên tục cập nhật tài sản phát mại của các chi nhánh lên trang web.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, một số tài sản tại các vị trí đẹp ở những quận trung tâm TP.HCM đã được các ngân hàng bán khá nhanh.
Tuy nhiên những tài sản đảm bảo tại các tỉnh, hoặc những tài sản kém thanh khoản hơn như máy móc, nhà xưởng tại các tỉnh được ngân hàng rao đi rao lại nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.
Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua đã tạo cơ chế để xử lý nhanh nợ xấu cho các ngân hàng.
Trước khi có Nghị quyết này, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua lại đến 230.000 tỉ đồng nợ xấu của các ngân hàng nhưng chưa xử lý được.
Sau khi Nghị quyết 42 được thông qua, VAMC kỳ vọng đến cuối năm 2017 sẽ thu hồi trên 22.000 tỉ đồng và đến năm 2022 xử lý cơ bản nợ xấu đã mua từ năm 2017 trở về trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận