Cổ đông đặt câu hỏi về việc cho vay của Sacombank - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - tổng giám đốc Sacombank - cho biết như trên tại đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2021 tổ chức sáng nay 22-4, khi đại diện cho một nhóm cổ đông hỏi về tổng dư nợ cho vay hiện nay của Tập đoàn FLC và các công ty có liên quan tại Sacombank. Trong đó bao nhiêu tài sản đảm bảo bằng bất động sản và bao nhiêu phần trăm đảm bảo bằng cổ phiếu.
Trả lời câu hỏi này, bà Diễm cho rằng đây là vấn đề mà rất nhiều người muốn hỏi. "Chúng tôi cho Tập đoàn FLC và Bamboo Airways vay trên 5.000 tỉ đồng. Khi cho vay, chúng tôi đã thông báo rất rõ mục đích là đồng lòng hỗ trợ hàng không và bất động sản du lịch vượt qua dịch bệnh.
Tài sản thế chấp của khoản vay này là cổ phiếu nhưng đằng sau đó là rất nhiều dự án bất động sản tại Quảng Ninh, Hà Nội. Do vậy việc xử lý tài sản đảm bảo rất tốt. Đến nay chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi xảy ra sự việc tại Tập đoàn FLC, chúng tôi đã thu nợ được 2.600 tỉ đồng", bà Diễm khẳng định.
Ông Dương Công Minh - chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank - trả lời về việc cho Tập đoàn FLC vay
Chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh cho biết thêm trong 5.000 tỉ đồng dư nợ của nhóm FLC, riêng Tập đoàn FLC, Sacombank cho vay 3.200 tỉ đồng, đã thu hồi được 2.600 tỉ và trong vòng 1 tháng nữa FLC sẽ trả xong khoản vay.
Về câu hỏi của cổ đông là tổng dư nợ cho vay bất động sản của Sacombank hiện nay là bao nhiêu, bà Diễm cho biết tỉ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ của Sacombank là 22%. Trong đó cho người dân vay mua nhà, cho vay tiêu dùng chiếm 60%, cho vay doanh nghiệp là 40%. Xét về con số tuyệt đối thì dư nợ cho vay doanh nghiệp bất động sản tại Sacombank chỉ có 30.000 tỉ đồng trên tổng dư nợ 400.000 tỉ đồng.
Tại đại hội, nhiều cổ đông cũng ý kiến về việc vì sao nhiều năm qua Sacombank không chia cổ tức.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sacombank cho hay hiện lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế tính đến 31-12-2021 của Sacomank là gần 8.982 tỉ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ ngân hàng. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên do hiện tại Sacombank đang tái cơ cấu theo đề án tái cơ cấu được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng. Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước thời hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trên cơ sở đó Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện việc chi trả cổ tức cho cổ đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận