Trẻ em đọc ngoại văn tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Sách thiếu nhi hiện tại cơ bản đến từ tác phẩm dịch, dù là tinh hoa, ưu tú cũng không dành riêng cho con em Việt Nam chúng ta. Những tác phẩm của người Việt viết cho trẻ con Việt vừa ít vừa chất lượng không cao, nên việc đầu tư cho sách thiếu nhi là vấn đề cấp bách và quan trọng".
Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - chia sẻ như thế tại hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2018.
Câu chuyện thiếu và yếu của sách thiếu nhi "made in Vietnam" là một trong những nội dung đáng chú ý tại hội nghị này, do Ban Tuyên giáo trung ương chủ trì cùng Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức sáng 3-8 tại Cần Thơ.
Chúng tôi nhận được nhiều bản thảo dự báo tương lai đầy bão lửa của đời sống sắp tới. Chúng ta ứng xử thế nào với những bản thảo đó?
NGUYỄN QUANG THIỀU (giám đốc NXB Hội Nhà Văn)
Trẻ em Việt Nam thiệt thòi
Theo ông Nhựt, chiến lược phát triển sách thiếu nhi phải là ưu tiên hàng đầu vì đây là vấn đề cấp bách cùng mảng sách chính trị, văn hóa, khoa học.
Bởi dù xã hội phát triển nhưng trẻ em Việt Nam lại đang thiệt thòi vì thiếu nhạc để hát, thiếu sách để đọc. Ông cũng cho biết sắp tới, NXB Trẻ sẽ xuất bản dòng sách dành riêng cho thiếu nhi theo chuẩn công nghệ in ấn và giấy thân thiện.
Nhắc việc Quốc hội đã thông qua việc có nhiều bộ sách giáo khoa, ông Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị nên tính đến việc quy tụ hơn 60 NXB cùng tổ chức thực hiện bộ sách giáo khoa.
"Từng bộ sách giáo khoa phải phù hợp với từng vùng miền. Bộ sách học tiếng Anh của Hà Nội, TP.HCM phải khác Hà Giang, Sơn La" - ông Nhựt lấy ví dụ.
Đại diện NXB Trẻ cũng cho biết hiện có hơn 70% xuất bản phẩm đến từ mô hình liên kết và theo điều tra của đơn vị này, tỉ lệ người mua sách nhưng chưa kịp đọc ngay lớn hơn tỉ lệ người mua sách về đọc ngay.
Ông chia sẻ: "Có người mua rồi nói về rảnh đọc nhưng không biết bao giờ rảnh, nên truyền thông sách và phê bình sách là rất cần thiết. Tuy nhiên thời gian gần đây, chúng ta chỉ có truyền thông sách chứ chưa có phê bình sách.
Tất cả sách được giới thiệu trên thông tin đại chúng cuốn nào cũng thập toàn hoàn mỹ, chứ không có sai sót. Nhưng thực tế sách như con người, không ai trọn vẹn. Sự hấp dẫn của sách đến từ sự không trọn vẹn ấy".
Gặp khó khi phản ảnh hiện thực xã hội
Ông Nguyễn Quang Thiều - giám đốc NXB Hội Nhà Văn - vẫn băn khoăn về khó khăn khi xuất bản các tác phẩm văn chương phản ánh hiện thực xã hội.
Có nhiều bản thảo ông nhận được, tham khảo ý kiến nhà phê bình, nhà văn, biên tập viên đều nói bình thường, nhưng lại không bình thường với nhà quản lý.
Ông dẫn chứng cụ thể nếu xuất bản tiểu thuyết viết về ông bí thư tỉnh ủy sa đọa, tham nhũng có thể sẽ bị cảnh cáo, thậm chí không được in. Nhưng hiện thực xã hội lại đang vượt qua biên giới ấy.
"Chúng tôi nhận được nhiều bản thảo dự báo tương lai đầy bão lửa của đời sống sắp tới. Bản thảo đó có những chỗ đầy cực đoan, nhưng đúng với những gì đang xảy ra. Các nhà văn nói với tôi rằng xã hội đang đi đến sự khác biệt vô cùng.
Đã có ủy viên Bộ Chính trị, các tướng lĩnh, những trùm chống tội phạm công nghệ cao bị bắt... thì văn chương cũng phải phản ánh những điều đó. Chúng ta không bao giờ chạy thoát khỏi hiện thực xã hội. Vậy chúng ta ứng xử thế nào với những bản thảo đó? Có cấp phép hay không?" - ông Thiều đặt câu hỏi với các cơ quan quản lý xuất bản.
Hai phố sách vận hành chưa hiệu quả
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - giám đốc NXB Phụ Nữ - cho rằng hiện nay mô hình quản lý, vận hành phố sách Hà Nội và đường sách Vũng Tàu chưa hiệu quả, khiến các đơn vị có gian hàng gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị tàn lụi.
Nguyên nhân bởi hai phố sách chưa có mô hình quản lý phù hợp. Bà Phượng đề nghị nên giao việc quản lý phố sách cho các đơn vị am hiểu, có kinh nghiệm làm xuất bản để vận hành tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận