06/01/2010 07:04 GMT+7

Sách Việt ra nước ngoài: Ít ỏi đến sốt ruột

THU HÀ - NGA LINH
THU HÀ - NGA LINH

TT - “Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2007 đã có 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được xuất bản ở VN. Nhưng đến nay mới chỉ có 570 tác phẩm của VN được dịch. Với một cảm quan văn học bình thường cũng có thể thấy đó là sự bất tương xứng cần sớm được khắc phục một cách có tổ chức với tầm nhìn xa rộng”.

Tại hội nghị quốc tế “Giới thiệu văn học VN” được tổ chức trọng thể từ ngày 5 đến 10-1-2010 với sự tham gia của 150 đại biểu quốc tế đại diện 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN, trưởng ban tổ chức - đã dẫn ra con số trên như một bằng chứng bày tỏ sự “sốt ruột” cũng như “tầm nhìn xa” của những người có trách nhiệm về việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài.

GJLGAyK3.jpgPhóng to
Từ trái qua: dịch giả Nguyễn Bá Chung, ông Kevin Bowen - trưởng đoàn Mỹ, ông Larry Heinemann - cựu binh Mỹ, tác giả cuốn Núi Bà Đen (Black Virgin Mountain) và bà Minh Hà - đại diện NXB Phụ Nữ - Ảnh: Thu Hà

Chúng ta muốn

Năm 2002, hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN lần đầu tiên được tổ chức với sự có mặt của 25 dịch giả nước ngoài từ 12 quốc gia. Số lượng tác phẩm VN được dịch đã tăng, tập trung vào các tác phẩm Nhật ký trong tù, thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát... và sách của các nhà văn cựu binh VN được Trung tâm William Joiner (Mỹ) tổ chức dịch và xuất bản. Các sách dịch này chủ yếu cũng chỉ đến với những độc giả “truyền thống” như Nga, Ba Lan, Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc... qua con đường “trao đổi văn hóa”.

Theo ông Kevin Bowen - giám đốc Trung tâm William Joiner, tập sách VN bán chạy nhất tại Mỹ vẫn là những bài thơ trong nhật ký, thư từ, ghi chép của các chiến sĩ quân giải phóng VN do quân đội Mỹ thu giữ, và tiểu thuyết VN được biết đến nhiều nhất ở Mỹ vẫn là Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh.

Tập thơ hấp dẫn vì thơ dễ đọc, lại có tính tư liệu rất độc đáo. Tiểu thuyết, không nói thì ai cũng đã rõ, ngoài sức mạnh văn chương còn là sự tò mò của người Mỹ trước thế giới nội tâm của kẻ đã chiến thắng mình. Những tên sách VN đương đại khác, theo dịch giả Nguyễn Bá Chung, chẳng có cuốn nào in nổi trên 2.000 bản.

Có mặt tại lễ khai mạc hội nghị với tư cách khách mời, KTS Hoàng Đạo Kính - thành viên Hội đồng lý luận phê bình trung ương - kể lại một câu chuyện khá nhiều ý nghĩa khi Hội đồng lý luận đi tham quan, công tác tại Ý. Trong cuộc gặp gỡ với đại diện một NXB ở Ý, nơi đã dịch và in tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư..., một thành viên đề nghị: “Chúng tôi có những nhà văn khác viết về nông thôn VN rất hay, sao các ông không dịch mà chỉ chăm chăm vào những cuốn này?”.

Câu trả lời là: “Chúng tôi chỉ xuất bản những gì mà độc giả của chúng tôi thích. Và trước khi dịch cuốn nào, chúng tôi đều đã có điều tra thị trường”. Xem ra cái ta muốn và cái người ta muốn không hẳn đã giống nhau.

Và cái “người ta” muốn

“Người ta” ở đây không phải là một nhóm nhỏ học giả hay nhà nghiên cứu VN chuyên biệt, mà là công chúng rộng rãi ở những nước có thị trường văn học phát triển. Chúng tôi đi tìm câu trả lời từ một câu hỏi:

* Vấn đề gì phản ánh trong văn học Việt đủ gây thu hút ở nước ông/bà? Văn học VN nên làm gì để xâm nhập thị trường sở tại và những khuyến cáo mà những dịch giả đồng thời là những người bạn có thể dành cho những người làm văn học VN?

Nhà thơ Kevin Bowen (giám đốc Trung tâm William Joiner thuộc ĐH Massachusetts - trưởng phái đoàn Mỹ):

- Người Mỹ thích truyện ngắn, thơ. Ở Mỹ người ta thường đăng thơ lên blog, thoải mái chia sẻ quan điểm về cuộc sống, quan hệ giữa hai thế hệ, giữa các giới tính. Nhưng cái mà họ còn quan tâm hơn là VN đã làm gì để phát triển, người dân đang sinh sống như thế nào? Họ muốn biết nhịp điệu cuộc sống ở đây, những thay đổi trong 20 năm qua. Một số người luôn nghĩ đến VN với hình ảnh làng xóm, những cánh đồng lúa... Người Mỹ đã sớm mất đi những trải nghiệm tự nhiên đó, vì giờ họ chỉ biết tìm hiểu mọi thứ qua tivi.

Câu chuyện chiến tranh đã biến VN trở thành một “điểm đến” kỳ thú với người Mỹ. Sau những cựu chiến binh, rất nhiều thanh niên Mỹ xách balô du lịch bụi tại VN. Các sinh viên của tôi hỏi về văn học, âm nhạc của VN. Chính độc giả cũng đang thay đổi và phát triển trong suy nghĩ, quan tâm hơn đến VN, đó là một lợi thế!

Mỹ là một thị trường văn học rộng mở cho VN. Ở Mỹ rất nhiều quỹ hỗ trợ, quan tâm đến dòng văn học chưa được đánh giá đúng mức (under-represented literature), trong đó có VN. Nếu chúng ta thuyết phục được họ, họ sẽ chịu bỏ tiền ra, đốc thúc các NXB, xuất bản dưới dạng “thử” để một vài tác phẩm văn học Việt đến với bạn đọc.

Bản thân tôi đang cố gắng tập hợp những tuyển tập truyện ngắn, thơ (Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ)... và một website văn học VN dưới dạng song ngữ Anh - Việt. Chính phủ Mỹ từng có chính sách hỗ trợ dịch thụât văn học và người học dịch thuật tại các trường học. Tôi đang hi vọng Tổng thống đương nhiệm Obama sẽ làm gì đó để tiếp tục giúp đỡ việc này.

Triển lãm “Giao lưu văn học Việt Nam và thế giới”

ZP4AcnDa.jpgPhóng to
Dịch giả Lady Borton bên một tác phẩm của bà tại triển lãm - Ảnh: H.ĐIỆP

Trong khuôn khổ của hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN diễn ra tại Hà Nội, chiều 5-1-2010, tại Thư viện Quốc gia đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm các tác phẩm sách báo, hình ảnh và hoạt động liên quan đến văn học với tên gọi Giao lưu văn học Việt Nam và thế giới.

Triển lãm trưng bày khoảng 500 tác phẩm văn học dịch (một nửa là tác phẩm của VN dịch ra tiếng nước ngoài và một nửa là các tác phẩm quốc tế dịch sang tiếng Việt) và khoảng 600 hình ảnh cùng kỷ vật liên quan đến hoạt động giao lưu văn học giữa VN và các quốc gia trên thế giới.

Triển lãm sẽ giới thiệu đến bạn đọc, các nhà nghiên cứu và bạn bè quốc tế về lịch sử và những giá trị của nền văn học VN trải qua cả ngàn năm lịch sử và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân VN qua các thời kỳ lịch sử.

Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 10-1-2010.

THU HÀ - NGA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp